Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần sớm có gói hỗ trợ riêng cho người lao động nghỉ việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đối tượng bị tạm hoãn hợp đồng lao động.
PV VietNamNet trao đổi với ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình chăm lo đời sống người lao động dịp cuối năm tại các doanh nghiệp.
Ông có thể cho biết tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp (DN) trong những tháng cuối năm 2022?
– Từ tháng 9 đến nay, bên cạnh các DN tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động thì đã xảy ra tình trạng hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm do DN gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng…
Tình hình trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều người lao động và gia đình.
Thống kê cho thấy, hiện nay có 1.242 DN gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng phải giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động với 482.120 người. Trong đó, phần lớn là công nhân bị giảm giờ làm, chiếm 91,36%, số bị chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 8,64%.
Ông Phan Văn Anh.
Trước thực tế trên, Tổng Liên đoàn Lao động VN đã có những giải pháp nào hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do bị giảm việc, mất việc làm tại các doanh nghiệp?
– Chúng tôi đã cùng với các cấp công đoàn nắm bắt tình hình, chủ động sử dụng nguồn lực tài chính công đoàn chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, vận động người sử dụng lao động, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động, cố gắng hỗ trợ, bù đắp những gì người lao động đã hy sinh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19.
Công đoàn cơ sở chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động.
Đồng thời xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023 để giảm thiểu những xung đột trong quan hệ lao động.
Chúng tôi sẽ kiến nghị, đề xuất với Chính phủ để có các chính sách hỗ trợ kịp thời lẫn những thay đổi căn cơ, lâu dài trong chính sách để giảm bớt khó khăn trước mắt và trong thời gian tới cho người lao động.
Ông có thể dự báo về tình hình lao động, việc làm trong thời gian tới và những giải pháp để ổn định việc làm, ổn định đời sống cho người lao động?
– Trong thời gian tới tình hình sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Người lao động đang rất cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng. Trong đó, trước mắt cần có gói hỗ trợ riêng cho người lao động nghỉ việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đối tượng bị tạm hoãn hợp đồng lao động.
Cần chính sách hỗ trợ lao động khó khăn không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ DN như hỗ trợ lãi suất tiền vay với DN bị thiếu đơn hàng để họ có điều kiện duy trì, tái cơ cấu sản xuất, từ đó tạo điều kiện về việc làm bền vững cho người lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; đồng thời tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động; kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các DN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động.
Đặc biệt, cần chính thức hóa các chính sách tạm thời, có giải pháp để người lao động trong quá trình làm việc có tích lũy đủ lớn để khi gặp khó khăn, họ vẫn có khả năng để duy trì cuộc sống.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, công đoàn cấp trên sẽ hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (bằng tiền mặt) từ nguồn tài chính công đoàn. Tổng kinh phí dự kiến cho công tác này là 500 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức để các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các ban, bộ, ngành… thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tất cả các tỉnh, thành phố. Dự kiến có khoảng 15.000 đoàn viên, người lao động được thăm, tặng quà, mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và túi quà trị giá 300.000 đồng từ hoạt động này. |
Nguồn: vietnamnet