Trong khi dịch bệnh bùng phát đợt mới mạnh mẽ ở các nước láng giềng với Việt Nam, nhiều nơi trong nước vẫn xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là. Nguy cơ dịch rình rập, nhiều nơi phải đẩy mạnh phòng dịch.

Cảnh báo chủ quan, lơ là trước dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Hình ảnh bi thương: khói bốc lên từ một lò hỏa táng cùng những giàn thiêu thi thể bệnh nhân COVID-19 tại điểm hỏa táng ở Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ hôm 23-4 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 25-4 tại một số trung tâm thương mại, công viên, nhà sách… ở TP.HCM, lượng người qua lại rất đông nhưng ý thức chống dịch một số nơi đã bị lơ là.

Bắt đầu tâm lý chủ quan, lơ là

Tại một trung tâm thương mại Thủ Đức vào buổi trưa nắng nóng, rất đông người nhưng theo quan sát của chúng tôi, chỉ tầm 20 phút có đến hàng chục người không đeo khẩu trang, chỉ khi được bảo vệ nhắc nhở những người này mới lấy khẩu trang ra đeo.

Nhiều người không đeo nhưng nhiều thời điểm cũng không bị nhắc. Một nhân viên bảo vệ ở đây cho biết do tình hình dịch COVID-19 đã ổn định nên việc đo thân nhiệt không còn thực hiện.

Tương tự tại một nhà sách ở đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), chúng tôi thắc mắc về việc phòng dịch, một nhân viên nam cho biết có thể đi vào thẳng, không cần sát khuẩn, thậm chí nhân viên này cũng không đeo khẩu trang.

Đeo khẩu trang hở mũi

Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày cuối tuần vừa qua tại sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách đi lại đông, nhiều hành khách đeo khẩu trang cho có, chỉ che miệng, còn mũi… vô tư. Thậm chí, có người mở cả khẩu trang đi lại như chốn không người.

Một nhân viên phục vụ mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất cho biết việc nhắc hành khách yêu cầu 5K trong phòng chống dịch gồm: đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và khai báo y tế là quá khó khăn hiện nay.

Có lý do hạ tầng nhưng đôi lúc vắng, rất nhiều khách cũng không còn ý thức giữ khoảng cách. Trong khi đó, nhiều hành khách cũng bày tỏ sự lo lắng trước sự vô ý thức của một số hành khách.

Chị Thùy Dương (quận Phú Nhuận) cho biết mấy tháng gần đây khi ra sân bay, chị gặp khách đeo khẩu trang hở mũi, đứng sát nhau tán chuyện huyên thuyên, gây ồn ào cả một hàng ghế nhưng nhân viên sân bay không tới nhắc nhở.

Một số hành khách thì lo ngại khi vào cửa an ninh, họ được yêu cầu tháo khẩu trang để so chứng minh nhân dân, người nọ liên tục tiếp bước người kia, nếu có người mang bệnh, nguy cơ lây là không nhỏ.

TP.HCM siết nguyên tắc “sống còn” 5K

Cảnh báo chủ quan, lơ là trước dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Máy đo thân nhiệt tự động được đặt ngay cổng ra vào tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM 

Tại TP.HCM đã có 72 ngày (kể từ 10-2) không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên thực tế, trong một thời gian ngắn có 108 người nhập cảnh trái phép vào TP.HCM.

Nhận diện được mối nguy này, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 23-4, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP – đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh biên giới tăng cường chốt kiểm soát và cần có chế tài mạnh mẽ đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Cần thiết phải truy tố người nhập cảnh trái phép để có tác dụng răn đe và xử lý những trường hợp không tuân thủ nguyên tắc 5K, trong đó có đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định ngành y tế vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí nâng cấp độ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh xâm nhập như khai báo y tế; giám sát, tầm soát lây nhiễm đối với nhóm người nguy cơ cao hoặc người sau khi hoàn thành cách ly, sau khi xuất viện; xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên…

Sẽ đảm bảo tránh lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung và sẵn sàng các phương án xử lý khẩn cấp các tình huống dịch bệnh nảy sinh trong cộng đồng.

Song song đó, đơn vị y tế sẽ đẩy nhanh triển khai chiến dịch tiêm chủng đợt 2 cho nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại khu vực tiếp xúc với các chuyến bay quốc tế.

Đến nay đã có 7.253 nhân viên y tế của 45 cơ sở y tế được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Ông Bỉnh cũng cho rằng nguyên tắc “sống còn”, góp phần quan trọng trong việc duy trì thành quả phòng chống dịch của TP.HCM là nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K.

UBND TP hiện vẫn yêu cầu phải tiếp tục tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế: bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc…

Huế: đề phòng dịch quay lại dịp lễ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-4, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, công nhận hiện nay một số cá nhân, ngành chức năng đang có biểu hiện chủ quan trong phòng dịch trở lại.

Ông Thọ cho hay Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh đã yêu cầu các ngành phải thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng dịch; vừa đảm bảo các chương trình lễ hội vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa đảm bảo các giải pháp y tế, đặt sức khỏe của người dân, du khách lên hàng đầu.

Việc tăng cường giám sát khai báo y tế tại sân bay, bến cảng cũng sẽ được triển khai chặt chẽ trở lại…

Đà Nẵng: tăng cường phòng dịch khi đón du khách

Theo ghi nhận tại Đà Nẵng vẫn còn tình trạng người dân không mang khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng. Thậm chí, bên ngoài sân bay, nhiều quán xá và khu vực ven biển nơi tập trung khá đông du khách, khi không có người nhắc nhở thì đa số người dân không mang khẩu trang.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dự kiến dịp lễ này thành phố đón 130.000 lượt khách tập trung cao điểm trong một tuần từ ngày 28-4. Do vậy song song với quá trình chuẩn bị đón khách, sở này cũng đã nhắc nhở các cơ sở thực hiện các quy định phòng dịch.

Quảng Ninh: đánh dấu giữ khoảng cách bằng vật liệu phản quang

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu trước ngày 30-4, tại các nơi công cộng, nơi tập trung đông người, cơ sở lưu trú, quán ăn, trung tâm thương mại, chợ, bến xe… phải đánh dấu bằng vật liệu phản quang hoặc những màu sắc dễ nhận biết (ngay cả khi trời tối) để nhân dân, du khách biết thực hiện giữ khoảng cách.

Tỉnh này tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn.

Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ được yêu cầu phải đề nghị du khách khai báo y tế đầy đủ trước khi sử dụng dịch vụ…

Cục Hàng không ra công điện khẩn chấn chỉnh

Cục Hàng không Việt Nam vừa có công điện khẩn, cho biết công tác chống dịch qua đường hàng không đang có biểu hiện lơ là, thiếu cảnh giác.

Nhiều hành khách sau khi làm thủ tục check-in và vào khu vực hạn chế của nhà ga đã không đeo khẩu trang. Người thân, nhân viên taxi, xe hợp đồng, đưa đón khách… không đeo khẩu trang ở quanh khu vực nhà ga.

Hàng không sắp bước vào cao điểm lễ, cao điểm hè, cơ quan này yêu cầu các đơn vị hàng không trong ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại lực lượng, phương án kiểm soát dịch bệnh; thông báo định kỳ, thường xuyên để thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi vào nhà ga…

Tăng quân kiểm soát, dừng bắn pháo hoa

Cảnh báo chủ quan, lơ là trước dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Lực lượng biên phòng tỉnh Long An tăng cường thêm công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chống dịch COVID-19 đối với người dân khu vực biên giới 

Tình hình dịch COVID-19 ở Campuchia, Thái Lan đang tiếp tục ghi nhận thêm nhiều diễn biến xấu, nhiều địa phương phía Nam tăng rà soát, tung thêm giải pháp mạnh.

Sau khi nhận được công điện của Thủ tướng về việc tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Long An tiếp tục kiểm tra, rà soát lại công tác phòng chống dịch của tất cả các cơ sở y tế, trường học, du lịch, sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe… Đồng thời huy động các lực lượng cùng tăng cường cho công tác kiểm tra, quản lý biên giới.

Đồng loạt tăng quân

Hiện nay ngoài lực lượng biên phòng, các lực lượng quân đội từ sĩ quan chuyên nghiệp đến dân quân tự vệ và công an đã được huy động hỗ trợ đến khu vực biên giới để đảm bảo rào chắn được 133km đường biên giới Long An giáp Campuchia.

Việc phối hợp xử lý giữa các cơ quan tố tụng đối với các trường hợp tổ chức xuất nhập cảnh trái phép cũng được đẩy mạnh.

Theo Bộ đội biên phòng Long An, ngoài việc tổ chức canh gác, tuần tra đường biên, các đồn biên phòng cũng thường xuyên đến tận nhà người dân gửi các tờ apphich, giúp lực lượng biên phòng phát hiện người lạ mặt tới lui vùng biên giới.

Tại An Giang, địa phương có gần 100km đường biên giới giáp với 2 tỉnh Tà Keo và Kan Dal của Campuchia, lực lượng biên phòng và quân sự tỉnh đã phối hợp với 5 huyện, thị xã biên giới thành lập 200 tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19, tăng 13 tổ, chốt so với trước đó. Hàng hóa ở các cửa khẩu cũng không thông quan sau 18h hằng ngày.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố “tuyến sau” bổ sung thêm 40 công an, 60 dân quân cho các tổ, chốt phòng chống dịch của các đồn biên phòng.

Dừng bắn pháo hoa

Ngoài việc bổ sung các phương án chống dịch nơi tuyến đầu biên giới, các địa phương cũng thực hiện nhiều cách để tiếp tục củng cố phòng dịch sâu rộng trong cộng đồng. Ông Huỳnh Minh Phúc – giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An – cho biết các khu cách ly được tỉnh này kiểm tra thường xuyên.

Trước đây UBND tỉnh Long An đã có văn bản xin Thủ tướng về việc bắn pháo hoa dịp lễ 30-4 để tận dụng được số pháo hoa mua trước đó vào dịp Tết Tân Sửu, tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, việc bắn pháo hoa sẽ dừng. Số pháo hoa đã mua từ nguồn vốn xã hội hóa sẽ được thu hồi sau khi hết hạn vào tháng 6 tới theo quy định.

Còn ông Lê Văn Phước – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết các huyện thị biên giới tỉnh này đã và đang chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly. “Sức chứa số người cách ly của tỉnh An Giang khoảng 4.000 người.

Nếu các tỉnh biên giới giáp Campuchia không thể chứa hết số người từ Campuchia về thì chúng tôi sẽ đề nghị Quân khu 9 có phương án chi viện cho các tỉnh phía trong. Tức là đưa số người này về cách ly các tỉnh trong nội địa”, ông Phước nói.

Ông Phước cho biết thêm UBND tỉnh An Giang vẫn yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người. Sẽ tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Kiên Giang sẵn sàng bệnh viện dã chiến

Ngày 25-4, bác sĩ Cao Thành Nam – giám đốc CDC Kiên Giang – cho biết tỉnh đã yêu cầu cảng biển, hàng không, bến xe trên toàn địa bàn siết chặt quy định theo thông điệp 5K.

“Bệnh viện dã chiến quy mô khoảng 500 giường đã được chuẩn bị dựng ngay sát cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, chỉ còn chờ Thủ tướng Chính phủ duyệt là dựng lên ngay” – ông Nam nói.

Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho hay địa phương này đang chuẩn bị cho công tác bầu cử, và song song trong công tác kiểm tra bầu cử, các lãnh đạo huyện sẽ kiểm tra luôn công tác chống dịch ở các xã đảo.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ấn ĐộBùng dịch covid-19 ở Ấn ĐộcampuchiaCOVID-19phòng chống dịchphòng dịch

Các tin liên quan đến bài viết