Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước là “nôi” đào tạo các thế hệ giáo viên mầm non, tiểu học và THCS của tỉnh hơn 20 năm qua, nhưng đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ” do khó tuyển sinh đầu vào. Năm học 2017-2018, trường tuyển sinh đợt 1 chỉ được 102 sinh viên/460 chỉ tiêu, đạt 22%. Cả nước hiện chỉ còn 33 trường cao đẳng sư phạm, số còn lại đã chuyển sang đào tạo đa ngành. Vậy, thời gian tới, Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước có còn tồn tại hay không?

NHIỀU CÁN BỘ, GIÁO VIÊN TRÌNH ĐỘ CAO CHUYỂN CÔNG TÁC

Trường trung học Sư phạm Bình Phước thành lập ngày 1-1-1997, tách ra từ Trường cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Đến năm 2003, khi cơ sở vật chất của trường được đầu tư đầy đủ, khang trang thì nâng cấp lên thành Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước. Cô Nguyễn Bích Liên, Hiệu phó cho biết: Khi được nâng cấp lên cao đẳng, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường rất đông, có năm trên 3.000 hồ sơ. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 300-500 sinh viên/khóa nên điểm thi đầu vào rất cao, có năm tới 19,5 điểm. Nguyên nhân do ở thời điểm đó sư phạm là ngành “hot” và tỉnh Bình Phước mới tái lập nên giáo viên thiếu trầm trọng. Nhưng 5-7 năm sau, số lượng giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và THCS dần bão hòa, sinh viên ra trường khó xin được việc làm, vì thế số thí sinh đăng ký thi vào trường ngày càng ít.

Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước ở vị trí đẹp, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, có thể nâng cấp thành trường đại học đa ngành hoặc cơ sở II, vệ tinh cho các trường đại học lớn

Theo quy định, Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước được tuyển sinh, đào tạo 22 mã ngành, trong đó 3 mã ngành ngoài sư phạm là Tin học ứng dụng, tiếng Anh, Thư viện thông tin; số còn lại là các mã ngành sư phạm, như: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Giáo dục thể chất, Tin học, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học… Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều ngành không có chỉ tiêu tuyển sinh hoặc năm có năm không. Đặc biệt những năm gần đây, Sở GD-ĐT chỉ duyệt chỉ tiêu 3 ngành học chính là sư phạm tiếng Anh (dạy học sinh tiểu học), Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non do thiếu biên chế. Trường hiện có 102 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 76 giáo viên đứng lớp. Trình độ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao và đồng đều ở các môn học, với 43 thạc sĩ (trong đó có 3 thạc sĩ đang làm luận án tiến sĩ), 1 tiến sĩ.

Do những năm gần đây, nhiều ngành học không tuyển sinh như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Địa, Sử nên gây khó khăn cho việc sắp xếp giảng viên đứng lớp, bố trí công việc đủ tiết dạy theo quy định. Có giáo viên làm không hết việc nhưng cũng có nhiều trường hợp dạy rất ít tiết hoặc không có lớp dạy nên phải làm công việc khác không theo ý muốn như: tổ chức – hành chính, coi thi, chấm thi, nghiên cứu khoa học… Điều này một mặt không phát huy được năng lực, sở trường, mặt khác không nâng cao thu nhập nên nhiều giáo viên đã xin nghỉ việc chuyển đi nơi khác, nhất là giáo viên có trình độ cao. Thầy Trần Hán Biên là tiến sĩ Sử học đầu tiên của trường, nhưng hơn 10 năm nay trường không có chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử nên phải làm công tác nghiên cứu khoa học. Không phát huy được năng lực, sở trường, thu nhập thấp nên đầu năm 2017 thầy đã chuyển đi nơi khác. Tương tự, tiến sĩ Toán học Phan Văn Lý, giáo viên có nhiều tâm huyết với nghề nhưng vì không có lớp dạy nên đã chuyển đi nơi khác từ đầu năm 2016. Thạc sĩ Lê Đình Huấn làm Trưởng phòng Tổ chức trường nhiều năm nhưng vừa qua cũng xin chuyển đi nơi khác.

VÌ SAO KHÓ TUYỂN SINH?

Theo thống kê, số lượng tuyển sinh của Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước những năm gần đây ngày càng giảm, không đủ chỉ tiêu giao. Năm học 2014-2015, trường chỉ tuyển được 718/780 chỉ tiêu, năm học 2015-2016 là 416/660 chỉ tiêu, 2016-2017 là 322/540 chỉ tiêu. 2017-2018 là năm trường tuyển sinh thấp nhất từ trước đến nay với 163/460, đạt 35,4% chỉ tiêu. Trong đó, đậu nguyện vọng 1 là 180 em nhưng chỉ đăng ký nhập học 102 em và xét đợt 2 được thêm 61 sinh viên. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phú, Hiệu phó trường cho biết, nguyên nhân do cung vượt cầu nên xảy ra tình trạng nhiều trường lấy điểm chuẩn thấp. Hiện nay, ngoài việc có quá nhiều trường sư phạm thì nhiều trường không chuyên về sư phạm cũng mở ngành sư phạm. Đây chính là lý do khiến ngành không tuyển được người thực sự giỏi mà đa số chỉ tuyển được người cần học sư phạm vì được miễn học phí.

K19 tiếng Anh chỉ có 13 sinh viên nhưng vẫn phải mở lớp học để giải quyết việc làm cho giáo viên

Những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào của trường không có nhiều lựa chọn như trước. Hơn nữa, các ngành có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển sinh được như tiếng Anh (ngoài sư phạm), Sư phạm mỹ thuật, Sư phạm Nhạc. Các ngành được Sở GD-ĐT duyệt chỉ tiêu do thiếu biên chế như tiếng Anh, Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, do trước đó có một số giáo viên các bộ môn trái ngành như Âm nhạc, Thể dục, Ngữ Văn đã được các trường bố trí giảng dạy tiểu học và mầm non.

CẦN “CUỘC ĐẠI PHẪU” CHO NGÀNH SƯ PHẠM

Thầy Nguyễn Thanh Phú cho rằng, để “cứu” ngành sư phạm, Sở GD-ĐT cần thực hiện cuộc tổng điều tra, khảo sát chính xác đội ngũ giáo viên các cấp, kể cả số sinh viên sư phạm ra trường chưa có và có việc làm theo đào tạo và dự báo nhu cầu đến năm 2020- 2025, sau đó cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp “cung – cầu”. Đồng thời, giao nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn và bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp hằng năm cho trường. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là cơ hội tạo thuận lợi cho nhà trường trong bối cảnh hiện nay. Tỉnh Bình Phước có chủ trương và đang xây dựng đề án sáp nhập 3 trường, gồm: Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng y tế và Cao đẳng nghề thành một trường cao đẳng đa ngành, như vậy sẽ có nhiều vướng mắc trong quản lý. Vì Trường cao đẳng Sư phạm được điều chỉnh theo Luật Giáo dục, còn Trường cao đẳng nghề và Cao đẳng y tế được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trong cả nước hiện nay quá nhiều trường đại học có ngành sư phạm, vì thế Bộ GD-ĐT cần một cuộc “đại phẫu”. Trước hết là quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo sư phạm, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giáo viên. Tất cả các trường sư phạm phải quy về một mối, không để tình trạng nhiều cơ sở đào tạo sư phạm nằm ngoài tầm quản lý của Bộ GD-ĐT như hiện nay. Việc quy hoạch lại các trường đào tạo sư phạm là thời cơ lớn cho các trường này cải tổ, thay đổi chương trình đào tạo và đề xuất liên thông trong toàn hệ thống. Có như vậy, ngành giáo dục mới có được những cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Quan trọng hơn là đi đôi với việc “tái cấu trúc” hệ thống đào tạo sư phạm, các trường sư phạm cần chuyển hướng đào tạo từ mô hình số lượng sang chất lượng; tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm, chất lượng cao. Trong đó, việc quy hoạch mạng lưới các ngành sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu, trường là vệ tinh. Trước hiện tượng “khủng hoảng thừa” giáo viên, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo các trường sư phạm giảm chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, thậm chí dừng tuyển sinh một vài năm. Và cần thiết, phải giảm bớt một số trường đại học, cao đẳng sư phạm chất lượng thấp và cắt hẳn các ngành sư phạm trong các trường đại học không chuyên về sư phạm.

“Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước có địa hình, địa thế đẹp, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Hơn nữa, trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên đang “sung sức”, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề. Vì vậy, trường cần nâng cấp lên đại học hoặc trở thành cơ sở II, vệ tinh cho các trường đại học lớn, hay sáp nhập các trường cao đẳng để mở thêm các mã ngành đào tạo mới, san sẻ công việc cho nhau. Có như thế mới ổn định tư tưởng, yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường” – cô Nguyễn Bích Liên, Hiệu phó trường đề nghị.

Từ khóa : cao đẳng sư phạm bình phướctái cơ cấu

Các tin liên quan đến bài viết