Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân có bài viết nhìn nhận về các làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam và cách dập dịch trong vòng 3 tháng. 

I. Nhìn lại 4 làn sóng lây nhiễm ở Việt Nam từ tháng 2/2020 – 6/2021

Tình trạng nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở một nước thể hiện ở chỉ số: hiện tại có bao nhiêu người nhiễm Covid-19 đang phải điều trị trong 1 triệu dân. Khi số người nhiễm mới mỗi ngày tăng thì số người đang phải điều trị càng tăng và khi hệ thống y tế phòng chống Covid-19 kém hiệu quả thì số người đang điều trị ngày càng tăng lên. Khi số người lây nhiễm mới ở cộng đồng giảm, số người phải điều trị ở các bệnh viện sẽ giảm.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm Covid-19, Hình 1.

Với dân số 97,6 triệu người (2020), ngưỡng có dịch của Việt Nam là tổng số người đang điều trị vượt quá 976 người. Trong 3 làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên, tuy đỉnh của mỗi làn sóng sau cao hơn làn sóng trước, Hình 1, song đều dưới 976 người đang điều trị. Tức là tới 30/4, Việt Nam có lây nhiễm Covid-19, song không có dịch xét với cấp độ quốc gia. Việt Nam thuộc nhóm 20 nước phòng chống dịch tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên làn sóng lây nhiễm thứ 4 có tính chất khác hẳn về chất:

– Tại ba làn sóng lây nhiễm trước, thời gian bùng phát lây nhiễm đến khi đạt đỉnh đều chỉ khoảng 22 ngày (8/3/2020 – 29/3/2020; 27/7/2020 – 17/8/2020; 27/1/2021 – 17/2/2021), còn tại làn sóng thứ tư, đã qua 36 ngày vẫn chưa đạt đỉnh và theo đồ thị diễn biến dịch lần này, Hình 1, chưa thể dự báo lúc nào dịch đạt đỉnh. Nhiều khả năng, làn sóng thứ tư sẽ không đạt đỉnh trước 30/6/2021, tức là thời gian bùng phát lây nhiễm ít nhất là 56 ngày, gấp 2,5 lần thời gian bùng phát của ba làn sóng trước đó.

Cần giải pháp đột phá để nhanh chóng dập dịch Covid-19 ở giai đoạn hiện nay

Hình 1: 4 làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam

– Mặc dù chưa đạt đỉnh, song số người đang điều trị đã hơn 6.000 người gấp hơn 8,4 lần đỉnh làn sóng lây nhiễm thứ 3, Hình 1, trong khi đỉnh làn sóng thứ 3 chỉ gấp hơn 1,4 lần đỉnh làn sóng thứ 2. Nhiều khả năng, khi đạt đỉnh làn sóng thứ 4, số người đang điều trị sẽ trên 7.500 người, gấp hơn 10 lần đỉnh làn sóng thứ 3.

– Tại ba làn sóng lây nhiễm đầu tiên, số người điều trị/1 triệu dân khi đạt đỉnh vẫn thấp hơn ngưỡng có dịch của Việt Nam: 976 người. Tức là chúng ta có lây nhiễm song chưa có dịch ở quy mô quốc gia. Nhưng tại làn sóng lây nhiễm thứ 4, ngày 13/5, số người đang điều trị là 1.098 người vượt qua ngưỡng có dịch 976 người. Nước ta đã trở thành nước có dịch.

– Tại làn sóng lây nhiễm thứ 1, ở giai đoạn bùng phát lây nhiễm trước khi đạt đỉnh, bình quân 1 ngày có thêm gần 6 người phải được điều trị, tại làn sóng thứ 2 là 20 người, tại làn sóng thứ 3 là gần 29 người, còn tại làn sóng thứ 4, từ 5/5 đến 10/6, bình quân 1 ngày có thêm 156 người nhiễm phải được điều trị. Tức là tại làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay, mức độ lây nhiễm cộng đồng gấp hơn 5 lần làn sóng thứ 3 và gấp hơn 25 lần làn sóng thứ 1.

– Thời gian số người được điều trị giảm từ đỉnh làn sóng lây nhiễm xuống bằng mức trước khi có làn sóng lây nhiễm, theo thực tế của 3 làn sóng lây nhiễm vừa qua thì bằng từ 1,7 lần đến 2,1 lần thời gian lây nhiễm bùng phát và đạt đỉnh (22 ngày). Hình 1.

Như vậy, nếu không có các giải pháp đột phá mới, thì sau khi làn sóng thứ 4 đạt đỉnh, có thể dự báo lạc quan là vào 30/6, cần khoảng 3 tháng nữa (90 ngày) để số người đang điều trị cả nước giảm về mức trước khi có làn sóng thứ 4, ngày 5/5 (dưới 500 người). Thời gian dịch dài gần 5 tháng như vậy (56 ngày bùng phát đạt đỉnh, 90 ngày giảm lây nhiễm, trở về mức trước khi có dịch) sẽ gây thiệt hại rất lớn cho đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế.

Tình hình dịch hiện nay và dự báo sơ bộ như vậy đòi hỏi phải có giải pháp đột phá để dập dịch, sớm đưa cuộc sống các địa phương và cả nước về trạng thái bình thường mới.

II. Cần giải pháp đột phá trong vòng 3 tháng tới để dập dịch

Từ 5/5 tới nay, mức độ gia tăng lây nhiễm trong cộng đồng hầu như không đổi, Hình 1. Thời gian số người phải được điều trị tăng từ 1.000 lên 2.000 là khoảng 7 ngày, từ 2.000 lên 3.000 khoảng 6 ngày, từ 3.000 lên 4.000 khoảng 4 ngày, từ 4.000 lên 5.000 khoảng 6 ngày và từ 5.000 lên 6.000 khoảng từ 5 ngày, Hình 1. Bình quân cứ 1 tuần thêm 1.000 người phải được điều trị.

Thời gian dịch bùng phát đến nay đã 36 ngày, dài gấp hơn 2,5 lần 3 làn sóng lây nhiễm trước (22 ngày), Hình 1. Chưa thể dự báo lúc nào thì làn sóng lây nhiễm thứ 4 này đạt đỉnh và sẽ giảm dần. Vì vậy, để dập dịch, tức là phải giảm mức độ gia tăng số người được điều trị ở các bệnh viện mỗi ngày, hiện nay bình quân là 156 người/ngày, về mức 0 người/ngày, sau đó là âm (giảm mỗi ngày) cho đến khi tổng số người đang được điều trị không quá 976 người thì phải có giải pháp đột phá mới.

Hiện nay, trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước có 46 tỉnh, thành phố có người nhiễm Covid-19 đang phải điều trị, song sự phân bổ rất không đồng đều giữa các địa phương. Trong tổng số 6.068 người đang được điều trị của cả nước, tính đến 7h sáng, 11/6 thì:

– 17 tỉnh không có lây nhiễm: chiếm 15,83% dân số cả nước (15,45 triệu người) không có ai bị nhiễm đang phải điều trị.

– 25 tỉnh, thành phố không có dịch: chiếm 40,38% dân số cả nước (39,41 triệu người), chỉ có 106 người nhiễm đang phải điều trị, bình quân 2,69 người đang điều trị/1 triệu dân, thấp xa ngưỡng có dịch 10 người đang điều trị/1 triệu dân. Đây là 25 tỉnh có lây nhiễm, song không có dịch, với tổng số người đang được điều trị chiếm 1,7% tổng số người đang được điều trị của cả nước (6.068 người).

– Có 21 tỉnh, thành phố có dịch: chiếm 43,79% dân số cả nước (42,742 triệu người), với 5.962 người đang điều trị, chiếm 98,3% tổng số người đang được điều trị cả nước (6.068 người), trong đó:

+ Bắc Giang có 3.454 người đang điều trị, chiếm 56,9% của cả nước, 1.876 người đang điều trị trên 1 triệu dân (gấp 187 lần ngưỡng có dịch 10 người/1 triệu dân), là địa phương có dịch nặng nhất Việt Nam hiện nay.

+ Bắc Ninh có 963 người đang điều trị, chiếm 15,9% của cả nước, 678 người đang điều trị/1 triệu dân (gấp gần 70 lần ngưỡng có dịch), là địa phương có dịch nặng thứ nhì Việt Nam.

+ TP.HCM có 613 người đang điều trị (đứng thứ 3 cả nước), chiếm 10,1% của cả nước, có 67 người đang điều trị/1 triệu dân (gấp gần 7 lần ngưỡng có dịch), là địa phương có mật độ dân số lớn nhất cả nước (4.404 người/km2).

+ Hà Nội có 317 người đang điều trị (đứng thứ 4 cả nước), chiếm 5,2% của cả nước, có 38 người đang điều trị/1 triệu dân  (gấp 3,8 lần ngưỡng có dịch), là địa phương có mật độ dân số lớn thứ nhì cả nước (2.465 người/km2).

Như vậy, riêng hai tỉnh Bắc Giang (dân số 1,841 triệu người) và Bắc Ninh (dân số 1,419 triệu người) có tổng dân số chỉ chiếm 3,3% dân số cả nước song lại đang có tới 72,8% tổng số người đang điều trị của cả nước.

Nếu tiêm vắc xin cho 70% dân số Bắc Giang và Bắc Ninh trong đó có ưu tiên cho công nhân, công chức viên chức ngành y tế, giáo dục, quản lý nhà nước, công an, quân đội, người có bệnh nền (dùng được vắc xin) thì sẽ loại trừ được sự lây nhiễm của 72,8% nguồn lây nhiễm của cả nước, tức là dập dịch hoàn toàn ở Bắc Giang, Bắc Ninh và cơ bản trong cả nước. Số người cần tiêm là 2,28 triệu người chỉ bằng 2,33% dân số cả nước.

Đến nay chúng ta đã tiêm trên 1 triệu người là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và có nguy cơ rủi ro cao của cả nước. Với khó khăn trong việc tìm mua vắc xin hiện nay thì cần tập trung đủ vắc xin để tiêm cho 2,28 triệu người Bắc Giang và Bắc Ninh trong tháng 6 và 7 mà không tiêm dàn đều mỗi tỉnh một ít. Đây là cách dập dịch nhanh nhất.

TP.HCM (dân số 9,227 triệu người) và Hà Nội (dân số 8,28 triệu người) có tổng dân số chiếm 17,9% dân số cả nước và chiếm 15,3% tổng số người đang điều trị của cả nước, là 2 địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.

Nếu tiêm vắc xin cho 70% dân số của Hà Nội và TP.HCM thì loại trừ được sự lây nhiễm của 15,3% nguồn lây nhiễm của cả nước. Số người cần tiêm vắc xin là 12,25 triệu người, bằng 12,55% dân số cả nước.

Với lượng vắc xin huy động được tiếp theo thì cần ưu tiên để tiêm cho 12,25 triệu người dân Hà Nội và TP.HCM, sẽ vô hiệu hóa 15,3% nguồn lây nhiễm của cả nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến 2 trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước. Việc này cần phấn đấu làm trong tháng 7 và 8.

Nếu làm theo cách này thì trong vòng 3 tháng (6-8), chỉ cần tiêm cho 14,53 triệu người, bằng 14,9% dân số, sẽ loại trừ được tác động lây nhiễm của hơn 88% nguồn lây nhiễm của cả nước, dập dịch hoàn toàn trong cả nước.

Nếu huy động được thêm vắc xin, thì nên tiêm cho 17 tỉnh, thành phố còn lại đang có dịch rất nhẹ (Lạng Sơn, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Nam, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hải Dương, Sóc Trăng, Hưng yên, Bến Tre, Long An, Thái Bình, Quảng Nam) với tổng dân số 21,975 triệu người, bằng 22,5% dân số của cả nước và có 10,1% tổng số người đang điều trị của cả nước. Số người dân cần tiêm là 15,38 triệu người.

Nếu việc tiêm vắc xin này có thể thực hiện trong tháng 8 và 9, thì đến lúc đó chúng ta đã tiêm cho 30,91 triệu người, bằng 31,7% dân số và sẽ loại trừ được tác dụng lây nhiễm của 98,3% nguồn lây nhiễm hiện nay của đất nước. Sau tháng 9, nếu chúng ta có được thêm nguồn vắc xin thì sẽ tiêm chủng cho nhân dân của 25 tỉnh, thành phố hiện nay không có dịch, nhưng có lây nhiễm quy mô rất nhỏ, với tổng dân số 39,41 triệu người và có 1,7% tổng số người điều trị hiện nay. Số người cần tiêm sẽ là 27,59 triệu người.

Nếu đến tháng 11, chúng ta có thêm vắc xin để tiêm cho nhân dân ở 17 tỉnh hiện nay không có lây nhiễm, với dân số 15,45 triệu người, thì sẽ hoàn thành tiêm cho 70% dân số cả nước. Số người dân cần tiêm ở 17 tỉnh này là 10,82 triệu người.

Tóm lại, chúng tôi đề xuất giải pháp đột phá để dập dịch trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay là lộ trình tiêm vắc xin tối ưu: Tiêm vắc xin không dàn trải, mà dứt điểm từng tỉnh, thành phố theo thứ tự mức độ dịch hiện nay, hình 2.

Cần giải pháp đột phá để nhanh chóng dập dịch Covid-19 ở giai đoạn hiện nay

Hình 2: Lộ trình tiêm vắc xin tối ưu – giải pháp đột phá chống dịch 2021

Trong trường hợp đến tháng 7 và tháng 8 không có đủ vắc xin cho 12,25 triệu người dân ở Hà Nội và TP.HCM thì cần nỗ lực tối đa để có đủ vắc xin tiêm cho 2,28 triệu người dân Bắc Giang và Bắc Ninh. 4,56 triệu liều vắc xin này (mỗi người 2 liều) sẽ đem lại tác dụng lớn nhất để nhanh chóng dập dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh và dập dịch cơ bản trong cả nước.

Sắp tới lây nhiễm ở các địa phương có thể tăng hoặc giảm, nên danh sách cụ thể của nhóm các tỉnh, thành phố có dịch, không có dịch, không có lây nhiễm sẽ thay đổi, song nguyên tắc thứ tự ưu tiên tiêm vắc xin là không đổi.

Nếu việc mua vắc xin không đảm bảo tiến độ tiêm cho người dân ở các tỉnh, thành phố theo lộ trình trên, Hình 2, thì việc tiêm sẽ chậm lại, có thể kéo dài sang đầu năm 2022, song thứ tự ưu tiên là không thay đổi, vì thứ tự này đem lại hiệu quả phòng chống dịch cao nhất cho cả nước. Việc đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước, theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là giải pháp đột phá phòng chống Covid-19 ở nước ta từ năm 2022.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : vắc xin covid-19vaccine Covid-19

Các tin liên quan đến bài viết