Đấu tranh với loại tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cho thấy còn nhiều điều mà điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổi sung 2017 (Bộ luật Hình sự) chưa thể dự liệu hết.
Thực tế xét xử cho thấy vẫn còn nhiều tranh luận về việc xác định tội danh quanh các vụ án “bắt cóc”, bởi không ít trường hợp nhầm lẫn với các tội khác như bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 157), cướp tài sản (điều 168) hoặc cưỡng đoạt tài sản (điều 170).
Bắt cóc hay bắt giữ người trái pháp luật?
Khoảng 9h sáng 13-2-2021 (nhằm mùng 2 Tết), một vụ náo động xóm làng xảy ra ở một ngôi nhà tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Khi đó, Vũ Hồng Phúc (15 tuổi) đến nhà bà ngoại chơi. Ăn uống, đi chơi loanh quanh xong, đến 17h30 Phúc mượn xe SH đi chơi nhưng mẹ không cho. Không cam lòng, Phúc lấy một con dao bầu mang vào phòng bà – nơi hai em gái của Phúc (là T. và H.) đang ngủ – khống chế hai em để buộc mẹ đưa xe.
Mẹ Phúc thấy con còn nhỏ lại uống rượu nên không chịu giao xe. Phúc hung hãn dùng dao bầu xua đuổi những người họ hàng và công an đến để khuyên can, rồi chốt cửa phía trong.
Phúc yêu cầu mẹ trong 30 phút không mang xe lại thì “ba anh em chết chung một mộ”. Mặc cho bao nhiêu người đến khuyên can, mặc cho hai em khóc lóc, Phúc vẫn kiên quyết không thả người.
Đến tối, công an huyện tiếpcận hiện trường, động viên thuyết phục Phúc nhưng bất thành. Lúc 20h30, công an huyện đề nghị mẹ Phúc mang chiếc xe lại. Có xe, Phúc thả em H., còn em T. thì Phúc dùng dao gọt trái cây kề vào cổ, đưa lên xe SH rồi rồ ga bỏ chạy, tay trái vẫn kề dao vào cổ em.
Cứ thế, cuộc rượt đuổi kéo dài qua nhiều huyện, Phúc vượt qua nhiều chốt chặn của công an, đến khi hết xăng phải dừng đổ xăng thì Phúc mới thả em ra rồi lại tiếp tục bỏ chạy.
Đến 0h30 ngày mùng 3 Tết, Phúc mới bị bắt. TAND huyện Thanh Sơn phạt Phúc 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tài sản ở đây là chiếc xe SH được định giá 70 triệu đồng.
Sau bản án, Viện KSND huyện Thanh Sơn đã kháng nghị, đề nghị sửa bản án theo hướng xác định cháu H. là bị hại (H. là đứa em mà Phúc đã thả ra sau khi nhận xe từ mẹ), từ đó áp dụng tình tiết phạm tội “đối với hai người trở lên” đối với bị cáo Phúc.
Cần thêm hướng dẫn
Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm xét xử Phúc về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” thuộc trường hợp “dùng vũ khí, phương tiện nguy hiểm khác”, “đối với người dưới 16 tuổi”, “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng” là có căn cứ đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm xác định trong thời gian nhốt giữ trong phòng, Phúc không gây thương tích gì cho hai em.
Đồng thời, Phúc nhốt hai em ở nhà bà ngoại, chưa di chuyển nạn nhân đi nơi khác. Do vậy, hành vi này chưa phải là bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, mà chỉ là hành vi bắt giữ người trái pháp luật, được quy định tại khoản 1 điều 157 Bộ luật Hình sự.
Tại thời điểm thực hiện hành vi nêu trên, Phúc mới 15 tuổi 2 tháng 14 ngày nên theo quy định thì Phúc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Tòa phân tích sau khi Phúc được giao xe đã thả cháu H. ra, rồi tiếp tục khống chế vừa đưa T. đi để tẩu thoát nhằm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, cần xác định rằng Phúc chỉ thực hiện hành vi bắt cóc đối với cháu T. mà thôi.
Qua vụ việc này, có thể thấy hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất, TAND tỉnh Phú Thọ đã căn cứ vào yếu tố “chưa di chuyển nạn nhân đi nơi khác” để phân biệt hai tội danh “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” và “bắt giữ người trái pháp luật”.
Thứ hai, giữa các cơ quan tố tụng, ở đây là Viện KSND huyện Thanh Sơn và TAND huyện Thanh Sơn, TAND tỉnh Phú Thọ, còn có quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh bắt cóc. Điều này phản ánh đúng thực tế về quy định pháp luật và xét xử hiện nay, khi mà vẫn còn nhận thức chưa thống nhất về định tội đối với loại tội phạm này.
Ngoài ra, một vấn đề còn gây ra nhiều tranh luận trong suốt thời gian qua là tình tiết “chiếm đoạt tài sản” trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hồi tháng 10-2019, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm một vụ án về tội này. Theo nội dung vụ án, do anh T. thiếu nợ 150 triệu đồng không trả nên nhóm bị cáo đã bắt cóc, đánh đập, buộc anh trả số tiền này mới thả ra.
Người nhà của anh T. đã chuyển khoản 15 triệu đồng nhưng sau đó các bị cáo đã ra đầu thú trong khi chưa kịp rút số tiền này. Tòa phúc thẩm áp dụng khoản 1 điều 169 Bộ luật Hình sự với lý do các bị cáo chưa chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng. Do vậy, các bị cáo được tuyên các mức án tương đối nhẹ, cao nhất là 42 tháng tù, nhiều bị cáo còn được hưởng án treo.
Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nhận định mục đích của chuỗi hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T. là nhằm chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng của gia đình anh. Việc các bị cáo chưa rút số tiền người nhà gửi vào tài khoản không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu số tiền 150 triệu đồng.
Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, với tình tiết định khung hình phạt “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 điều 169 Bộ luật Hình sự.
Ngày 18-8 vừa qua, tại phiên họp lấy ý kiến đối với tám dự thảo án lệ, tình huống án lệ, quyết định giám đốc thẩm nói trên là một trong tám dự thảo án lệ được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lựa chọn, thông qua.
Theo nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu, điều 169 Bộ luật Hình sự chưa thể hiện rõ được khái niệm “bắt cóc”. Do vậy, thực tiễn xét xử tồn tại nhiều tranh luận về vấn đề này trong việc xác định tội danh, vẫn còn trường hợp nhầm lẫn với các tội khác như tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 157), tội cướp tài sản (điều 168), tội cưỡng đoạt tài sản (điều 170).
Ngoài các nội dung còn những cách hiểu khác nhau như trên, thực tế cũng đang rất cần hướng dẫn về tình tiết định khung tăng nặng hình phạt “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Bắt cóc đòi nợ chiếm tỉ lệ rất cao
Chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là các vụ đòi nợ.
Ở Khánh Hòa, tháng 5-2020 tòa xử vụ một chủ nợ “bắt cóc” con nợ để đòi tiền. Khi con nợ đang chở con đi học thì chủ nợ cho người đến yêu cầu về nhà mình để giải quyết việc nợ tiền. Về tới nhà mình, chủ nợ giữ người, đánh đập rồi bắt con nợ gọi điện về cho người thân mang tiền đến trả.
Một vụ khác vừa được TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vào tháng 9-2022. Ba con bạc giở trò gian lận, bị những con bạc khác phát hiện và nổi giận lao vào kẹp cổ, hành hung. Cả ba bị đánh đập, lột hết trang sức và tiền bạc mang theo trên người, bị chở về nhà để lấy tiền.
Ở Bình Dương, do bị lừa tiền mua hàng đa cấp (đã đưa 260 triệu đồng nhưng không nhận được hàng), hai người đã thuê “giang hồ” đòi lại bằng được. Những người được thuê đã bắt người, đe dọa buộc người thân đưa tiền, thậm chí buộc phải cầm cố ô tô lấy tiền trả…
Nguồn: tuoitre.vn