Để đối phó với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phát đi thông báo khẩn về việc siết chặt các biện pháp phong tỏa thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal.

Theo hãng thông tấn CNA, ông Hun Sen tối 16/4 ra lệnh cho các cơ quan chức trách phải nỗ lực triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm đảm bảo người dân tại Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong vòng 14 ngày cho đến ngày 28/4 tới đây.

Campuchia siết chặt phong tỏa thủ đô, dịch Covid-19 ở Đức 'rất nghiêm trọng'
Các nhân viên y tế Campuchia mặc đồ bảo hộ kín mít trong khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. 

Lãnh đạo Chính phủ Campuchia cho hay, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 262 ca dương tính với virus corona chủng mới ở khắp 12 tỉnh thành, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 5.480 người. Tổng số ca tử vong tại Campuchia tính đến sáng 17/4 hiện là 38 người, tăng 2 trường hợp so với một ngày trước đó.

Hôm 16/4, chính quyền tỉnh Preah Sihanouk đã cho tạm ngừng các hoạt động kinh doanh tại khu chợ Phsar Leu ở thành phố Preah Sihanouk trong nửa tháng, kể từ 15h cùng ngày để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Lệnh được miễn trừ đối với các tiểu thương bán thực phẩm và đồ ăn chín hoặc đồ giải khát, nhưng họ sẽ phải nghỉ bán hàng trong 3 ngày, từ ngày 16 – 18/4 để phun thuốc khử khuẩn và dọn vệ sinh quanh chợ.

Nhà chức trách cũng sẽ lấy mẫu xét nghiệm bắt buộc đối với mọi tiểu thương kinh doanh tại chợ. Quyết định được công bố sau khi cơ quan chức năng phát hiện 13 tiểu thương tại đây dương tính với virus.

Đức cảnh báo tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng

Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 16/4, Thủ tướng Angela Merkel cho biết, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba tại nước này đang “rất nghiêm trọng”. Bà kêu gọi Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Phòng chống lây nhiễm dịch bệnh để có thể siết chặt các biện phòng chống virus corona chủng mới một cách nhất quán trên toàn quốc.

Nếu được phê duyệt, luật mới sẽ bắt buộc các địa phương có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 trong 7 ngày tính trên mỗi 100.000 dân phải triển khai các biện pháp “hãm phanh khẩn cấp”, chẳng hạn như áp lệnh giới nghiêm ban đêm (từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau), đóng tất cả các cửa hàng bán lẻ và cơ sở giải trí, yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc tối đa.

Tuyên bố của bà Merkel được đưa ra trong bối cảnh số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực ở Đức tăng vọt. Dữ liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, số ca Covid-19 nặng cần chăm sóc tích cực đã lên tới 4.740 người, mức cao nhất kể từ ngày 22/1.

Đức hiện là “ổ dịch” lớn thứ 10 thế giới với hơn 3,1 triệu ca mắc, trong đó 80.387 trường hợp đã tử vong.

Vắc-xin Trung Quốc hiệu quả 67%

Reuters trích dẫn tuyên bố ngày 16/4 của Chính phủ Chile cho hay, vắc-xin CoronaVac ngừa Covid-19 do hãng dược Trung Quốc Sinovac phát triển, có hiệu quả 67% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus tại quốc gia Nam Mỹ này. Nghiên cứu của Bộ Y tế Chile cũng phát hiện, CoronaVac đạt hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa nhập viện và 80% trong việc ngăn ngừa tử vong.

Việc công bố dữ liệu khiến Chile trở thành một trong số ít các quốc gia, bao gồm cả Anh và Israel, đã sử dụng chiến dịch tiêm chủng đại trà để thu thập thông tin chi tiết về hiệu quả của các vắc-xin bên ngoài môi trường thử nghiệm lâm sàng, có kiểm soát và khi đối mặt với những biến số khó lường trong xã hội.

Các nhà khoa học Chile đã rút ra kết luận trên sau khi nghiên cứu hiệu quả của CoronaVac với 10,5 triệu người, bao gồm cả những người đã tiêm và chưa tiêm vắc-xin này. Nghiên cứu của họ cho thấy vắc-xin của Sinovac đạt hiệu quả cao hơn so với các dữ liệu công bố trước đây.

Hồi tháng 1, một thử nghiệm của Brazil cho thấy CoronaVac chỉ đạt hiệu quả 50,4% trong việc ngăn ngừa phát bệnh. Một nghiên cứu sau đó, công bố trong tháng 4 cũng kết luận mức độ hiệu quả của vắc-xin là 50,7%. Trong khi, Indonesia phê duyệt việc dùng khẩn cấp vắc-xin này dựa theo dữ liệu tạm thời khẳng định CoronaVac đạt hiệu quả phòng bệnh là 65%.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng 17/4 (giờ Việt Nam), đại dịch Covid-19 đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 140,5 triệu người với hơn 3 triệu ca tử vong. Song, trên 119,3 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

– Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 32,3 triệu ca dương tính, trong đó 579.905 bệnh nhân không qua khỏi.

– Ấn Độ cam kết sẽ nâng gấp 10 lần sản lượng hàng tháng của vắc-xin Covaxin do hãng dược phẩm Bharat Biotech của nước này bào chế lên gần 100 triệu liều trước tháng 9. Cam kết được đưa ra trong bối cảnh tốc độ chủng ngừa Covid-19 hàng ngày tại “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới đang giảm dần vì thiếu nguồn cung trong khi số ca nhiễm mới không ngừng tăng lên.

– Bồ Đào Nha lên kế hoạch nối lại các chuyến bay tới Anh và Brazil từ ngày 19/4, trong giai đoạn 3 của việc nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch ở nước này.

– Văn phòng các sân bay Maroc (ONDA) cho biết sẽ tạm dừng các chuyến bay chở khách đến và đi từ 13 quốc gia bao gồm Albania, Bulgaria, Cyprus, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Romania, Serbia, Slovakia và Slovenia cho đến khi có thông báo mới. Động thái này là một phần trong các biện pháp mà Maroc xúc tiến nhằm chặn đứng sự lây lan của virus. Trước đó, quốc gia này đã tạm ngưng các chuyến bay đến vào đi đối với 50 quốc gia khác kể từ ngày 15/3.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : campuchiaCOVID-19vaccine Covid-19virus Corona

Các tin liên quan đến bài viết