Đêm công diễn đầu tiên của vở cải lương “Người đi tìm minh chủ” của tác giả PGS.TS Trần Trí Trắc và Đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên đã thu hút rất đông khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương đến thưởng thức.
Dưới bàn tay đạo diễn của Triệu Trung Kiên, anh đã dựng lên một vở diễn rất sống động, giàu cảm xúc về cuộc đời trí sỹ Ngô Thì Nhậm qua nhiều biến loạn của một giai đoạn lịch sử rối ren của dân tộc thời Lê – Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn. Để từ đó khắc họa hình ảnh Ngô Thì Nhậm, một con người đã vượt lên cái tôi trung hẹp hòi để một lòng vì non sông đất nước vì dân tộc.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với NSƯT Triệu Trung Kiên về vở diễn.
Hình ảnh Ngô Thì Nhậm, một con người đã vượt lên cái tôi trung hẹp hòi để một lòng vì non sông đất nước vì dân tộc. Ảnh: Gia Linh |
Hiền tài là nguyên khí quốc gia – Thời đại nào cũng đúng
– Xin đạo diễn cho biết lý do lựa chọn hình tượng trí sĩ Ngô Thị Nhậm để dựng vở?
Lý do đầu tiên vẫn từ lựa chọn của nhà hát, tức là tìm những tác phẩm hay để dàn dựng. Lần này là tác phẩm của PGS.TS Trần Trí Trắc về nhân vật Ngô Thì Nhậm. Đây là nhân vật rất hay và khi đọc kịch bản thì thấy được những nội dung rất hấp dẫn.
Bên cạnh đó, nhà hát ưu tiên cho đề tài lịch sử bởi nhu cầu của khán giả về đề tài này rất lớn và và nhiều năm nay nhà hát cũng lựa chọn dàn dựng đề tài lịch sử. Nhìn chung các tác phẩm lịch sử khi dựng cải lương sẽ phát huy được lợi thế của loại hình nghệ thuật này bởi đề tài này phù hợp với thủ pháp nghệ thuật của sân khấu truyền thống đó là sử dụng ngôn ngữ ước lệ tả ý. Một thế giới xưa và huyền thoại được hiện lên thông qua ngôn ngữ nghệ thuật thì dễ truyền tải hơn so với các câu chuyện quá hiện thực làm cho tác phẩm duy lý nhiều hơn, trong khi loại hình nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật cải lương lại thiên về sân khấu duy cảm.
– Khi dựng vở về nhân vật lịch sử Ngô Thì Nhậm anh gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
Thuận lợi lớn là kịch bản của PGS.TS Trần Trí Trắc đã rất sâu sắc, đây là tâm huyết của tác giả vài năm nay. Thuận lợi nữa là khoa học lịch sử hiện đại đã góp phần làm sáng tỏ nên thân thế, sự nghiệp của ông Ngô Thì Nhậm, trong khi về mặt sử cũ vẫn đang có nhiều đánh giá khác nhau. Khoa học lịch sử mới đã nhìn ông rất rõ ràng, mạch lạc, đem lại công bằng cho ông, không để ông phải chịu những oan khuất trong lịch sử.
Bên cạnh đó, cũng đã nhiều vở diễn đề cập đến nhân vật Ngô Thì Nhậm. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng đồng thời là khó khăn với chúng tôi. Vì vậy, mình phải có cách lý giải thuyết phục và ngôn ngữ nghệ thuật hấp dẫn để khán giả đón nhận.
Ngô Thì Nhậm sống trong giai đoạn lịch sử rối ren. Ảnh: Gia Linh |
– Đêm công diễn đầu tiên, vở diễn đã được khán giả đánh giá rất cao. Phải chăng bởi nội dung trong vở diễn vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay?
Vở diễn có nhiều vấn đề mà tác giả gửi gắm tâm tư, ở đó, nổi bật lên là hình tượng những người tài trong xã hội, người tài giữa những giai đoạn lịch sử đầy biến động. Họ sống và cống hiến như thế nào? Và số phận của người tài trong những giai đoạn lịch sử đó như thế nào?
Đó cũng là câu chuyện đặt ra đối với người tài trong xã hội ngày hôm nay. Người tài thực sự mới là nguyên khí quốc gia và có đóng góp cho sự tồn vong của quốc gia và dân tộc. Còn những kẻ cơ hội, xảo trá, đến với một vị thế nào đó trong xã hội thông qua sự lọc lừa của mình sẽ làm cho gốc rễ xã hội không còn bền chắc, làm lung lay từ gốc cội của một xã hội, một dân tộc.
Chính vì vậy trong vở diễn, vấn đề người tài được đặt ra một cách trực diện và phân tích một cách tỉ mỉ để khẳng định người tài là nguyên khí quốc gia, bất kỳ thời kỳ lịch sử nào cũng cần người tài để phụng sự cho đất nước.
Mỗi tác phẩm cần tìm được “chìa khóa” riêng. Ảnh: Gia Linh |
Mỗi tác phẩm phải đi tìm “chìa khóa” riêng để hấp dẫn công chúng
– Sau thành công lớn của tác phẩm “Thầy Ba Đợi”, anh có thấy áp lực khi tiếp tục dàn dựng vở diễn “Người đi tìm minh chủ” bởi sự kỳ vọng ngày càng cao từ phía công chúng?
Theo tôi, mỗi tác phẩm đều có nhiệm vụ riêng. Áp lực duy nhất là quá trình sáng tạo của mình có đem lại hiệu quả cho vở diễn hay không, và vở diễn có tạo được ấn tượng cho người xem hay không? Đó chính là áp lực mà vở nào cũng có. Kịch bản về Ngô Thì Nhậm cũng là kịch bản khó, không phải là kịch bản dễ và ta phải xử lý thế nào, sáng tạo thế nào để cho tác phẩm khi công diễn đem lại những cảm nhận, những cảm xúc tốt đẹp cho người xem.
Hình ảnh Ngô Thì Nhậm được khắc họa rõ nét trong vở diễn. Ảnh: Gia Linh |
– Xin anh chia sẻ ý kiến để tiếp tục đổi mới sân khấu nghệ thuật cải lương ?
Trước mắt là từng vở cải lương phải hay, phải tốt phải thu hút được khán giả, phải đem lại sự thú vị, lôi cuốn đối với khán giả. Nếu ta cứ làm đi làm lại mà không đem lại cảm nhận mới cho khán giả thì sẽ không thể lôi cuốn. Mỗi một tác phẩm, đặc biệt với cải lương thì ít nhiều phải có sự đổi mới và thử nghiệm.
Chẳng hạn từ tác phẩm trước đến tác phẩm sau đã phải có những đổi mới nhất định, không được để có sự trùng lặp hoặc lặp lại những sáng tạo hoặc làm khán giả nhàm chán vì nó “na ná” một tác phẩm nào đó. Như vậy, mỗi tác phẩm phải đi tìm một chìa khóa riêng, tìm một cách thức truyền tải riêng.
Như đối với vở “Người đi tìm minh chủ” thì thông qua sự dàn dựng trên sân khấu, thông qua các cách thức truyền tải nội dung, đã đem đến cho khán giả sự thú vị riêng và không trùng lặp với các tác phẩm trước đó. Bằng quan sát trong đêm công diễn đầu tiên, ta thấy là khán giả đến rất đông và thành công lớn nhất là khán giả đã ngồi lại đến cuối cùng. Khi được hỏi thấy khán giả hài lòng và thích thú với vở diễn. Như vậy là tác phẩm đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tác phẩm nào nó cũng có những khiếm khuyết, hoặc chưa được hoàn mỹ và cần thời gian để hoàn thiện.
– Sau “Thầy Ba Đợi” anh có dự định gì về một sự kết hợp của nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc trong tương lai?
Chúng tôi cũng đang có kế hoạch tiếp theo, trong tương lai gần cũng tiếp tục có những tác phẩm có sự đóng góp của nghệ sĩ hai miền. Cũng xin bật mí sớm, tới đây cũng sẽ có tác phẩm mang tính thể nghiệm qua sự kết hợp giữa cải lương và các loại hình nghệ thuật kinh điển của thế giới, như balet, nhạc giao hưởng cùng hội tụ trong một sân khấu. Tác phẩm này sẽ là kế hoạch của năm 2019 – 2020.
Chân thành cảm ơn chia sẻ của anh./.
Theo cinet.vn