Khi nghe tin thuốc kháng virus COVID-19 Molnupiravir do Việt Nam sản xuất được bán ra thị trường, ai ai cũng mừng. Vui chưa được bao lâu đã đâm lo!

Cẩn trọng khi tự mua thuốc kháng virus - Ảnh 1.

Tôi cũng vui khi thấy các cô gái xinh đẹp đạp xe dọc đường phố nhằm quảng cáo cho một hệ thống nhà thuốc tây đang bán thuốc kháng virus COVID-19. Và tôi bắt đầu lo khi nhiều người tự đi mua thuốc.

Anh bạn bác sĩ của tôi kể chuyện bệnh nhân tự xét nghiệm, thấy 2 vạch thì nằng nặc yêu cầu bác sĩ “cho cái toa” để mua thuốc kháng virus.

Giống như bất kỳ loại thuốc nào, thuốc kháng virus COVID-19 cũng có tác dụng phụ. Chính vì vậy, trước chỉ định biện pháp điều trị thì bác sĩ xem xét triệu chứng, nếu cần phải làm xét nghiệm PCR trước khi quyết định cho toa hay không.

Có những trường hợp không nên uống thuốc kháng virus như bệnh nhân sức khỏe yếu, có bệnh nền. Có những trường hợp không cần thiết uống, nhất là đã tiêm đủ liều (kể cả liều tăng cường) và không có triệu chứng.

Bác sĩ giải thích cặn kẽ vậy rồi vẫn không khỏi lo lắng trước thực tế: không có toa, nhiều người vẫn tìm cách mua cho bằng được thuốc để uống với bất cứ giá nào!

Và có bệnh nhân hốt hoảng gọi cho bác sĩ khi có các dấu hiệu khác thường sau khi tự mua thuốc kháng virus để uống.

Một F0 bạn tôi (35 tuổi) vừa một phen hoảng hồn khi phải đi chữa bệnh thận sau khi tự uống thuốc kháng virus tự mua ở nhà thuốc. Nhà có 4 F0, 3 người có bệnh nền không dùng thuốc kháng, anh khỏe nhất lại thành “bệnh” nhất sau khi tự ý uống thuốc.

Mấy hôm nay, xung quanh mọi người lại nhiệt tình dặn nhau nhà có F0 đến nhà thuốc x, y… mua thuốc.

Có người đôn đáo chạy khắp nơi, mua được 5 ngày thuốc mang về đã thấy hết bệnh. Thuốc mua rồi uống hay không uống cũng thành chuyện để tranh cãi. Và nhiều người chọn cách uống cho hết, cho dứt bệnh (?!) dù thực trạng mình đã khỏe.

F0 tăng nhanh nhưng nhiều người chọn cách “tự điều trị”, không khai báo y tế xã phường. Nhiều người phật ý, trách móc khi khai báo rồi vẫn không thấy cán bộ y tế chỉ phát cho mấy viên thuốc hạ sốt, kết bạn Zalo với y bác sĩ và không thăm hỏi gì thêm!

Thực tế, có những F0 chưa cần uống viên thuốc nào (dù là giảm đau hạ sốt) cũng đã tự lướt qua bệnh, hết triệu chứng sau vài ngày tăng cường uống nước cam, chanh.

Số điện thoại của y bác sĩ phụ trách sẽ hết sức cần thiết khi trong nhà có em nhỏ, người già, người bệnh nền dương tính với COVID-19 hoặc khi có triệu chứng tăng nặng cần hỗ trợ.

Nếu như trong mấy tháng giãn cách việc này rất được lưu tâm thì nay ít người lưu tâm đến số máy y bác sĩ địa bàn mình nhưng rất dễ nghe theo lời khuyên rồi tự đi mua thuốc điều trị và bất chấp mọi khuyến cáo về tác dụng phụ của loại thuốc này. Tự mua, tự uống thuốc đôi khi tự rước mối nguy cho sức khỏe.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Trường đại học Y dược TP.HCM):

Uống thuốc kháng virus phải có đơn bác sĩ

Thuốc kháng virus Molnupiravir là loại thuốc rất đặc biệt. Người bệnh uống thuốc này phải có đơn của bác sĩ. Nếu uống tùy tiện có thể gặp những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí gây nguy hiểm sức khỏe về sau.

Điều kiện các nhà thuốc để bán thuốc này cho bệnh nhân F0 gồm: có đơn chỉ định của bác sĩ hoặc có chứng nhận điều trị tại nhà hoặc có đoạn video ghi lại quá trình lấy mẫu và cho kết quả dương tính. Trong đó, quan trọng nhất là phải có đơn thuốc của bác sĩ.

Về việc chẩn đoán và điều trị COVID-19, phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Người bệnh không có triệu chứng thì không cần uống thuốc.

Với người bệnh từ 18 tuổi trở lên, mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển mới được dùng thuốc.

Cụ thể, người bệnh có các triệu chứng: SpO2 lớn hơn 96%, nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút. Người có SpO2 94 – 96%, nhịp thở 20 – 25 lần/phút, tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50% hoặc người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền được coi như mức độ trung bình.

Về thời điểm dùng thuốc, người bệnh dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Khuyến cáo thuốc không sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi…

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có chỉ định của bác sĩ, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên.

Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc thì cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường; chỉ dùng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19Thuốc Kháng VirusThuốc kháng virus COVID-19 Molnupiravirthuốc Molnupiravir

Các tin liên quan đến bài viết