Tại lễ công bố, tỉnh Thái Nguyên cũng tổ chức lễ ký kết hợp tác đầu tư của 10 doanh nghiệp với UBND tỉnh Thái Nguyên trong các lĩnh vực điện, hạ tầng, viễn thông, du lịch với tổng số vốn cam kết đầu tư trên 45.000 tỷ đồng.
Theo Quyết định của Thủ tướng số 2228 năm 2016, diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Hồ Núi Cốc có diện tích 1.200 ha, không bao gồm diện tích mặt nước.
Phát biểu tại Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng ta luôn xác định du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Sự kiện công bố Quy hoạch KDLQG Hồ Núi Cốc càng có ý nghĩa hơn khi năm 2016, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt con số kỷ lục trên 10 triệu khách và Bộ Chính trị đã họp và quyết định ban hành Nghị quyết đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Phó Thủ tướng, nói đến Thái Nguyên là nói đến văn hóa Trà, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 của cả nước sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thắng cảnh hồ Núi Cốc, di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc.
Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch về nguồn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Thái Nguyên bám sát quan điểm, định hướng và mục tiêu đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quy hoạch để khẩn trương thực hiện.
Mục tiêu phát triển du lịch nhưng phải hết sức coi trọng việc bảo tồn, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái lòng hồ và khu vực hồ Núi Cốc. Đây là hồ đa mục tiêu, không chỉ để phát triển du lịch mà còn tạo hệ sinh thái, là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo cấp nước, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và phòng chống lũ của tỉnh Thái Nguyên.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, quy hoạch này có tầm nhìn 10 – 15 năm, đồng thời với việc tổ chức quy hoạch, tỉnh phải coi trọng quản lý chặt chẽ quy hoạch này, theo dõi để bổ sung điều chỉnh khi cần thiết, nhất là trong điều kiện công tác quản lý quy hoạch nói chung không ít nơi còn lơi lỏng. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai tốt và quản lý tốt quy hoạch.
Bên cạnh việc đề nghị tỉnh coi trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án thuộc Quy hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh chú ý phát triển du lịch cộng đồng, coi người dân là chủ thể để phát triển du lịch.
Thái Nguyên cũng cần bám sát định hướng này để phát triển khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc không chỉ đạt tầm cỡ về hạ tầng mà còn tiêu biểu cho môi trường phát triển du lịch, đặc biệt là phải có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp, khác biệt và thấm đẫm văn hóa trà, văn hóa của các dân tộc Việt Bắc và trung du miền núi phía Bắc nói chung.
Được biết, Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500ha (25km2) trải dài trên địa bàn 7 xã và cách trung tâm TP Thái Nguyên 15 km. Hồ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có gần 90 hòn đảo, khí hậu trong lành thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng. Đặc biệt Hồ Núi Cốc có hệ sinh thái dưới nước rất phong phú như các loài cá, các loài phù du động vật, các loài phù du thực vật có khả năng phát triển loại hình du lịch nghiên cứu, khám phá.
Quy hoạch đặt ra tổng thu từ khách du lịch đạt 860 tỷ đồng vào năm 2025 và tới 2030 là khoảng 2.000 tỷ đồng. |
Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế lưu trú là 10.000 lượt. Tới năm 2030 Khu du lịch sẽ đón 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế lưu trú là 20.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 860 tỷ đồng vào năm 2025 và tới 2030 là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, Khu du lịch này sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động, trong đó có khoảng 600 lao động trực tiếp và tới năm 2030 sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp./.
Theo: Tổ quốc