Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ và hiện vẫn sống trong tình trạng không quốc tịch, Adul Sam-on, 14 tuổi, trong đội bóng nhí Thái Lan vừa được giải cứu đã vượt lên mọi khó khăn và trở thành người xuất sắc nhất.

Adul Sam-on (phải) và các bạn bị mắc kẹt trong hang Tham Luang (Ảnh: Thai Navy Seal)

Adul Sam-on (phải) và các bạn bị mắc kẹt trong hang Tham Luang (Ảnh: Thai Navy Seal)

Ở độ tuổi 14, Adul Sam-on đã quá quen với những chuyện nguy hiểm trong cuộc sống của mình. Năm 6 tuổi, Adul đã trốn khỏi một vùng lãnh thổ ở Myanmar – nơi nổi tiếng với những cuộc chiến tranh du kích, trồng thuốc phiện và buôn ma túy. Bố mẹ của Adul đã đưa cậu bé đến Thái Lan với hy vọng con trai của họ sẽ được đến trường và có tương lai tốt đẹp hơn so với những thành viên còn lại trong gia đình lam lũ và mù chữ.

Tuy vậy, cuộc trốn thoát lớn nhất của Adul đã diễn ra vào ngày 10/7 khi cậu bé cùng các thành viên trong đội bóng Lợn rừng và huấn luyện viên được giải cứu khỏi hang Tham Luang ở phía bắc Thái Lan sau gần 3 tuần bị mắc kẹt.

Trong suốt 10 ngày, Adul và những người bạn đã phải tìm cách sinh tồn trong hang sâu khi mọi điều kiện về đồ ăn, nước uống và ánh sáng đều hạn chế. Cho tới khi được các thợ lặn Anh tìm thấy hôm 2/7, cả 13 người bị mắc kẹt, trong đó có Adul, đều chỉ còn da bọc xương.

Là hậu duệ của dân tộc Wa và cho đến nay vẫn chưa có quốc tịch, Adul đóng vai trò như một phiên dịch viên cho đội bóng khi gặp các thợ lặn Anh trong hang Tham Luang. Nhờ khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và tiếng dân tộc Wa, Adul đã giao tiếp một cách lịch thiệp với các thợ lặn nước ngoài và chuyển lời tới họ về những nhu cầu khẩn cấp nhất của cả nhóm, đó là đồ ăn và câu hỏi về việc khi nào cả nhóm được đưa ra khỏi hang. Ngay cả trong tình huống đáng sợ như ở trong hang, Adul vẫn được nhìn thấy tươi cười trong đoạn video đầu tiên về đội bóng do đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan công bố.

Hôm 10/7, thị trấn biên giới Mae Sai, nơi Adul sống trong một nhà thờ, cuối cùng cũng có lý do để ăn mừng khi chiến dịch giải cứu đội bóng Lợn rừng sau 18 ngày mắc kẹt đã kết thúc. Adul và 12 người còn lại đều được các thợ lặn đưa ra khỏi hang an toàn trước khi tới bệnh viện điều trị.

Thành tích vượt trội

Adul là người duy nhất trong đội bóng có thể trò chuyện với các thợ lặn bằng tiếng Anh trong hang Tham Luang (Ảnh: Dailymail)

Adul là người duy nhất trong đội bóng có thể trò chuyện với các thợ lặn bằng tiếng Anh trong hang Tham Luang (Ảnh: Dailymail)

3 trong số 12 thành viên của đội bóng Lợn rừng và huấn luyện viên Ekapol Chantawong là những người dân tộc thiểu số không quốc tịch. Họ đã quen với việc hôm nay di chuyển qua biên giới Thái Lan giáp với Myanmar và hôm sau quay trở lại Thái Lan chơi bóng. Thị trấn Mae Sai nằm cách không xa Tam Giác Vàng – nơi giao thoa giữa Thái Lan, Myanmar, Lào và là trung tâm của hoạt động buôn lậu khét tiếng.

Adul là học sinh đứng đầu lớp tại trường Ban Wiang Phan ở Mae Sai. Thành tích học tập xuất sắc và khả năng chơi thể thao nổi trội của Adul đã giúp cậu bé này được miễn học phí và ăn trưa tại trường.

Sau khi vượt qua biên giới để sang Thái Lan cách đây 8 năm, bố mẹ của Adul đã gửi cậu bé vào một nhà thờ ở Mae Sai và nhờ vợ chồng linh mục chăm sóc cho con trai họ. Tại quê nhà ở Myanmar, Adul không được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng và những thiếu niên trẻ tuổi như Adul có nguy cơ bị lôi kéo để gia nhập lực lượng du kích.

Trường Ban Wiang Phan hiện có 20% học sinh là người không quốc tịch và một nửa là người dân tộc thiểu số. Hiệu trưởng của trường, ông Punnawit, cho biết việc Adul xuất thân từ vị thế không quốc tịch có lẽ đã góp phần làm nên sự mạnh mẽ của cậu bé này.

“Những đứa trẻ không quốc tịch luôn mang trong mình tinh thần chiến đấu vì chúng thực sự muốn vượt trội hơn những đứa trẻ khác. Adul là cậu bé xuất sắc nhất trong tất cả những người xuất sắc nhất”, ông Thepsurin nhận định.

Không quốc tịch

Đội cứu hộ làm việc trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Đội cứu hộ làm việc trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hiện có ít nhất 440.000 người không quốc tịch tại Thái Lan, nhiều người trong số đó là nạn nhân của các cuộc xung đột sắc tộc kéo dài suốt nhiều năm ở Myanmar. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền nói rằng con số thực sự có thể lên tới 3 triệu người trong tổng số gần 70 triệu dân Thái Lan. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về bảo đảm quyền lợi cho người tị nạn.

Với sự bảo vệ ít ỏi về mặt pháp lý, các công dân không quốc tịch ở Thái Lan có thể trở thành nạn nhân của những đối tượng buôn người hoặc các ông chủ bóc lột sức lao động. Trong bối cảnh đó, đội bóng Lợn rừng đã trở thành nơi nương náu cho những đứa trẻ không quốc tịch tại Thái Lan như Adul Sam-on. Vào những ngày cuối tuần, cả đội thường rủ nhau đi dã ngoại tại các khu rừng lân cận.

Trong chuyến đi tới hang Tham Luang hôm 23/6, đội bóng Lợn hoang đã tiến vào hang bất chấp cảnh báo bên ngoài cửa hang rằng, những trận mưa lớn vào mùa mưa có thể biến các lối đi trong hang thành những dòng sông chảy xiết chỉ trong vài giờ. Trước đó, đội bóng này cũng từng có lần thám hiểm hang Tham Luang.

“Các em đang ở độ tuổi muốn khám phá và học hỏi những cái mới. Do vậy việc các em đi vào hang cũng là điều dễ hiểu”, Nopparat Khanthawong, huấn luyện viên trưởng của đội bóng Lợn rừng, cho biết.

May mắn đã mỉm cười với các cầu thủ nhí và huấn luyện viên khi chiến dịch giải cứu diễn ra thành công đúng như mong đợi. Hơn 10.000 người đã tham gia chiến dịch này để đưa toàn bộ 13 người bị mắc kẹt ra ngoài.

Cha mẹ của Adul có 5 người con nhưng chỉ có duy nhất Adul may mắn được cho đi học tại Thái Lan. Họ đã nhắc nhở con trai mình phải cư xử đúng đắn, ngay cả khi Adul đang ở trong tình huống khó khăn nhất.

“Sau khi con ra khỏi hang, con phải gửi lời cảm ơn tới từng nhân viên cứu hộ”, cha mẹ của Adul viết trong lá thư gửi vào hang cho con.

Theo Dân trí

Từ khóa : cầu thủ Thái Lanđội bóng Thái Langiải cứu đội bónghang Tham Luang

Các tin liên quan đến bài viết