KHI GỖ CAO SU THANH LÝ “SỐT GIÁ”
Cuối năm 2016, giá gỗ cao su thanh lý tăng dần, đạt đỉnh điểm vào quý 3/2017. Chưa bao giờ cây cao su 20 năm tuổi “ngất ngưởng” 1,3-2 triệu đồng/cây. 1 ha cao su thanh lý có giá từ 200 triệu đồng năm 2016 nay tăng lên 500-700 triệu đồng. Giá mủ èo uột ở ngưỡng chỉ gần 300 đồng/độ nên nông dân ồ ạt cắt cây bán gỗ, kể cả vườn cây đang tuổi khai thác để trồng mới giống cao su có trữ lượng gỗ cao…
Ồ ẠT TÁI CANH CAO SU
Từ năm 2010-2015, khắp nẻo đường thôn, xóm 2 huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp nông dân ồ ạt thanh lý vườn điều để xuống giống hồ tiêu theo phương thức cuốn chiếu. Và các xưởng cưa nhỏ lẻ tấp nập cưa nọc gỗ tạp trồng tiêu. Đặc biệt, trong 2 năm 2014-2015, những vườn cao su mở miệng cạo từ 1-5 năm (6-10 năm tuổi) có diện tích vài sào đã bị người dân cắt bỏ để trồng cây ăn trái, hồ tiêu. Thời điểm này, nếu là vườn điều thanh lý thì phải thuê công cưa, dọn và chỉ bán được cho các lò gạch. Riêng gỗ cao su từ 6-10 năm giá bèo bọt 20-50 ngàn đồng/cây nên nhiều hộ đã tận dụng kêu công xẻ làm trụ tiêu. Hậu quả là số trụ này từ 3-6 tháng thì mục nên chỉ cần cơn lốc nhỏ đi qua là cả vườn tiêu đổ.
Anh Phan Văn Tâm, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) cho biết: Nhà tôi không có vườn cao su nhưng rất ngạc nhiên khi thấy nhiều hộ trong xóm cưa cả vườn cây đang thời kỳ cho mủ rồi cày đất xuống giống cao su mới. Khi hỏi tôi mới biết do giá gỗ cao su thanh lý quá cao mà giá mủ chưa đạt 300 đồng/độ, nếu nhà không có công cạo thì mỗi héc ta cao su quản lý tốt cũng chỉ lãi 20-25 triệu đồng/năm. Vì vậy, khi “nóng” giá gỗ, nông dân liền cưa cây bán để chuyển đổi chu kỳ mới với giống có trữ lượng gỗ cao.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất cây giống Sáu An, xã Thành Tâm (Chơn Thành) cho biết, năm 2010, giá cây giống khủng hoảng thì năm 2017 giá tăng cao gấp 3 lần so với năm 2015, 2016 do nhiều hộ nông dân thanh lý vườn cây bán gỗ trồng lứa mới. Điều đáng nói là trước đây người mua “săn tìm” giống có năng suất, độ mủ cao thì năm nay giống cũ PB 15, PB 235 hút hàng, giá cao ngất ngưởng trên 20 ngàn đồng/bầu tầng lá, cao hơn 6-7.000 đồng/bầu so với các giống khác. Do dòng này cây cao, to, trữ lượng gỗ lớn nên có giá bán gỗ cao nhất hiện nay.
Mùa xuống giống 2017, giá cây giống cao su “hồi sinh”. Nhiều hộ sản xuất giống cao su bị thua lỗ trước đây đã “giải nghệ” nay lại “hâm nóng” nghề. Bấp bênh của nghề sản xuất cây giống là không cân đối được thị trường nên khi cầu vượt cung thường xảy ra tình trạng nhiều hộ tự phát làm giống không có hợp đồng dẫn đến cung vượt cầu, thua lỗ như những năm 2010-2011.
“CÒ” LŨNG ĐOẠN GIÁ
Từ cuối năm 2016 đến nay, khi gỗ cao su bắt đầu tăng giá và khan hiếm đã hình thành thêm nghề mới là thợ cưa thu gom cây nhỏ lẻ tập kết bán lại. Theo đó, cây cao su thực sinh mọc rải rác ở ven suối bán giá 300-500 ngàn đồng cây. Thợ vừa đi cưa thuê vừa lùng sục mua cây lấy lời.
Khi thị trường gỗ cao su thanh lý “sôi sục” thì các “cò” đất trước đây đã nhanh chóng chuyển qua nghề cò vườn cao su thanh lý. Lực lượng “cò” này có mặt khắp nơi khiến xưởng cưa, doanh nghiệp khó tiếp cận được người bán, đặc biệt là các vườn nhỏ lẻ vài sào, vài héc ta. Đội ngũ “cò” đã làm lũng đoạn thị trường và đẩy giá gỗ cao su thanh lý có khi lên gấp 2 lần. Anh Nguyễn Văn An ở ấp 6, xã Thành Tâm cho biết, khoảng 3 tháng trước vì muốn tái canh 1 ha cao su dòng RRIV 4, cây nhỏ, gỗ xốp, có ngày anh nhận được cả trăm cuộc gọi rảo giá, đều là của “cò”. Chốt giá cuối anh An bán được 220 triệu đồng. Hiện vườn cao su của anh An đã đội giá lên gấp 2 lần nhưng chưa được cưa vì người mua trực tiếp là xưởng cưa ở thị trấn Chơn Thành đang dành qua tết thanh lý để có việc làm cho công nhân.

Trên chuyến xe đò Lộc Ninh – Đồng Xoài, chúng tôi gặp thợ cưa Đỗ Văn Hoàng từ Bình Định vào đầu quân cho 1 doanh nghiệp. Anh Hoàng cho biết đa phần ông chủ không mua được vườn cây trực tiếp mà phải mua lại của “cò” với giá cao hơn so với thực tế có khi 1,5-2 lần.
Ông Nguyễn Văn Dụ, Giám đốc Công ty TNHH MTV – TM Ngọc Ánh, ấp 2, xã Minh Thành, trung tuần tháng 10 đã phải bán gấp 2 lô đất ở với giá 1,8 tỷ đồng để có tiền đặt cọc mua vườn cao su thanh lý sẽ cưa trong mùa khô đến. Ông Dụ cho biết: “2 năm trước, khi “ngấp nghé” vào nghề tôi mở xưởng cưa. Thời điểm này, chỉ những doanh nghiệp lớn mới cần công nhân cưa và tài xế chở cây. Riêng các xưởng nhỏ như tôi thì chỉ ngồi nhà gọi điện thoại là có hàng để làm. Thời buổi cạnh tranh, khan hiếm gỗ cao su tôi phải tuyển công nhân cưa cây và tài xế chở gỗ, chỉ chờ có vườn thanh lý là xuất quân”.
ĐẤT, VƯỜN CAO SU “ĂN” THEO TĂNG GIÁ
Năm 2008, bà Nguyễn Thị Nụ (50 tuổi) ở tỉnh Cà Mau cùng 3 người anh em lên xã Lộc Thiện (Lộc Ninh) mua đất trồng 21 ha cao su. Năm 2014, cao su đủ tuổi mở miệng cạo nhưng giá mủ giảm, vườn quá xa, kiếm công cạo khó mà quản lý càng khó hơn nên họ quyết định bán vườn. Cuối năm 2016, bà Nụ vẫn chưa bán được vườn vì không ai hỏi mua mặc dù giá chỉ từ 300-350 triệu đồng/ha. Thế nhưng, từ tháng 7-2017, bà Nụ liên tiếp nhận các cuộc điện thoại hỏi mua vườn. Giá lúc này đã lên đến 500 triệu đồng/ha nhưng vì thấy “sốt” nên bà Nụ chần chừ và hy vọng sẽ còn cao hơn.
Thời “hoàng kim” của giá mủ cao su, nhiều đại gia ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, trong đó nhiều người chưa bao giờ biết làm nông, quản lý nông nghiệp cũng bỏ tiền tỷ lên vùng biên giới để trồng cao su. Cao su đến kỳ khai thác cũng là lúc giá mủ “rơi” tự do nên nhiều chủ trang trại đã treo bảng bán vườn. 3 năm rớt giá, khắp nẻo đường ở thủ phủ cao su Bình Phước treo “dày” quảng cáo bán vườn gấp. Khu vực biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp trong năm 2015-2016 đã có hàng ngàn héc ta cao su đến tuổi khai thác nhưng không ai muốn mở miệng cạo vì sản lượng thấp, giá gần như chạm đáy không đủ trả tiền công nhân.
Từ tháng 7-2017 đến nay, đi đâu cũng nghe xôn xao có nhiều “đại gia” ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh lên Bình Phước lùng sục mua vườn cao su. Cao su lớn, nhỏ khu vực Lộc Ninh, Bù Đốp đều bán được với giá tăng bình quân gấp 1,5 lần. Riêng ở Đồng Phú, Chơn Thành, Phú Riềng giá vườn cao su đã đạt đỉnh điểm, ngang thời hoàng kim giá mủ 2010-2014 có nơi là 1 tỷ đồng/ha. Khi giá rớt thì thị trường đất, vườn cây cao su ế ẩm nhưng khi giá tăng thì nông dân lại ùn ùn đi mua đất, vườn. Nhưng người mua để làm vườn, kinh doanh trang trại bao giờ cũng ít hơn người mua đi – bán lại để kiếm lời.
Nguồn Báo Bình Phước