NSND Trần Ngọc Giàu ủng hộ việc hạn chế phát sóng những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, nhưng cũng bày tỏ đây là thực trạng đáng buồn của một bộ phận showbiz Việt.
Ngày 17/4, Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo…
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết các biện pháp “cấm sóng”, “cấm mạng”, “cấm diễn” nhằm từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ.
Diễn viên hài Hữu Tín tại cơ quan điều tra (Ảnh: A.X.).
“Cần thiết nhưng cũng… đáng buồn”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí vào sáng 18/4, NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định mới của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông chia sẻ: “Đây là quy định đáng ủng hộ. Quy định này rất cần thiết nhưng cũng đáng buồn cho giới nghệ sĩ. Bởi khi mà đã phải dùng đến luật pháp, thì có nghĩa là ý thức của nghệ sĩ hiện nay không cao”.
Nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu cho rằng người nổi tiếng cần phải có ý thức, trách nhiệm cao hơn người bình thường. “Nghệ sĩ đương nhiên phải làm tròn nghĩa vụ của một người công dân. Nhưng với vai trò là người nổi tiếng thì ý thức của họ cũng phải cao hơn người bình thường. Vì họ không chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ với pháp luật mà còn với công chúng yêu mến họ”, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho hay.
NSND Trần Ngọc Giàu nói thêm, ngày nay phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến rộng rãi, cùng với đó là những hội nhóm fanclub phát triển mạnh, dẫn đến một bộ phận nghệ sĩ ngộ nhận họ là “ngôi sao”, có ít nhiều sự ảo tưởng quyền lực.
“Chính sự ủng hộ, tung hô cuồng nhiệt quá mức của các hội nhóm fan này đã làm cho người nổi tiếng trở nên hư hỏng. Những ngộ nhận này sẽ dẫn đến những ngộ nhận khác. Nhưng họ chỉ là “ngôi sao trong nháy” thôi, không phải ngôi sao thật sự. Theo tôi, tình trạng này chỉ diễn ra với một bộ phận người nổi tiếng. Còn đã là nghệ sĩ lớn, là ngôi sao lớn thực sự, thì tự thân ý thức của người ta sẽ biết chuẩn mực, khiêm tốn, biết được họ sống vì sự yêu quý của công chúng như thế nào”, nghệ sĩ Ngọc Giàu nói với phóng viên Dân trí.
Ca sĩ Hiền Hồ vướng ồn ào cặp kè với người có gia đình (Ảnh: Facebook nhân vật).
NSND Ngọc Giàu cũng khuyên thế hệ nghệ sĩ trẻ cần phải cẩn trọng hơn về hành vi, lời nói, cân nhắc kỹ lưỡng về các mối quan hệ trong đời sống cá nhân để sống đúng với đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Ông thẳng thắn cho biết: “Khán giả không chỉ nhìn vào nghệ sĩ ở cuộc đời sân khấu, mà còn ở đời tư nữa. Khán giả có thể vỗ tay sau một màn trình diễn, nhưng để họ yêu thích thì nghệ sĩ phải có cách sống đẹp. Tất nhiên, nghệ sĩ cũng có đời sống thực như mọi người bình thường khác. Nhưng phải hiểu rằng “bình thường” ở đây không có nghĩa là “ai làm sao tôi cũng vậy”. Sống chuẩn mực cũng không có nghĩa là điều gì to lớn, ghê gớm quá, mà chỉ đơn giản là phù hợp với đạo đức, xã hội. Cũng đừng cảm thấy đây là áp lực. Khi mình sống tốt hơn thì làm sao lại là áp lực? Ngay cả người bình thường cũng luôn muốn sống tốt hơn, đàng hoàng hơn đấy thôi”.
Ca sĩ Jack (Ảnh: Facebook nhân vật).
“Việc này lẽ ra nên làm từ lâu”
Tương tự với quan điểm của NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hạnh Thúy – Ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh TPHCM – cũng ủng hộ quy định hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với các người nổi tiếng vi phạm pháp luật, có hành vi trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt với xã hội.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, NSƯT Hạnh Thúy nói: “Biện pháp cấm sóng, hạn chế phát sóng theo tôi là đúng. Nghệ sĩ rốt cuộc cũng là công dân, phải chấp nhận quy định của pháp luật và các quy chuẩn xã hội. Như bất cứ mọi công dân nào, khi bạn vi phạm pháp luật thì việc bị pháp luật xử lý là điều đương nhiên bởi bạn phải có trách nhiệm với hành vi mình đã làm”.
Bên cạnh đó, Hạnh Thúy cho rằng nghệ sĩ đặc biệt cần phải chú ý lời ăn tiếng nói, cách cư xử vì họ có tác động lớn đến công chúng, xã hội. “Nghệ sĩ không chỉ là công dân, mà còn là người nổi tiếng. Họ có thể tác động lớn đến xã hội, cả tích cực lẫn tiêu cực. Như NSND Kim Cương, NSND Bảy Nam từng nói một người thầy hư sẽ khiến học trò hư, còn một nghệ sĩ hư sẽ có thể làm hư cả thế hệ. Nghệ sĩ hay được hưởng một số lợi thế nhờ tầm ảnh hưởng, thì khi bạn sai bạn đương nhiên phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, việc đưa ra những biện pháp nghiêm khắc giúp nghệ sĩ ý thức hơn lẽ ra nên làm từ lâu rồi”, nữ đạo diễn Vong nhi nói.
Tuy nhiên, NSƯT Hạnh Thúy cũng lưu ý thêm rằng khi đưa ra biện pháp hạn chế, cấm sóng người nổi tiếng vì ồn ào đời tư thì cần có cái nhìn đa chiều, công bằng: “Cái nào thực sự do lỗi nghệ sĩ, cái nào do dư luận tạo sóng, cần phải phân biệt được để tránh những tình huống oan uổng”.
Về ý kiến cho rằng khái niệm “thuần phong mỹ tục” còn trừu tượng, khó phân định được đúng sai khi xử phạt, NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ: “Đây cũng là khái niệm khá mơ hồ với tôi. Thí dụ chuyện ăn mặc thoáng mát một chút, với giới trẻ năng động thì cho là bình thường, nhưng với người già như tôi thì nhìn vào cũng không thích lắm. Hoặc ở Hollywood, việc ca sĩ diện bikini nhảy nhót, lăn lộn biểu diễn đã có từ mấy chục năm nay nhưng không ai nói gì. Nhưng nếu là Việt Nam mà làm như vậy thì sẽ lớn chuyện ngay. Nên khái niệm thuần phong mỹ tục cũng khá khó phân định, cần quy chuẩn lại cụ thể để nghệ sĩ dựa vào đó kiểm soát, giới hạn hành động. Tất nhiên, những trường hợp quá rõ ràng thì đương nhiên là không thể chấp nhận. Chính bản thân nghệ sĩ cũng phải tự ý thức, tự hiểu mình đang sống trong văn hóa Á đông và có những ranh giới không thể vượt qua”.
Trên mạng xã hội, đông đảo khán giả đồng tình với biện pháp cấm sóng, hạn chế hoạt động với nghệ sĩ phạm pháp. Thời gian vừa qua, tình trạng một số người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, phát ngôn không phù hợp… gây bức xúc cho dư luận. Như trường hợp của Hữu Tín – diễn viên bị bắt vào tháng 6/2022 vì sử dụng trái phép ma túy. Tại cơ quan điều tra, Hữu Tín khai nhận đã nghiện ma túy gần 3 năm nay. Trung bình 2 tháng, anh sử dụng ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc một lần. Mới đây nhất, TAND quận 8 (TPHCM) vừa ấn định lịch xét xử đối với Hữu Tín về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” vào ngày 28/4 tới. Hoặc như trường hợp của ca sĩ Hiền Hồ – nhân vật trở thành tâm điểm tranh cãi vì vướng lùm xùm với người đã lập gia đình. Nữ ca sĩ từng xin lỗi khán giả và tạm ngưng hoạt động 6 tháng, nhưng đến tháng 9/2022 đã bắt đầu ca hát trở lại. Dù vậy, giọng ca 9X vẫn nhận làn sóng tẩy chay mạnh mẽ của công chúng. Nhiều đêm nhạc có tên Hiền Hồ trong danh sách ban đầu đã phải loại bỏ sự xuất hiện của cô sau khi khán giả phản ứng. Cũng có ý kiến cho rằng “cánh cửa trở lại” của nghệ sĩ Việt sau scandal thường khá dễ dàng. Minh Béo – người từng đi tù vì tội ấu dâm tại Mỹ – vẫn có thể đoạt Huy chương Bạc ở một liên hoan sân khấu kịch nói cuối năm 2021. Hoặc như trường hợp của Jack – ca sĩ vướng ồn ào đời tư tình cảm – vẫn dễ dàng trở lại hoạt động và được fanclub ủng hộ nhiệt tình mỗi lần phát hành dự án âm nhạc mới. Vào cuối năm 2021, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch từng ban hành “Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ” trong đó yêu cầu mỗi nghệ sĩ tuân thủ pháp luật, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi đổi mới. |
Theo Dân Trí