Có thể nhận định, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, có cả một dàn lãnh đạo cũ, mới của hai nhiệm kỳ tại một tỉnh bị thi hành kỷ luật như trường hợp Khánh Hòa. Điều đó cho thấy việc chống tham nhũng đã quyết liệt đến mức nào.

Cảnh báo 'sát sạt' cho những cán bộ 'nhúng chàm'

ảnh minh họa

Rất đáng chú ý và rất đáng là bài học cảnh báo là vì sao cán bộ lãnh đạo tỉnh này bị kỷ luật như vậy? Tiến trình dẫn đến sự kỷ luật này thực hiện hết sức bài bản và minh bạch. Từ năm 2010 đến nay, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đều có đến 2 đợt làm việc tại địa phương này.

Đầu tiên, UBKTTƯ công bố kết luận và nguyên Chủ tịch tỉnh chỉ bị yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Sai phạm lớn nhất, có tính chất hệ thống của lãnh đạo tỉnh này là việc thẩm định giá đất không đúng, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, gây bức xúc dư luận và tác nhân trực tiếp làm giảm sút uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Một vài con số nói lên sự vi phạm này: Phê duyệt 47 dự án vượt thẩm quyền, ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm. Hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát do các vi phạm này.

Đó là chưa kể đến các dự án được phê duyệt vi phạm nghiêm trọng các quy định xây dựng gây nên sự đe dọa hiện hữu đến tính mạng nhân dân. Đáng chú ý hơn, UBKTTƯ đã chỉ ra trong một số văn bản mà tỉnh này ban hành có nội dung “cố ý vi phạm”. Như vậy, có thể hiểu mục đích, động cơ của sự vi phạm này.

Với việc kỷ luật về mặt Đảng đối với cán bộ lãnh đạo Khánh Hòa đủ thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng đến nhường nào. Cá nhân Bí thư Tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm này nhưng do đang bệnh trọng nên trung ương tạm dừng hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân ông này. Chắc chắn, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thì mức độ xử lý kỷ luật hành chính sẽ tương ứng và không loại trừ việc truy tố trước pháp luật các sai phạm của dàn lãnh đạo trải qua 2 nhiệm kỳ này.

Việc cách hết chức vụ trong Đảng đối với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khánh Hòa là tiền đề để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật và tất yếu, khó tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Tương tự, việc kỷ luật trong Đảng đối với 2 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình và Hà Giang (trong đó một ông nhận hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ khỏi Đảng) cũng như các hình thức kỷ luật đối với một số sỹ quan quân đội, quan chức ngành xăng dầu là sự mở đầu cho những diễn biến pháp lý tiếp theo. Một bài học nhãn tiền, rất sâu sắc và sự cảnh báo sát sạt cho những ai trót hoặc chuẩn bị “nhúng chàm” sẽ phải trả giá.

Theo Báo pháp luật

Từ khóa : cán bộkhai trừ đảnglãnh đạoThanh tra Chính phủThi Hành Kỷ LuậtỦy ban Kiểm tra Trung ương

Các tin liên quan đến bài viết