Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đang thảo luận để cho ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật Hình sự 2015. Và một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền của các pháp nhân có phạm tội hay không? Vì trong Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa quy định hai tội danh này với cả cá nhân và pháp nhân. Còn trong Bộ luật Hình sự năm 2015, thì hai tội danh này chỉ áp dụng đối với cá nhân.

Cụ thể, tại Điều 300 trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là tội tài trợ khủng bố, với nội dung như sau: Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Còn tại Điều 324 của bộ luật này là những quy định về tội rửa tiền và các Điểm a, b, c của Khoản 1, có nội dung như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;…

Trong khi đó, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì rửa tiền là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội. Và ngày nay, với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ cùng với xu hướng hội nhập quốc tế, rửa tiền đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế, được cộng đồng thế giới rất quan tâm, vì nó gây ra hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và uy tín quốc tế của quốc gia, làm suy yếu nền kinh tế, cũng như cải tổ nền kinh tế. Rửa tiền không chỉ giúp cho tội phạm che giấu được nguồn gốc của những khoản tiền bất hợp pháp mà còn tạo ra cơ sở cho chúng hưởng thụ và sử dụng những đồng tiền đã được tẩy rửa để phục vụ cho những hoạt động tội phạm khác.

Theo FATF – cơ quan liên chính phủ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, thì rửa tiền là toàn bộ những hoạt động được tiến hành nhằm cố ý hợp thức hóa những khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội. Và theo Công ước Vienna (1988), Công ước Palermo (2000) của Liên hợp quốc: Rửa tiền là các hoạt động chuyển hoán hoặc chuyển nhượng tài sản khi biết tài sản đó có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội, hoặc tham gia vào hành vi nhằm mục đích giấu giếm hoặc che đậy nguồn gốc phi pháp của tài sản hoặc tiếp tay cho bất kỳ cá nhân nào tham gia vào hành vi này, hoặc giấu giếm hoặc che đậy bản chất thực, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, sự chuyển dịch, các quyền liên quan đến tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản khi biết rằng tài sản đó có được từ hành vi phạm tội, hoặc có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản khi tại thời điểm tiếp nhận nó đã biết rằng tài sản này có được từ hành vi phạm tội.

Còn theo cách hiểu thông thường của đông đảo người dân hiện nay thì rửa tiền là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền rất khó hoặc không thể truy ra nguồn gốc phi pháp ấy. Nói cách khác, rửa tiền là hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản….

Như vậy, hành vi rửa tiền và tài trợ cho khủng bố không chỉ có cá nhân thực hiện, mà tổ chức cũng dễ dàng thực hiện hành vi này. Và thực tế trên thế giới đã xuất hiện từ lâu tổ chức khủng bố, tải trở cho khủng bố và nguồn kinh phí này chủ yếu từ buôn lậu ma túy, vũ khí mà có. Do đó, nếu trong Bộ luật Hình sự năm 2015 không được bổ sung đối tượng phạm tội là pháp nhân đối hai tội khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324) là không phù hợp với thực tế; đồng thời sẽ dẫn đến điều bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

NV

Từ khóa : buôn lậu ma túyrửa tiềntội rửa tiềnvũ khí

Các tin liên quan đến bài viết