Vụ máy bay không người lái (drone) MQ-9 Reaper của Mỹ rơi gần Crimea đặt ra cảnh báo về tình huống Nga và Mỹ có thể đụng độ trực tiếp vì những tính toán sai lầm.

Dữ liệu: Nhật Đăng, Nguồn: Washington Post/Không quân Mỹ - Số liệu tính tới tháng 3-2021- Đồ họa: TUẤN ANH

Dữ liệu: Nhật Đăng, Nguồn: Washington Post/Không quân Mỹ – Số liệu tính tới tháng 3-2021

Hôm 15-3, Mỹ tố cáo một chiếc tiêm kích Su-27 của Nga đã tấn công máy bay không người lái MQ-9 của họ, tuy nhiên Matxcơva đã phản bác cáo buộc này.

Mỹ chưa công bố bằng chứng

Theo thông tin do Bộ tư lệnh châu Âu của Mỹ đưa ra, hai chiếc Su-27 đã chặn chiếc MQ-9 khi nó đang “hoạt động trong không phận quốc tế”. Một trong hai máy bay của Nga đã va chạm với động cơ cánh quạt của MQ-9, khiến Mỹ phải cho chiếc MQ-9 rơi xuống biển.

Phía Mỹ thừa nhận chuyện phía Nga chặn máy bay của họ không hiếm. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby cho biết thậm chí đã có vài trường hợp như vậy chỉ trong vài tuần gần đây. Thông báo của Bộ tư lệnh châu Âu cho rằng vụ việc lần này phản ánh cách phi công Nga hành động nguy hiểm khi gặp máy bay của Mỹ và đồng minh trong không phận quốc tế, bao gồm trên biển Đen.

Mỹ cũng cáo buộc Nga hành xử không chuyên nghiệp. Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, tướng James Hecker, khẳng định trước thời điểm vụ việc xảy ra, MQ-9 đang “tiến hành các hoạt động thông thường trong không phận quốc tế”, nhưng “hành động thiếu an toàn và chuyên nghiệp của phía Nga đã suýt khiến cả hai chiếc máy bay rơi”.

Trong khi đó, phía Nga đưa ra phiên bản khác về câu chuyện này. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định MQ-9 đã bay gần biên giới Nga và xâm nhập khu vực Matxcơva tuyên bố cấm. Nga thừa nhận đã điều máy bay chặn chiếc MQ-9 trên, nhưng nhấn mạnh không tác động gì và cũng không sử dụng vũ khí trong trường hợp này. Thay vào đó, Matxcơva cho rằng chiếc máy bay Mỹ đã “mất kiểm soát” và rơi xuống biển.

Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cáo buộc vụ MQ-9 là hành động “khiêu khích” của Mỹ. Ông khẳng định “chúng tôi không muốn có bất cứ sự đối đầu nào giữa Mỹ và Nga”.

Hiện chưa có thông tin chính xác về vị trí xảy ra tình huống đụng độ giữa máy bay Nga và Mỹ nêu trên. Theo AP, quan chức quân đội Mỹ chưa nói rõ hành động “nguy hiểm” của phi công Nga là gì. Báo giới Mỹ cũng chưa có thông tin gì về việc khi nào và liệu phía Mỹ có công bố video bằng chứng của vụ việc hay không.

Một chiếc drone MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ trong kho chứatại căn cứ không quân Amari ở Estonia - Ảnh: Reuters

Một chiếc drone MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ trong kho chứatại căn cứ không quân Amari ở Estonia 

Họ làm gì ở nơi cách nước Mỹ hàng ngàn dặm vậy? Câu trả lời quá rõ ràng, họ thu thập thông tin tình báo để sau đó chính quyền Kiev dùng vào việc tấn công lực lượng và lãnh thổ của chúng tôi.
Hãng tin TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói về hoạt động của drone MQ-9.

Nguy cơ leo thang căng thẳng

Ông Philip Breedlove, một tướng không quân Mỹ về hưu và là cựu chỉ huy Bộ tư lệnh tối cao quân đồng minh NATO, cho rằng trong khi hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy vụ va chạm là cố ý, sự cố MQ-9 có khả năng gây hậu quả đáng lo ngại.

Đây là lần đầu tiên có chuyện Nga “hạ một máy bay Mỹ” kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Đây cũng là lần đầu máy bay Nga và Mỹ đụng độ trực tiếp từ khi Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24-2-2022.

Việc MQ-9 rơi gần Crimea là đặc biệt nhạy cảm. Trong thời gian qua, Ukraine nhiều lần khẳng định “trong năm nay” sẽ giành lại Crimea – bán đảo đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014 và có vai trò chiến lược cho cục diện xung đột đang diễn ra. Nói cách khác, vụ MQ-9 có thể bị xem là biểu hiện cho việc Mỹ tăng cường tham gia trực tiếp vào xung đột Nga – Ukraine.

Hôm 15-3, Đại sứ Antonov khẳng định máy bay không người lái của Mỹ – drone muốn do thám dữ liệu nhằm hỗ trợ Ukraine tấn công binh lính và lãnh thổ Nga trong tương lai. Nhà ngoại giao Nga còn hỏi cạnh khóe rằng liệu Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu một máy bay Nga tiến gần New York hay San Francisco của Mỹ.

Thực tế, nguy cơ cố tình xung đột giữa Nga và Mỹ không hẳn quá cao. Theo ông Bryan Clark, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ), chiếc MQ-9 từng hai lần bị bắn hạ ở Syria. “Thông lệ của Mỹ là không trả đũa các vụ tấn công nhằm vào máy bay không người lái”, ông nói.

Tuy nhiên, theo tướng về hưu Breedlove, vụ việc làm dấy lên lo ngại về tính toán sai lầm giữa hai bên. Ông cho rằng những sự cố xảy ra vào rạng sáng (giờ Mỹ) như vậy gây khó khăn cho khả năng giải quyết của hai nước, nhất là khi kênh liên lạc giữa hai bên không tốt.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : droneMỹNga

Các tin liên quan đến bài viết