Trên con tàu Yên Viên – Hạ Long, phong viên không khỏi ái ngại khi số hành khách quá ít ỏi. 16

Nhiều bà con đi chợ buôn bán nhỏ ưa thích đi tàu Yên Viên – Hạ Long – Ảnh: Thanh Thúy

Lỗ khoảng 20 tỷ đồng/năm vì chạy tàu an sinh, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội quyết định tạm dừng chạy tàu trong khi chờ cơ chế bù lỗ của Nhà nước. Điều này phải đợi đến khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực, mới biết có khả thi hay không.

Lỗ 20 tỷ đồng, doanh nghiệp chịu

Lắc lư trên con tàu Yên Viên – Hạ Long từ tờ mờ sáng, PV Báo Giao thông không khỏi ái ngại khi số hành khách trên tàu không quá số ngón tay trên một bàn tay. Từ toa này sang toa kia trống huơ trống hoác. Chỉ đến ga Bắc Giang, Kép, Lan Mẫu, tàu mới tăng thêm vài hành khách và hàng hóa.

Một nhân viên trên tàu chia sẻ, gọi là hàng nhưng thực ra chỉ tính cước hành lý vì tàu này chủ yếu phục vụ bà con đi chợ, cung cấp rau cỏ, thực phẩm cho các địa phương tỉnh Quảng Ninh. “Bà con đi chợ, mình thu được tiền vé hành khách, cước hành lý nhưng không đáng là bao, chỉ khoảng 5 triệu đồng/vòng quay (1 chuyến đi và 1 chuyến về – PV). Giờ chỉ chạy một chuyến tàu thứ sáu thay vì chạy hàng ngày như trước. Bà con mong muốn chạy lại như trước. Họ thích đi tàu hơn dù tính cả vé người và hành lý có khi còn đắt hơn đi ô tô”, nhân viên này nói.

Trên thế giới, đã có một số nước như Nhật và Nga… cố gắng duy trì hoạt động của cả đoàn tàu chỉ để phục một người duy nhất vì mục đích nhân đạo. Tại Nhật, chính quyền địa phương khu vực Hokkaido đã duy trì chuyến tàu đi qua Kami-Shirataki để đưa đón một nữ sinh cấp ba tới trường bất chấp nhu cầu sử dụng tàu giảm mạnh từ nhiều năm trước. Cứ như vậy, tàu dừng tại mỗi trạm 1 lần/ ngày để đưa cô bé đi từ trường về nhà cho đến khi nữ sinh tốt nghiệp vào năm 2016. Lúc này tàu mới dừng hoạt động.

Một ví dụ khác là tại Nga, một chuyến tàu từ Murmansk – Saint Petersburg đã được mở lại để giúp một hành khách duy nhất là cô bé Karina Kozlova đến trường. Điểm dừng tại vùng Poyakonda nơi cô bé có thể bắt tàu tới trường đã bị dừng vì nhu cầu thấp nhưng vì sự nỗ lực của bé gái, người đứng đầu bộ phận giáo dục ở Poyakonda đã đề nghị công ty đường sắt khôi phục điểm dừng ở Poyakonda giúp Karina có thể tiếp tục đến lớp đúng giờ.

Vân Trang

Trao đổi với Báo Giao thông về lý do giảm tần suất chạy tàu, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thẳng thắn: “Lỗ quá, chúng tôi không thể chạy được. Đã nhiều lần chúng tôi muốn dừng những mác tàu an sinh này nhưng người dân và cả chính quyền địa phương lại có ý kiến. Nhưng giờ là doanh nghiệp cổ phần rồi, không thể cứ chịu lỗ mãi”.

Bà Hà cho biết thêm, nếu tính chung các mác tàu, kể cả tàu khách liên vận quốc tế mà công ty phải “gánh” để duy trì tuyến, năm 2017 bị lỗ 22,8 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng tàu ĐĐ5/6 Hà Nội – Đồng Đăng thu được 2,6 tỷ đồng thì chi phí phải trả cho Tổng công ty Đường sắt VN (thuê điều hành GTVT, thuê sức kéo…) gần 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, trả Nhà nước 8% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và các khoản chi phí khác của công ty như trả lương, khấu hao toa xe, quản lý, khiến riêng mác tàu này đã lỗ hơn 7 tỷ đồng. Tương tự, tàu khách QT3/4 Long Biên – Quán Triều, sau vắng khách quá chuyển thành tàu hỗn hợp khách – hàng 1901/1902 vẫn lỗ 4,9 tỷ đồng; Tàu Yên Viên – Hạ Long 51501/51502 lỗ hơn 7,4 tỷ đồng.

Bà Hà phân tích, như tàu 1901/1902 bình quân mỗi chuyến chỉ khoảng 70 hành khách với doanh thu bao gồm cả hàng hóa chỉ 5,2 triệu đồng. Mỗi đoàn tàu có 5-6 nhân viên phục vụ, chi phí bình quân hơn 12 triệu đồng. Như vậy, cứ một chuyến tàu xuất phát là lỗ hơn 6 triệu đồng nhưng vẫn phải chạy để duy trì tuyến.

“Chúng tôi đã tính toán để giảm chi phí tối đa, có đoàn tàu chỉ có 2-3 toa xe nhưng cũng chỉ 20-30 hành khách. Chạy 1 đoàn tàu vẫn phải đầu máy kéo, máy phát điện, nhân viên phục vụ trên tàu, nhân viên bán vé. Chưa kể các chi phí khác như khấu hao, bảo trì, chỉnh bị toa xe, nhiên liệu”, bà Hà nói và cho biết, doanh nghiệp quyết định tạm dừng chạy tàu ĐĐ5/6 và tàu 1901/1902 từ tháng 2/2018; Tàu hỗn hợp 51501/51502 đang chạy hàng ngày thì chỉ chạy vào thứ sáu hàng tuần. Như vậy, hiện trên tuyến Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Đồng Đăng không có tàu khách phục vụ người dân đi lại trên tuyến.

Cơ chế hỗ trợ chưa rõ ràng

Trước quyết định trên của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tổng công ty vẫn muốn tổ chức chạy những mác tàu này để duy trì tuyến, tránh lãng phí hạ tầng đường, ga, tránh mất mát vật tư, thiết bị đường sắt. Đồng thời, phục vụ người dân ở những vùng giao thông đường bộ không thuận tiện, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng núi, nhiều nơi chỉ đi được bằng tàu vào mùa mưa bão, lụt lội. Tuy nhiên, tổng công ty không thể bù lỗ cho doanh nghiệp được mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các cấp có thẩm quyền, đã thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn nhưng không được. Vì thế, tổng công ty chỉ có thể giảm tối đa tiền thuê điều hành chạy tàu cho doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nói và cho biết, phần chi phí điều hành này chính là nguồn thu để chi cho quản lý từ công ty mẹ, Trung tâm Điều hành GTVT đường sắt, các chi nhánh khai thác ga… và quan trọng nhất là lương cho CBCNV ở khối này. Nếu giảm cho doanh nghiệp vận tải, về bản chất là lấy tiền của người này cho người khác. Vì thế, tổng công ty phải cân nhắc, tính toán kĩ và chỉ giảm, hỗ trợ được phần nào cho doanh nghiệp đối với một số mác tàu.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, tại Luật Đường sắt 2017 và Nghị định số 65/2018 ngày 12/5/2018 của Chính phủ đã quy định chi tiết về việc Nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp khi chạy tàu dân sinh. Trước đây, Luật Đường sắt 2005 đã quy định về nhiệm vụ chạy tàu an sinh xã hội nhưng không quy định cụ thể được hỗ trợ giá. Hiện, Nghị định 65 quy định rõ các trình tự, thủ tục, trách nhiệm của từng chủ thể.

Theo ông Hiền, việc chạy tàu an sinh phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. Địa phương phải có ý kiến vì đây là tàu phục vụ người dân địa phương. Trên cơ sở đó và kế hoạch chạy tàu của doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ thẩm định, xác định mác tàu nào là tàu an sinh. Nghị định 65 cũng quy định, Bộ GTVT hướng dẫn chi tiết quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ vận tải an sinh xã hội. “Bộ GTVT và Cục Đường sắt VN sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa, hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của Bộ, của Cục. Cần phải làm thực tế đã, vướng cái gì, ở đâu thì tháo gỡ, xử lý”, ông Hiền khẳng định. Là doanh nghiệp trực tiếp tổ chức chạy tàu, bà Hà vui mừng trước quy định này, nhưng vẫn không khỏi băn khoăn: “Để doanh nghiệp dễ thực hiện và thực hiện đúng mục đích chạy tàu an sinh, phải có tiêu chí rõ ràng ngay từ đầu để họ xây dựng kế hoạch tổ chức chạy tàu. Thế nào là tàu an sinh, thế nào là chi phí hợp lý”.

Bà Hà cho biết, khi công ty có văn bản đề nghị Nhà nước hỗ trợ chạy tàu an sinh, đã có ý kiến cho rằng, chỉ tuyến nào không có ô tô khách phục vụ người dân đi lại, mới được chạy tàu an sinh. Nếu vậy hiện nay ô tô khách đã “phủ sóng” khắp nơi, có điều là đường ô tô xa hay gần với bà con thôi.

“Phải có cơ chế rõ ràng doanh nghiệp mới dễ thực hiện, như giao nhiệm vụ ngay từ đầu: Tuyến này doanh nghiệp này chạy mấy tàu, doanh nghiệp kia chạy mấy tàu. Đồng thời, có hỗ trợ kết nối phương tiện để tạo thuận lợi cho hành khách”, bà Hà nêu ý kiến.

Theo Báo Giao thông

Từ khóa : bù lỗdoanh nghiệpđường sắthành kháchLuật đường sắttàu an sinhtàu hỏa

Các tin liên quan đến bài viết