Thông tin được đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết tại buổi tọa đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm” do bộ tổ chức tại Quảng Ninh chiều 4-11.
Chủ trì tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn – thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải – cho biết trong những năm qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với mức tăng trưởng bình quân 10 năm khoảng 18%.
Thị trường hàng không Việt Nam cũng được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không.
Thời gian qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng được khoảng 65,8% nhu cầu.
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu vốn đầu tư cảng hàng không giai đoạn 2021 – 2030 theo quy hoạch khoảng 403.106 tỉ đồng, trong đó ACV cân đối được khoảng 265.150 tỉ đồng; Bộ Giao thông vận tải cân đối được 9.841 tỉ đồng nên số vốn cần huy động thêm vào khoảng 128.115 tỉ đồng.
Tư nhân làm sân bay giúp tạo động lực phát triển
Chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm, ông Phạm Ngọc Sáu – giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – cho biết sân bay Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên do đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành.
Việc triển khai thành công dự án không chỉ đánh dấu sự góp mặt hiệu quả của kinh tế tư nhân trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông mà còn tạo động lực để huyện Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung thu hút, huy động nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.
Để minh chứng, ông Sáu cho biết số liệu thống kê ngân sách huyện Vân Đồn năm 2015 thu được 130 tỉ đồng và từ năm 2020, ngân sách địa phương này đã vượt 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Từ năm 2022, Vân Đồn là địa phương thứ 6/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh tự cân đối ngân sách.
Nói về khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội đầu tư sân bay, ông Sáu cho rằng có ba vấn đề chính liên quan quy định pháp luật, công tác vận hành và tính chủ động của nhà đầu tư.
Cụ thể, quy định pháp luật hiện nay chưa thực sự quan tâm, đề cập đến đối tượng tư nhân tham gia hoạt động hàng không nên chưa có những cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa xây dựng cảng hàng không.
Sân bay “tư nhân” cũng không có hệ thống hỗ trợ chung như của ACV nên gặp khó khăn khi có đột biến về sản lượng cũng như bắt buộc phải thuê lực lượng an ninh của bên thứ ba.
Ngoài ra, hiện nay chưa có cơ chế chủ động dẫn tới thực tế một số địa phương chưa có sân bay trong quy hoạch nên dù muốn có sân bay, có nhà đầu tư cam kết tham gia nhưng lại không thực hiện được, trong khi một số địa phương có quy hoạch nhưng lại không có nguồn lực và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia.
Nguồn: tuoitre.vn