Thời gian gần đây tình trạng băng nhóm tội phạm có tổ chức xảy ra ngày càng nhiều và có xu hướng tăng lên. 
Mặc dù các ngành chức năng đã đề ra rất nhiều biện pháp nhằm phòng chống các loại tội phạm có tổ chức nhưng kết quả đạt được rất hạn chế, dẫn đến tình trạng các đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm có tổ chức vẫn tồn tại và lộng hành ở nhiều nơi. Tội phạm có tổ chức là một nhóm người hoặc các cá nhân biệt lập nhưng được tổ chức, tập hợp lại thường xuyên vì mục đích vụ lợi bằng phương pháp phi pháp. Phạm tội có tổ chức là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự, tuy nhiên việc coi đây chỉ là một trong 14 tình tiết tăng nặng để định mức hình phạt là chưa tương xứng. Việc chỉ gói gọn trong tình tiết tăng nặng cũng có nghĩa là coi dấu hiệu có tổ chức chỉ là một dấu hiệu bổ sung (trong mặt khách quan hay chủ quan nào đó) thì chưa đủ. Vì thế cần xem xét vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả việc có mặt trong những tổ chức mà không cần biết tổ chức đó đã thực hiện tội phạm cụ thể nào chưa, khi bản thân sự tồn tại những tổ chức như thế đã mang tính nguy hiểm cao cho xã hội. Có thể nói tội phạm có tổ chức là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự an toàn xã hội. Bởi vì hầu hết các vụ phạm tội có tính chất nguy hiểm cho xã hội đều do tội phạm có tổ chức gây ra. Dư luận và người dân rất bức xúc đối với các tổ chức phạm tội vì việc xóa bỏ nó rất khó khăn, sự hình thành và hoạt động của các tổ chức tội phạm rất tinh vi, phức tạp. Trong khi đó, việc tố giác tội phạm có tổ chức cũng rất khó, người dân không dám đấu tranh, tố giác loại tội phạm này vì sợ trả thù do chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố giác tội phạm. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tội phạm có tổ chức trong pháp luật hình sự. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét theo hướng tăng nặng hình phạt đối với loại tội phạm có tổ chức. Trước mắt, cơ quan chức năng nên đẩy mạnh các biện pháp tổng hợp nhằm loại bỏ các tổ chức tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình trật tự an toàn xã hội như bảo kê, cờ bạc, chứa mại dâm… Vì đây là các loại tội phạm gián tiếp làm lây lan, phát sinh các loại tội phạm khác.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cá nhânnguy hiểmtình tiếttổ chứctội phạmxã hội

Các tin liên quan đến bài viết