Câu trả lời là cần cả hai. Tuy nhiên, việc có được bản đồ cảnh báo sạt lở không phải là chuyện đơn giản, việc tính toán nhanh chuyện quy hoạch các khu dân cư miền núi cũng gặp khó khăn về nguồn lực.
Bên cạnh đó là cần có các công trình ngăn chặn sạt lở kiên cố.
Mới có bản đồ 1/50.000
Hiện Bộ TN-MT đang làm đề án Bản đồ cảnh báo sạt lở đất đá ở 37 tỉnh thành phố (gồm 16 tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, 14 tỉnh khu vực Trung Bộ, 5 tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Đông Nam Bộ) và đã hoàn thành bản đồ hiện trạng sạt lở tại 22 tỉnh, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở tại 15 tỉnh với tỉ lệ cao 1/50.000.
Tuy nhiên, sơ đồ hiện trạng sạt trượt và khoanh vùng cho các xã trọng điểm với tỉ lệ 1/10.000 là rất quan trọng mới làm được tại 44 xã thuộc 5 tỉnh miền núi phía Bắc.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định bản đồ này mới chỉ làm được phân vùng cảnh báo cấp tỉnh, huyện. Hơn nữa, sạt lở đất đá vừa qua có một số điểm ở những nơi người dân ổn định hàng trăm năm, không có nguy cơ cao là bài toán phải giải quyết trong những năm tới.
Trong khi đó, ông Lê Công Thành, thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết kinh nghiệm trên thế giới, những vùng có địa hình, cấu trúc địa chất tương tự như Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc cũng thường xảy ra sạt lở đất và gây thiệt hại nghiêm trọng.
Muốn cảnh báo được sạt lở đất đòi hỏi phải làm công phu, bài bản vì những gì chúng ta nhìn thấy thường dễ ứng phó nhưng còn dưới đất không nhìn thấy được, trong khi cơ quan chức năng phải dựa vào nghiên cứu đánh giá địa hình, địa chất của từng khu vực, từ đó mới cho ra bản đồ nguy cơ sạt lở.
Ngoài ra, nguy cơ sạt lở còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại hiện trường như các công trình, đường giao thông, các yếu tố dân sinh khác nữa, cộng với lượng mưa rơi xuống mới có thể ra được các điểm sạt lở.
Giải pháp căn cơ: quy hoạch lại khu dân cư miền núi
Ông Hiệp cho biết trong chiến lược phòng chống thiên tai đến năm 2030, yêu cầu đến hết năm 2021 phải xong bản đồ cảnh báo sạt lở cho 37 tỉnh đến các xã trọng điểm.
Tuy vậy, “có một số địa phương hiện nay nhận bản đồ xong chỉ để đó chứ không nghiên cứu, triển khai và cảnh báo chung chung nên khi mưa lớn, xảy ra sạt lở đất đã để lại hậu quả nặng nề” – ông Hiệp nói.
Ông Trịnh Xuân Hòa, phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT), cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất là lắp đặt hệ thống máy quan trắc đa thiên tai có thể đưa ra dự báo gần như sát với thực tế.
Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 10 máy (ở Lào Cai) trong khi điểm có nguy cơ trượt lở rất nhiều, nên lắp máy khắp nơi là khó khả thi.
Trước mắt, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan là trang bị cho mỗi làng, bản một cột đo mưa. Mưa đến một mức nhất định thì sơ tán dân. Phương pháp này vừa đỡ tốn kém và dễ triển khai.
Theo ông Hiệp, một trong những giải pháp tốn kém về kinh tế nhưng bền vững là phải xem xét quy hoạch lại khu dân cư ở miền núi, các khu vực có nguy cơ sạt lở.
Bộ NN&PTNT đã trình đề án di dời dân cư tại 2.300 điểm nhưng kinh phí để thực hiện rất lớn, chủ yếu trông chờ vào vốn nhà nước nên chưa thể triển khai đại trà mà chỉ một số địa phương làm nhưng chỉ ở khu vực đã xảy ra hoặc quá nguy cấp.
“Chúng tôi rất mong muốn có đầu tư từ các nguồn lực để di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở và cũng phục vụ mục đích phát triển bền vững” – ông Hiệp nói.
Nhật Bản ứng phó với sạt lở đất thế nào?
Ông Yasuhiro Tanaka – chuyên gia JICA, cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Tổng cục Phòng chống thiên tai – cho biết địa hình Nhật Bản có độ dốc lớn nên thường xuyên xảy ra sạt lở.
“Rất khó để nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở bởi có nhiều yếu tố khác như sự phân bổ mưa hay đặc điểm địa chất của từng vùng”, ông Tanaka nói.
Tuy nhiên, ông Tanaka chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật là “cố gắng ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra sạt lở” dựa trên 3 yếu tố.
Đầu tiên, quan tâm tới vấn đề sử dụng đất, tìm hiểu xem lượng mưa tại các vùng rồi chia thành các vùng an toàn và có nguy cơ.
Tại vùng nguy cơ cao, chính quyền địa phương sẽ có thông báo và kế hoạch di dời người dân. Mỗi hộ gia đình cần biết rõ họ nằm ở vùng nào: nguy hiểm, cận nguy hiểm hoặc an toàn.
Thứ hai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, các trạm quan trắc lượng mưa. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển.
Thứ ba, chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa hiện tượng này dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở, ví dụ nổi tiếng nhất là đập Sabo Dam để ngăn chặn bùn, đá…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng trong các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của từng vùng, từng địa phương phải đưa yếu tố về thiên tai vào.
Dù luật đã có nhưng nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm vì… ngại kinh phí tăng lên. “Đường, đê biển, trường học, trụ sở xã… ở ven biển để chống chịu được gió bão cấp 12 thì kinh phí sẽ phải tăng lên, nhưng quan điểm của bộ là phải làm để ít nhất không thiệt hại sau mỗi đợt thiên tai” – ông Hiệp nói.
Nguồn: tuoitre.vn