Công an TP Vinh, Nghệ An cho hay việc cảnh sát giao thông mặc thường phục để phát hiện lỗi vi phạm, còn việc xử phạt thuộc lực lượng công khai.

 Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Vinh, Nghệ An đã lập các tổ công tác mặc thường phục tuần tra, kết hợp lực lượng công khai để xử lý người không đội mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Theo đó, khi phát hiện người vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ xuất trình thẻ ngành, chỉ ra lỗi vi phạm, yêu cầu kiểm tra hành chính theo quy định pháp luật. Sau đó, người vi phạm sẽ được đưa đến tổ xử lý vi phạm công khai để xử lý.

Nhiều ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc cảnh sát giao thông mặc thường phục để xử lý vi phạm có nên hay không thì nhiều người dân đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

 Ông Hoàng Văn Khánh, 52 tuổi, ngụ phường Lê Mao, TP Vinh, cho hay ông đồng tình với việc này vì thường ngày ông thấy có một số thanh thiếu niên không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên đường.

Khi gặp tổ công tác mặc sắc phục tuần tra, kiểm soát thì thường bỏ chạy với tốc độ cao. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân họ mà còn làm người khác lo sợ bị “vạ lây”.

“Cảnh sát giao thông mặc thường phục thì người vi phạm không biết được để trốn tránh. Tôi cho rằng đây là cách làm hiệu quả”, ông Khánh nói.

Cảnh sát giao thông cải trang bắt người vi phạm, nên không? - Ảnh 2.

Cảnh sát giao thông TP Vinh, Nghệ An mặc thường phục, xuất trình thẻ ngành kiểm tra vi phạm người không đội mũ bảo hiểm

Anh Nguyễn Viết Tiến, 25 tuổi, ngụ phường Hưng Bình, TP Vinh lại lo lắng: “Nếu có ai đó mặc thường phục chặn xe lại đòi kiểm tra thì làm sao chúng tôi phân biệt được họ là cảnh sát giao thông mà dừng? Hơn nữa, nếu lực lượng này không mang quân phục, đeo bảng tên thì chúng tôi khó giám sát được họ thực thi có đúng chức năng, nhiệm vụ của mình”.

Thực hiện theo thông tư của Bộ Công an

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 30-10, thượng tá Hoàng Duy Hà – phó trưởng Công an TP Vinh – cho hay việc lập các tổ tuần tra hóa trang, mặc thường phục làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông được thực hiện theo thông tư 01 của Bộ Công an và kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An.

Ông Hà viện dẫn theo quy định tại điều 9, thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an cho phép cảnh sát giao thông được phép hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông.

“Lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang khi bắt người vi phạm thì đưa thẻ ra giới thiệu là lực lượng Công an TP Vinh, sau đó gọi lực lượng tuần tra công khai đến lập biên bản xử lý hoặc đưa đến trụ sở gần nhất”, ông Hà nói.

Trả lời câu hỏi làm sao để người dân phân biệt được đó là lực lượng của ngành hay là người giả danh hoặc cách gì để hạn chế tiêu cực nếu có, ông Hà cho hay khi kiểm tra, bắt buộc chiến sĩ cảnh sát giao thông phải xuất trình thẻ ngành, chỉ ra lỗi vi phạm.

Sau đó, đưa người vi phạm đến lực lượng công khai để xử lý chứ tổ công tác mặc thường phục không xử lý vi phạm tại chỗ.

Đại úy Lê Đăng Khoa – đội phó đội cảnh sát giao thông Công an TP Vinh – cho biết việc lập các tổ tuần tra kiểm soát cảnh sát giao thông hóa trang kết hợp với công khai theo kế hoạch là do nhiều thanh niên trên địa bàn không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy lạng lách gây mất an toàn giao thông. Họ thường bỏ chạy nếu phát hiện người mặc sắc phục.

“Sau khi được lãnh đạo công an tỉnh cho phép, chúng tôi đã lập các tổ công tác với 15 cán bộ chiến sĩ nhằm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông. Mỗi tổ đều có một đồng chí chỉ huy đội phụ trách. Các tổ này hoạt động thường xuyên, kể cả những ngày cuối tuần để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên”, đại úy Khoa nói.

Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA

1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : "hóa trang"cảnh sát giao thôngcông ancông khaihành viNghệ Anngười dântp vinh

Các tin liên quan đến bài viết