Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại 17 hạng bằng lái xe gây phức tạp, bất tiện cho người dân. Tuy nhiên, đại diện Tổng Cục Đường bộ VN nói rõ: bắt buộc phải làm nếu muốn hội nhập quốc tế.

Rườm rà và tốn kém

Dự thảo sửa đổi luật Giao thông đường bộ đưa ra 17 loại giấy phép lái xe nhằm “phù hợp với chuẩn quốc tế”. Tuy nhiên, ở góc độ người dân, anh Vũ Văn Thành, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, việc này là không cần thiết. Bởi phân loại, tăng thêm các loại bằng,  gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho người học.

Ngoài ra, việc phân nhiều loại bằng còn gây khó nhận biết cho người dân, dẫn đến nhiều thắc mắc không đáng có.

“Bằng B1 hiện nay cấp cho người lái ôtô đã quen thuộc với người dân, nay chỉ cấp cho xe ba bánh. Điều này đồng nghĩa với việc Dự thảo luật được thông qua người có bằng B1 sẽ không được lái ô tô. Sau khi thay đổi quy định, nhiều người dân sẽ phải đổi bằng điều này sẽ gây lãng phí”, anh Thành nói.

Cấp 17 loại bằng lái xe: Muốn hội nhập phải theo quốc tế
Thực hưu việc tăng học phí lái xe ô tô lên 30 triệu

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, không nhất thiết phải phân thành nhiều hạng bằng lái như các nước.

Do điều kiện kinh tế VN chưa theo kịp các nước nên việc chia thành nhiều loại bằng sẽ gây phiền toái, tốn kém cho người dân.

“Phân hạng bằng mỗi lần chuyển loại người học phải thi chuyển đổi vừa phức tạp, vừa tốn thêm chi phí. Thay vì chia thành nhiều hạng thì cơ quan cấp bằng lái nên giám sát chặt việc sát hạch, đào tạo cấp bằng, đặc biệt là đối với loại bằng lái xe vận tải chở khách thì phải được giám sát rất chặt chẽ”, ông Thuỷ nói.

Bắt buộc phải thực hiện

Trao đổi với VietNamNet,ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, việc đổi hạng bằng lái xe là quy định bắt buộc theo công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên.

Các quốc gia thành viên tham gia công ước phải thực hiện phù hợp với quy định phụ lục của công ước. Đây là điều bắt buộc phải thực hiện bởi, theo nguyên tắc ngoại giao, việc phân hạng bằng lái xe phải phù hợp với quốc tế thì họ mới công nhận”, ông Thống nói.

Ông Thống cũng nêu thự tế, theo quy định hạng bằng lái hiện nay, người nước ngoài sang VN đổi bằng lái đang có sự chệnh lệch về hạng bằng nên “nếu tăng lên thì vượt quá, để nguyên thì không bằng”.

Cụ thể, theo công ước, các nước quy định: hạng D được lái xe từ 10 đến 16 chỗ và D1 được lái xe từ 16 đến 30 chỗ ngồi, trong khi VN quy định chung hạng D được lái xe từ 10 đến 30 chỗ.

Hay, hạng C ở VN được lái xe tải từ 3,5 tấn đến mấy chục tấn, nhưng nước ngoài lại quy định từ 3,5 – 7,5 tấn là hạng C và từ 7,5 tấn trở lên là hạng C1.

Nếu không thay đổi, khi lái xe hạng C của Việt Nam sang nước ngoài có thể lái được xe từ 3,5 đến vài chục tấn, nhưng nếu quốc tế sang Việt Nam có bằng C không được lái xe tải trên 7,5 tấn. Điều này có sự “chệnh lệch” với hạng bằng quốc tế.

“Việc phân thêm các hạng bằng lái xe chỉ thuận lợi hơn. Việc này tạo điều kiện thuận tiện cho người VN sang nước ngoài cũng như người nước ngoài sang VN sử dụng bằng lái xe thuận tiện, không có sự chênh lệch về hạng bằng”, ông Thống khẳng định.

Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái cũng nói rõ, với quy định hạng bằng hiện tại người VN sang nước ngoài sử dụng họ vẫn công nhận. Nhưng nếu luật không thông qua các nước sẽ không công nhận hạng bằng của VN khi ra quốc tế.

Nguyên nhân là do công ước có điều khoản bắt buộc các nước thành viên tham gia công ước phải thực hiện sau 5 năm gia nhập công ước.

“Muốn hội nhập quốc tế thì chúng ta phải thực hiện theo quốc tế. VN ra nhập công ước việ từ 2015, thời hạn sau 5 năm phải sửa các điều luật theo công ước đã chuẩn bị hết. Nếu chúng ta không sửa theo các nước tham gia công ước thì sẽ không được công nhận nữa”, ông Thống nói thêm.

Dự kiến tháng 7 này Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi luật Giao thông đường bộ. Sau đó Chính phủ sẽ trình QH vào tháng 10 tới để QH xem xét thông qua vào kỳ họp trong năm 2021.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bằng lái xeđào tạo lái xeLuật Giao thông đường bộphân hạng

Các tin liên quan đến bài viết