Doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn chứng khoán có mảng kinh doanh độc lạ bán vàng mã vừa báo lãi trong quý vừa qua và chia cổ tức khủng năm 2022.
Theo Báo cáo tài chính quý III niên độ 2022-2023 (từ 1/4-30/6) của CTCP Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái (CAP), doanh thu thuần đạt khoảng 545 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ khu vực nội địa đạt 172,7 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 373,5 tỷ đồng.
Tinh bột sắn, giấy vàng mã và giấy đế là những ngành chủ lực đóng góp chủ yếu vào cơ cấu doanh thu của CAP. Cụ thể, doanh thu từ giấy vàng mã đạt 53 tỷ đồng. Mảng kinh doanh vàng mã không chiếm chủ đạo trong cơ cấu kinh doanh, nhưng đóng góp vẫn rất lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp này có khoản thu từ tinh bột sắn, chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 295 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Sản xuất giấy đế đạt 24 tỷ đồng.
Kết thúc quý, lợi nhuận sau thuế ở mức 104 tỷ đồng. Biên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là 19,1%.
CTCP Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái được thành lập năm 1972. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là chế biến, sản xuất giấy, vàng mã và tinh bột sắn. Vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, công ty thông qua mục tiêu doanh thu đạt 580 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 70 tỷ đồng.
Mới đây, doanh nghiệp sản xuất vàng mã hiếm hoi trên sàn này chốt ngày trả cổ tức tổng tỷ lệ 70%. Trong năm tài chính 2020-2021, Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái trả cổ tức cổ đông với tỷ lệ 100%, gồm 50% bằng cổ phiếu và 50% bằng tiền mặt.
Chốt phiên 15/8, cổ phiếu CAP ở mức 70.500 đồng/cp.
Vàng mã mang về một khoản lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* VSC: CTCP Container Việt Nam thông báo ngày 22/8 đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2022. Công ty dự kiến phát hành hơn 12,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
* FPT: CTCP FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2023. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 7 tháng đầu năm đạt lần lượt 28.429 tỷ đồng và 5.069 tỷ đồng, tương ứng tăng 22,4% và 19,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ ghi nhận 3.496 tỷ đồng, tăng 20,3%.
* VHC: CTCP Vĩnh Hoàn cập nhật kết quả kinh doanh, tổng doanh thu tháng 7 ghi nhận 865 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước song tăng nhẹ trên 2% so với tháng trước.
* DPM: Ngày 23/8, Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2022. Tỷ lệ chi trả là 30%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu nhận về 3.000 đồng/cp.
Thông tin giao dịch
* VID: Ông Bùi Quang Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông đăng ký mua 300.000 cổ phiếu từ ngày 21/8-18/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* VMS: CTCP Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật Hàng hải, cổ đông của CTCP Phát triển Hàng hải (VMS) đã mua vào hơn 451.000 cổ phiếu VMS trong ngày 10/8.
* VFS: Ông Trần Anh Thắng, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Nhất Việt đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu từ ngày 16/8-21/8, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* VTC: Ông Lê Xuân Tiến, Chủ tịch HĐQT CTCP Viễn thông VTC đăng ký bán 500.000 cổ phiếu từ ngày 17/8 – 15/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* MSB: Ông Phạm Lê Việt Anh, con bà Lê Thị Liên, Thành viên HĐQT Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 18/8- 15/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
VN-Index
Chốt phiên 15/8, VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,23%), xuống 1.234,05 điểm. HNX-Index tăng 1,01 điểm (+0,40%), lên 251,45 điểm. UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 93,49 điểm.
Theo Chứng khoán Vietcombank, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục xu hướng tích lũy trong vùng 1.220-1.240 điểm. Diễn biến hiện tại chưa phải là tín hiệu nguy hiểm. Trong kịch bản tích cực, chỉ số vẫn có thể hướng lên các mốc cao hơn sau khi hoàn thành quá trình tích lũy tạo nền giá mới.
Nhà đầu tư cần chủ động cân đối lại danh mục để vừa quản trị rủi ro, đồng thời, cũng vừa đón đầu xu hướng của dòng tiền. Nên hạn chế mua đuổi khi cổ phiếu tăng nóng. Thay vào đó, nên lựa chọn tích lũy cổ phiếu ở những nhịp điều chỉnh giảm sau các phiên tăng mạnh của cổ phiếu.
Mặt khác, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc cơ cấu một phần danh mục sang các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, thuộc những nhóm ngành như tài chính-ngân hàng và bất động sản cho chiến lược lướt sóng ngắn hạn.
Nguồn: vietnamnet