Tối 24-12, chương trình Cảm ơn cuộc đời 2017 phát trên VTV đã có nhiều câu chuyện xúc động, làm rơi nước mắt người xem.
Bé Yên Khê cùng bà ngoại – người đã nhận nuôi em khi em được cứu sống từ giếng cạn
Cảm ơn cuộc đời 2017 do Ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp thực hiện trong năm qua, nhằm truyền đi thông điệp nhân văn, tích cực về cuộc sống.
Đó là những thước phim đẫm nước mắt về cuộc đời cô bé Nguyễn Võ Yên Khê ở làng Mun, xã IaLy, huyện Chư Pah (Gia Lai) khiến người xem không khỏi nghẹn ngào.
Năm 2015, khi vừa mới lọt lòng, em đã bị mẹ bỏ rơi trong dưới giếng cạn. Mẹ em là một phụ nữ dân tộc thiểu số, hoảng sợ vì sinh con ra khi chưa có chồng, cô đã khước từ quyền làm mẹ của mình.
Dưới giếng nó vẫn khoẻ mạnh, vẫn khóc, vẫn kêu, vẫn la. Có tiếng hô lên bảo đó là con người chứ không phải con thú. Cứu được cháu bé lên khỏi giếng cạn, tôi lấy xe máy chở cháu ra trạm xá. Tôi pha cho cháu ít sữa thì ối giời, con bé nó đưa cả hai tay ra giữ hộp sữa đưa vào mồm. Lúc đấy tôi cũng không biết làm sao, nhìn thấy con bé muốn rơi nước mắt.
Anh Rơ Châm Huân, phó trưởng công an thị trấn IaLy kể lại giây phút cả buôn làng đốt đuốc đi cứu bé.
Xem xong phóng sự về quá trình cứu sống Yên Khê, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp không kìm được xúc động:
Cám ơn những con người cụ thể nơi buôn làng ấy đã cứu sống một sinh linh. Xem phóng sự tôi thấy gai người, chỉ biết nói tạ ơn vì mọi người đã mang đến cho đời một em bé Yên Khê. Đến giờ, tôi luôn nghĩ là Yên Khê sẽ bình an không chỉ vì em có cái tên đẹp, bình yên mà vì em được sinh ra một cách lạ thường, được cứu sống và tồn tại một cách lạ thường. Ở nơi mà một bà cụ ngoài 70 tuổi vẫn sẵn lòng cứu mang cháu bé, một người phụ nữ bế con nói rằng đã sinh con ra thì phải nuôi chứ… thì tôi tin em sẽ bình an.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Người dân Nam Trà My phải gánh chịu nhiều tang thương cho thiên tai
Nếu câu chuyện bé Yên Khê làm nhiều khán giả rơi nước mắt thì câu chuyện tình người trong vụ sạt lở đất tai Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam như thêm một lần nữa khẳng định niềm hi vọng vào những giá trị nhân văn của cuộc sống quanh ta.
Vợ chồng anh Ngọ có đứa con gái đầu 3 tuổi. Nhà neo người, vợ chồng anh mới sinh thêm bé gái mới được 3 tháng tuổi.
Hôm ấy, đất đá đổ lăn xuống đúng vào nhà anh Ngọ, 4 con người nhỏ bé chạy không kịp với sức đổ ào ào của núi, bị vùi lấp lại. Vợ anh cùng cô con gái đầu lòng đã không qua khỏi bàn tay hung bạo của thiên nhiên.
Một dự án thiện nguyện tìm bố mẹ nuôi cho những đứa trẻ khốn khó ở Nam Trà My được bắt đầu. Cô con gái của anh Ngọ được anh Đỗ Mạnh Cường ở Hà Nội nhận làm con gái nuôi và chăm sóc bé.
Tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ đã giúp Quốc Hùng (giữa) chiến thắng căn bệnh bại não để trở thành nhạc sĩ
Cám ơn cuộc đời còn là câu chuyện xúc động về nghĩa mẹ, công cha. Nguyễn Văn Thanh Sơn khi sinh ra đã bị dị tật đường tiết liệu.
Các bác sĩ chẩn đoán em chỉ còn 5% sự sống.
“Nhưng cứ nhìn thấy đôi mắt của con là không bỏ được”, mẹ Sơn nhớ lại những giờ phút ấy. Và từ đó là những năm tháng bố mẹ Sơn cố gắng để có thêm từng phần trăm sự sống cho em.
Cuộc sống của em những năm tuổi thơ gắn liền với những “người bạn” thân thiết và duy nhất là những chiếc bô xanh, bô đỏ. Em phải ngồi bô gần như mọi lúc. Có những đêm bố em gần như thức trắng thay bỉm cho Sơn.
Giờ đây, Sơn được phẫu thuật thành công và đã trở thành một cậu bé như bao cậu bé bình thường khác, được “tạm biệt” những chiếc bô.
Tình cha mẹ còn được gửi gắm trong câu chuyện của gia đình nhạc sĩ Quốc Hùng. Tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ đã giúp Hùng chiến thắng căn bệnh bại não, trở thành nhạc sĩ.
“Em rất yêu mẹ. Em muốn dành cho mẹ những điều tốt đẹp nhất”, dù phải rất khó khăn để nói được câu ấy nhưng Hùng luôn nhắc lại trong suốt cuộc giao lưu.
Nguồn: tuoitre.vn