Hiện nay, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin đơn vị lữ hành bán dịch vụ đưa người dân đang bị mắc kẹt tại TP Hồ Chí Minh về hồi hương ở các tỉnh phía Bắc.

Giá cho một chuyến bay hồi hương đưa người từ miền Nam về Hà Nội là 23,5 triệu đồng (cho người lớn) và 18,5 triệu đồng (cho trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi). Giá dịch vụ bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly 14 ngày, dịch vụ vận chuyển… Khách đăng ký cần chuyển khoản đặt cọc trước 5 triệu đồng.

Khi được thắc mắc Hà Nội đang giãn cách xã hội, làm sao để bay về, đơn vị lữ hành này lý giải đang liên hệ xin Bộ Giao thông vận tải cấp phép cho các chuyến bay hồi hương, giống như các chuyến bay đưa người từ Hàn Quốc, Nhật Bản về trước đây. Đây sẽ là 3 chuyến bay dịch vụ của hãng VietJet và Bamboo Airways.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, cả hai hãng hàng không trên hiện đều không có lịch bay như lời quảng cáo. Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định không có những chuyến bay trên, người dân nên cẩn trọng với những thông tin không có căn cứ trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo, mất tiền oan.

Cảnh báo lừa đảo chuyến bay hồi hương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Rủi ro hiện hữu, vẫn cháy hàng nhờ lãi suất cao

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh thị trường này bộc lộ nhiều rủi ro.

Chỉ tính riêng tháng 8 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Lãi suất cao gấp nhiều lần gửi ngân hàng, chủ yếu trong khoảng 10 – 11%, cá biệt có doanh nghiệp huy động với lãi suất lên đến hơn 13%.

Việc các doanh nghiệp bất động sản vẫn rầm rộ huy động lượng vốn lớn, trong khi các dự án, việc bán hàng… diễn ra rất chậm, khiến nhiều người lo ngại về khả năng thanh toán khi trái phiếu đến ngày đáo hạn.

Trao đổi với tờ Đầu tư, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tại thời điểm khó khăn hiện nay, nhà đầu tư không nên đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu, cần xem xét cẩn thận về doanh nghiệp, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành.

Doanh nghiệp chế biến gỗ “gãy mộng”

Trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới” đang là mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này, trong đó có ngành gỗ. Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ tăng trưởng hơn 50% so với năm 2020.

Hầu hết các nhà máy đã sớm kín đơn hàng cho năm nay và cả năm sau. Thế nhưng doanh nghiệp lại lo nhiều hơn vui, vì hiện nay, nhiều đơn vị không đáp ứng được yêu cầu sản xuất 3 tại chỗ, dẫn đến đóng cửa, hơn 70% số công nhân phải nghỉ việc.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, để một nhà sản xuất Việt Nam tìm kiếm một nhà mua hàng thường mất từ 6 tháng đến 1 năm, nên nếu sản xuất gián đoạn trong 1,2 tháng thì không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên nếu kéo dài từ 3 – 6 tháng thì các bạn hàng nước ngoài sẽ đi tìm đối tác khác.

Tờ Đầu tư chứng khoán cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang kỳ vọng sau quý 3 sẽ phục hồi được 80 – 90% công suất. Trờ về trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc để sớm đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : hàng khônglừa đảové máy bay

Các tin liên quan đến bài viết