Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.
Trường Tiểu học Vĩnh Trường, phường Vĩnh Trường nơi có nhiều em học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng 5-4. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN
Tình trạng mất an toàn thực phẩm trước các cổng trường học dù được cơ quan chức năng chấn chỉnh nhưng vẫn diễn ra, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, học sinh và trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm của những người bán hàng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ khi đến trường.
Nhiều vụ mất an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến học sinh
Năm 2022, một sự việc chấn động dư luận xảy ra tại một trường học ở địa bàn thành phố Nha Trang – việc mất an toàn thực phẩm trong trường học khiến hàng trăm học sinh nhập viện, trong đó, có một học sinh tử vong. Sau sự việc đau lòng đó, cùng với chính quyền địa phương, ngành Giáo dục Khánh Hòa quyết liệt triển khai nhiều biện pháp đảm bảo bếp ăn bán trú an toàn cho học sinh. Công tác bếp ăn bán trú được các trường học triển khai từ đó đến nay đạt hiệu quả, chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm liên quan ở trong trường học.
Tuy vậy, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường học thời gian gần đây ở các địa phương Ninh Hòa, Khánh Sơn và thành phố Nha Trang liên tục xảy ra. Đa số học sinh bị các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện. Đây không đơn giản là các sự việc mang tính chất nhỏ lẻ mà là hồi chuông lớn, cảnh báo tình trạng mất an toàn thực phẩm trước cổng trường học.
Cụ thể, vào cuối tháng 1-2024, tại một trường học ở thị xã Ninh Hòa, có 23 học sinh nhập viện sau khi ăn kẹo lạ do một bạn trong lớp mang đến ăn. Dù các em đã được xuất viện, sức khỏe ổn định nhưng đây chính là bài học đắt giá trong quản lý an toàn thực phẩm ở trường học.
Ông Châu Đình Hùng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đạo tạo thị xã Ninh Hòa nhìn nhận, đây là lần đầu tiên trên địa bàn thị xã xảy ra trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Những năm học qua, các trường học trên địa bàn thị xã thường xuyên phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề ngộ độc thực phẩm ở tiết chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Sau sự việc trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã tăng cường tuyên truyền và chờ kết quả của cơ quan chuyên môn để tiếp tục đưa ra văn bản, thông báo đến các trường học nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở trường học.
Cuối tháng 3 vừa qua, khi dư luận còn xôn xao vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải các món ăn của quán cơm gà trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang khiến hơn 360 người phải nhập viện, ở một Trường Trung học phổ thông (địa chỉ phường Xương Huân, thành phố Nha Trang) cũng có hàng chục học sinh nhập viện sau khi ăn các món ăn từ gánh hàng rong trước cổng trường. Các em được theo dõi ở các bệnh viện trong vài ngày và đã xuất viện vào đầu tháng 4. Sự việc trên chưa dứt, ngay đầu tháng 4 này, liên tiếp 2 vụ hàng loạt học sinh nhập viện do ăn phải thức ăn ở đường phố. Một vụ là học sinh ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang hôm 5-4 và một vụ ở thị trấn Tô Hạp, huyện miền núi Khánh Sơn ngày 9-4.
Ông Nguyễn Hữu Thơ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn cho biết, 29 học sinh nhập viện điều trị do nghi ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe và xuất viện. Nguyên nhân các em ăn cơm nắm, cơm cuộn do người dân địa phương bán di động ở trước cổng trường học. Qua sự việc trên, cùng với chính quyền, các trường học trên địa bàn huyện phối hợp, thực hiện nghiêm yêu cầu về an toàn thực phẩm trước và trong trường học, tránh trường hợp tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận.
Trước làn sóng dư luận về mất an toàn thực phẩm ở trước cổng trường học, đặc biệt các sự việc liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, chị Kim Anh, phụ huynh học sinh lớp 1/3, Trường Tiểu học Lộc Thọ, thành phố Nha Trang cho hay, chị rất chú trọng đến bữa ăn của con ở trường. Do đó, chị cùng nhiều phụ huynh khác thường xuyên kiểm tra đột xuất bếp ăn ở trường. Qua kiểm tra, chị đánh giá, thực phẩm đảm bảo, sạch sẽ, ngon miệng và đủ chất dinh dưỡng. Do đó, việc cho cháu ăn ở ngoài cổng trường đối với chị và nhiều phụ huynh khác là không thể xảy ra. Tất cả nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các con.
Những em từng nhập viện vì ăn phải món ăn kém chất lượng, mất an toàn ở trước cổng trường học thời gian qua đã biết lo lắng, đề phòng hơn. Em Minh Huy, học sinh lớp 9/3, Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang – nạn nhân trong vụ rối loạn tiêu hóa ngày 5-4 khẳng định, em sẽ không ăn các quán ăn không sạch sẽ hay thức ăn nhanh ở trước cổng trường, thay vào đó ăn tại nhà món ăn được chuẩn bị, đun sôi, nấu kỹ.
Quyết tâm đảm bảo an toàn thực phẩm trước và sau cổng trường
Khảo sát nhanh tại một số cổng trường học trên địa bàn xa trung tâm thành phố Nha Trang sáng 11-4, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận vẫn còn tình trạng học sinh hết giờ học mua đồ ăn vặt tại một số hàng quán đối diện cổng trường ở đường Lý Quốc Sư, đường 2/4. Các quán ăn này là hộ gia đình kinh doanh từ lâu đời, chuyên bán mặt hàng tạp hóa, đồ ăn nhanh. Theo nhiều học sinh, các em chọn mua đồ ăn vặt vì hết giờ học đói bụng, ăn tạm thức ăn (bánh mì, bánh tráng, kem…) để lót bụng trước khi ăn cơm trưa hoặc cơm chiều.
Tuy nhiên, tại một số cổng trường ngay trung tâm thành phố, không thấy quán hàng rong, xe bán hàng di động. Có được điều này là sự phối hợp, trách nhiệm không chỉ của nhà trường mà còn cả hệ thống chính quyền địa phương.
Cô Trương Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Thọ, thành phố Nha Trang khẳng định, không phải có dư luận nhà trường mới thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong và ngoài nhà trường mà là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên của nhà trường. Đối với bếp ăn bán trú, nhà trường tuân thủ nghiêm 10 nguyên tắc, 5 chìa khóa vàng từ khâu tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, nấu đến lúc phân chia cho học sinh ăn. Nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo bán trú gồm nhiều thành phần trong nhà trường và phụ huynh thường xuyên giám sát bếp ăn. Từ trước đến nay, chưa có cháu nào bị ngộ độc thực phẩm tại trường.
Các đơn vị ngành Y tế điều tra nguyên nhân hàng loạt học sinh nhập viện sau khi ăn sáng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa sáng 5-4. Ảnh: TTXVN phát
Nhìn nhận về nhu cầu ăn uống của trẻ sau giờ học, cô Trương Thị Tâm cho rằng, thức ăn đường phố vốn là nét văn hóa Việt Nam nên việc tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh hiểu và sử dụng thực phẩm này một cách an toàn là nhiệm vụ quan trọng.
Cô Võ Thị Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến, thành phố Nha Trang cũng nhìn nhận thực tế, việc mất an toàn vệ sinh trước cổng trường học là xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bố mẹ bận công việc, học sinh tự mua thức ăn hoặc hàng quán được bán ngay trước cổng trường với món hàng hấp dẫn, rất thuận tiện để các em tiếp cận.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngoài trường học, ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Phước Tiến xây dựng mô hình đội bảo vệ tự quản an ninh trường học, điều tiết giao thông trước cổng trường và đảm bảo không có các hàng quán di động trước cổng trường. Trong các cuộc họp đầu năm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp ngoài thông tin nội dung học tập của trẻ sẽ nhắc nhở phụ huynh không cho con ăn ở hàng quán, đảm bảo an toàn thực phẩm ăn sạch, uống sạch.
Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Khánh Hòa có 529 trường học các cấp với trên 290.000 học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa triển khai nhiều công văn, kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Tuy nhiên, các vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp cho học sinh gần đây phần lớn là ở ngoài nhà trường.
Theo ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, việc mất an toàn thực phẩm ngoài trường học, trách nhiệm của các bên liên quan đều có. Do đó, ngành tiếp tục yêu cầu các đơn vị, trường học đảm bảo an toàn bếp ăn bán trú; kiểm soát chặt chẽ hàng quán trước cổng trường. Quan trọng nhất là thực hiện tuyên truyền giữa gia đình, phụ huynh, học sinh để làm sao đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho các cháu đến trường học.
Tỉnh Khánh Hòa tổ chức tháng cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm với các đoàn công tác của tỉnh kiểm tra ở tất cả đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó, có trường học. Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, đoàn kiểm tra của tỉnh cùng các địa phương kết hợp kiểm tra về an toàn thực phẩm với kiểm tra trật tự đô thị các hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm và công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Báo Bình Phước