Vân Đồn không chỉ nổi tiếng bởi thủy hải sản tươi sống ngon nức tiếng, mà còn có một sản vật nổi tiếng khác là quả cam. Xã Vạn Yên, nơi có những vườn cam trĩu quả đang là “điểm đến” hấp dẫn du khách.
“Cam Vạn Yên chưa ra khỏi huyện Vân Đồn được, bởi những trái cam mọng nước, ngọt lịm luôn được bán hết ngay từ vườn. Toàn huyện có 2 xã trồng cam, với diện tích trên 200 ha. Huyện đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 1.000 ha trong những năm tới”. Khi nói đến các đặc sản nổi tiếng của huyện mình, ông Tô Xuân Thao – Bí thư huyện ủy huyện Vân Đồn hào hứng “khoe” cam Vạn Yên.
Và theo giới thiệu của vị tân bí thư huyện ủy, một ngày cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi đến thăm những vườn cam ở xã Vạn Yên, xã có đến trên 180 ha cam.
Cam được đóng dấu OCOP
Dọc con đường bê tông mới dẫn vào thôn 10-10 và thôn Cái Bầu của xã Vạn Yên, những vườn cam xanh mướt, trĩu quả vàng đang chính mùa thu hoạch. Trên những vườn, đồi cam ríu rít tiếng cười của nông dân thu hoạch cam. Trước sân mỗi nhà, những nhóm người phân loại cam, đóng thùng và cả những khách hàng đến mua cam.
Điều đặc biệt, các thùng giấy đựng cam đều dán tem truy xuất nguồn gốc, các thông tin liên quan đến quả cam, cùng dòng chữ lớn OCOP.
“OCOP nghĩa là gì?”- tôi hỏi, phó bí thư thường trực xã Vạn Yên Hoàng Thị Ngọc giải thích: Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” mà Bộ NN&PTNT phát động trong chương trình xây dựng nông thôn mới. OCOP là viết tắt tiếng Anh của chương trình này.
Theo bà Ngọc, xã Vạn Yên có 2 HTX trồng cam, quy tụ 35 hộ nông dân trồng cam, với diện tích cam của các hộ trong 2 HTX gần 100 ha. Đó là HTX cam 10-10 do bà Lê Thị Bảy làm giám đốc và HTX nông trang Vạn Yên do ông Trần Văn Hậu làm giám đốc.
Đứng giữa vườn cam trĩu quả, bà Lê Thị Bảy, một trong những người đầu tiên trồng cam Vạn Yên, cho biết từ khi ra đời, HTX cam 10-10 trồng cam theo mô hình chuẩn VietGAP, đảm bảo VS ATTP, có tem truy xuất nguồn gốc, được huyện hỗ trợ về bao bì, quảng bá thương hiệu. “10-10 cũng như HTX nông trang Vạn Yên đều xác định việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm, giúp sản phẩm dễ đến với người tiêu dùng hơn”.
Theo bà Ngọc, bởi chất lượng đảm bảo, cam lại ngon nên nhiều năm nay, thương lái và khách du lịch vào tận vườn mua, cam Vạn Yên vì thế không đủ cung cấp ra thị trường. Một hai năm nay, cam Vạn Yên mới có “cơ hội” ra khỏi huyện, về tỉnh và vào một số siêu thị nông sản sạch.
Tỉ phú cam
Bà Lê Thị Bảy, giám đốc HTX Cam 10-10 vốn không phải người Vạn Yên. Theo bà kể, do làm nông ở quê Hải Dương quá khó khăn nên năm 1998, vợ chồng bà rời quê lang thang ra vùng Vân Đồn để làm ăn. Từ tay trắng, cơ duyên đã đưa bà đến xã Vạn Yên và được huyện bố trí, giao cho ít đất đồi ở thôn 10-10. Nhận được đất, bà tìm hiểu thì biết Vạn Yên có giống cam ngon, nên bà tập trung vào trồng, chăm sóc cam.
Sau 10 năm trồng cam, bà đã có của ăn của để và về quê mua đất, xây nhà. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam trĩu quả của gia đình, bà Bảy cho biết trong gần 15 ha cam, sản lượng cả mùa (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 2 năm sau) ước khoảng 30 tấn với giá bán tại vườn thời điểm này là 35.000 đồng/kg, dự tính cũng được tỉ đồng.
Dù là giám đốc HTX, là “đại gia đất”, tỉ phú cam, nhưng bà Bảy vẫn đi làm thuê. Những chủ vườn cam vẫn thuê bà chăm sóc vườn cam. Mỗi năm, gia đình bà thu được “vài ba trăm triệu” tiền chăm sóc cam thuê.
“Giờ trong xã không chỉ có chị Bảy, mà nhiều hộ đã phất lên thành tỉ phú từ cam, như hộ Trần Văn Hậu, hộ Hạnh Tươi, Lê Khả Mừng…”, bà Ngọc nói.
Nguồn: tuoitre.vn