Cắn móng tay là thói quen khó bỏ xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Chính người trong cuộc cũng thừa biết cắn móng tay là một thói quen xấu, nhưng tại sao họ không “cai nghiện” được?

Cắn móng tay - thói quen nhỏ, tác hại lớn
Trẻ em cắn móng tay, một thói quen không tốt 

Q.H. – học sinh lớp 12 – cho biết dù em bị mẹ la mắng rất nhiều nhưng từ nhỏ đến giờ vẫn cứ lén cắn móng tay. “Em cắn trong vô thức mà không biết, nhiều khi biết rằng cắn móng tay là không tốt nhưng khi cắn em không nhớ. Cứ cắn và cắn” – H. chia sẻ. Thùy Linh, sinh viên đại học, nói không biết rõ mình có thói quen cắn móng tay từ khi nào, chỉ biết hiện giờ hay cắn móng tay khi bắt đầu vô phòng thi hoặc lúc đang rảnh. Thùy Linh có biết những tác hại từ việc cắn móng tay, có lần kiểm soát được, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì tiếp tục… cắn.

Căng thẳng, lo âu không được giải tỏa

Theo BS Lê Minh Công – Bệnh viện Tâm thần trung ương II, cắn móng tay là một hành vi xảy ra ở nhiều nhóm người khác nhau, cả trẻ con, người lớn và người già. Để lý giải tại sao nhiều người có thói quen cắn móng tay quả là rất khó vì đó là một vấn đề ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố. Nhưng thông thường những người hay cắn móng tay có những biểu hiện chung như rơi vào tình trạng bất an, lo lắng, căng thẳng, stress kéo dài, thậm chí rối loạn cảm xúc. Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp cho biết những người hay cắn móng tay thường gặp vấn đề nào đó trong cuộc sống mà họ không hoặc chưa thể giải quyết được, những vấn đề này thường liên quan đến các mối quan hệ xung quanh hoặc ngay chính bản thân họ. “Cắn móng tay như một giải pháp để mang lại cảm giác an toàn, giải quyết những bứt rứt trong người, giải tỏa khó khăn về cảm xúc” – BS Minh Công nhận định. Với những người cắn móng tay chỉ để thỏa mãn hay giải tỏa stress, căng thẳng thì cắn móng tay giúp họ được thoải mái tạm thời. Nhưng hành vi đó không làm họ thỏa mãn lâu dài, thậm chí có thể làm gia tăng lo âu. Còn đối với người rối loạn tâm thần ở mức độ nặng thì cắn móng tay như một biểu hiện của hành vi cần phải can thiệp. Ví dụ như trẻ tự kỷ cắn móng tay, thậm chí cắn tay thì đó là một hành vi định hình đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, cần phải thay đổi, giúp trẻ thích nghi tích cực hơn, xóa bỏ hành vi cắn móng tay.

Ẩn chứa nhiều bệnh

BS Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – cho biết móng tay là “nhà ở” của nhiều loại vi khuẩn khác nhau, đặc biệt là giun sán.Khi cắn móng tay, chúng ta vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, dẫn đến nguy cơ nhiễm giun sán và các bệnh nhiễm trùng đường ruột rất cao. Bên cạnh đó, cắn móng tay có thể làm trầy xước da tại đầu móng, bong lớp biểu bì làm chảy máu tay, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng da, gây sưng đỏ, hình thành mủ quanh móng. Theo BS Minh Công, cắn móng tay không phải là phương án giải tỏa lo âu, mà chỉ là cách thức tạm thời. Do đó, cách tốt nhất vẫn là phải giải quyết gốc rễ của tình trạng này. Muốn vậy, cần giải tỏa căng thẳng bằng các phương án khác nhau. Nếu có các lo âu hay rối loạn tâm thần, cần phải điều trị tích cực để giải quyết hành vi này.

Nguy hiểm khi trẻ cắn móng tay

“Đối với những trẻ hay cắn móng tay, hoặc thấy vật dụng nào cũng bỏ vô miệng ngậm thì có khả năng trẻ đó đang thiếu sắt. Ban đầu trẻ cắn móng tay vì thiếu sắt và dần dần hình thành thói quen khó bỏ” – BS Khanh nói. Theo BS Lê Minh Công, trẻ em cắn móng tay có thể do nhiều rối loạn khác nhau như phân ly, rối loạn hành vi chống đối, thích ứng, thậm chí rối loạn phát triển lan tỏa cũng có hành vi cắn móng tay hoặc ngậm ngón tay. Hành vi cắn móng tay cũng có thể có ở nhiều người bệnh tâm thần phân liệt.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cảm giáccảm xúccắn móng taylo âuthói quentrẻ em

Các tin liên quan đến bài viết