Một năm sau ngày mất của cựu thủ tướng Abe Shinzo, cảnh sát Nhật Bản mới chuẩn bị thử nghiệm camera AI để bảo vệ các nhân vật trọng yếu của đất nước.
Nghi phạm ném bom khói vào Thủ tướng Kishida Fumio hồi tháng 4-2023 bị an ninh Nhật Bản khống chế
Theo báo Nikkei Asia ngày 7-7, Cảnh sát quốc gia Nhật Bản sẽ bắt đầu thử nghiệm camera trí tuệ nhân tạo (AI) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024.
Camera AI có thể có các chức năng như “phát hiện hành vi”, phân tích chuyển động của một người và “nhận dạng khuôn mặt”. Cảnh sát Nhật Bản sẽ chỉ dừng lại ở mức phát hiện hành vi bất thường.
Theo đó, hệ thống sẽ học cách phát hiện các chuyển động bất thường, chẳng hạn như một người liên tục nhìn xung quanh.
Việc phát hiện hành vi đáng ngờ trong đám đông có thể khó thực hiện bằng mắt người. Do đó, camera AI được kỳ vọng sẽ giúp lực lượng an ninh có thể loại bỏ rủi ro an ninh tốt hơn.
Ngoài ra, các chức năng khác như phát hiện súng và các vật phẩm đáng ngờ khác, phát hiện kẻ xâm nhập cũng sẽ được thử nghiệm dịp này.
Cảnh sát quốc gia Nhật Bản sẽ kiểm tra tính chính xác của camera AI trong quá trình thử nghiệm trước khi chính thức sử dụng.
Theo Nikkei Asia, tin cảnh sát thử cách mới để bảo vệ yếu nhân xuất hiện trong bối cảnh tròn một năm ngày mất của cựu thủ tướng Abe Shinzo.
Ông Abe bị ám sát và qua đời ngày 8-7-2022 khi đang vận động sự ủng hộ cho một ứng viên nghị sĩ cùng đảng.
Cũng theo báo này, một trong những lý do thử nghiệm camera AI là vì sự gia tăng các cuộc tấn công đơn lẻ nhằm vào yếu nhân ngày càng khó phát hiện.
Ngoài vụ ám sát ông Abe, còn có vụ tấn công Thủ tướng Kishida Fumio vào tháng 4 năm nay. Rất may, thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản không hề hấn gì sau vụ việc.
Tuy nhiên, trong sự cố này, cảnh sát Nhật Bản đã không phát hiện được các dấu hiệu đáng ngờ của nghi phạm từ trước.
Cảnh sát Nhật Bản vẫn thận trọng với camera AI
Việc sử dụng AI trong lực lượng cảnh sát ngày càng phổ biến. Theo một cuộc khảo sát được công bố bởi Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế năm 2019, camera AI đã được sử dụng ở 52 trong số 176 quốc gia tiến hành khảo sát.
Tuy nhiên tại Nhật Bản, nơi đặt vấn đề quyền riêng tư của người dân lên hàng đầu, đây là vấn đề nhạy cảm. Cảnh sát quốc gia Nhật Bản đã quyết định không thử nghiệm tính năng nhận diện khuôn mặt của camera AI vì lý do này.
Mặc dù vậy, khu vực tư nhân đã đi tiên phong. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5-2023, Công ty đường sắt Tây Nhật Bản (JR West) đã áp dụng một hệ thống thông báo cho các nhân viên bảo vệ khi phát hiện hoạt động đáng ngờ.
Nguồn: tuoitre.vn