iPhone Xs nhái được giới thiệu giống iPhone thật đến 99% với giá dưới 3 triệu đồng và nếu không phải là dân kỹ thuật, bạn sẽ không thể phân biệt được.
Ngày 12/9, Apple chính thức giới thiệu series iPhone mới nhất 2018 là iPhone Xs, Xs Max và Xr. Thế nhưng, ngay từ đầu tháng 9, những chiếc iPhone nhái mới nhất này đã xuất hiện. Tập hợp thông tin rò rỉ của iPhone series mới nhất cùng với nền tảng iPhone X nên ở phương diện hình thức, iPhone nhái vẫn chưa thật sự hoàn thiện dù quá trình copy càng về sau càng tinh vi hơn.
Người dùng bình thường nếu chú ý kỹ những chi tiết sau thì cũng có thể phân biệt được đâu là hàng nhái, đâu là hàng thật.
Viền màn hình
Viền màn hình hàng nhái dày hơn hàng thật. Bên trái là hàng thật, phải là hàng nhái |
Điểm nhận biết đầu tiên là độ dày viền màn hình. Viền màn hình mỏng đều ở mọi hướng là công nghệ của Apple rất khó copy và đây là đặc điểm dễ nhận dạng nhất mà các hãng chuyên sản xuất hàng nhái không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Theo đó, iPhone nhái có viền màn hình dày, đặc biệt là ở phần dưới màn hình. Dù hàng copy có cố gắng rất nhiều nhưng không thể nào làm được viền màn hình mỏng như iPhone chính hãng.
Dải nhựa và lỗ thoát âm
Một dấu hiệu nữa dễ dàng để nhận biết ra ngay là iPhone mới có thêm một dải nhựa phía dưới máy và phần bên trái sẽ có ít lỗ thoát âm hơn phần bên phải. iPhone nhái vẫn còn thừa hưởng thiết kế iPhone X, tức là không có dải nhựa này và các lỗ thoát âm ở bên trái, bên phải cạnh dưới máy có số lượng bằng nhau. Mặt sau, phía bên dưới của iPhone nhái chỉ có dòng chữ iPhone còn hàng thật có thêm hai dòng Design by Apple in California và Assembled in China dưới chữ iPhone.
Hình trên là iPhone xịn, dưới là iPhone nhái |
App Store giả
Một số người dùng thường mở ứng dụng App Store để kiểm tra xem đó có phải là App Store thật hay không. Nếu là Android phone có giao diện iOS, khi nhấn vào icon App Store sẽ được đưa đến CH Play, kho ứng dụng của Google chứ không thể truy cập vào App Store cũng như không có giao diện của App Store. Như vậy đích thị là iPhone nhái.
Song, iPhone nhái “cao cấp” còn có luôn cả App Store giả với giao diện y hệt App Store chính chủ nên dễ gây nhầm lẫn nếu không chú ý. Dù vậy, App Store giả không yêu cầu đăng nhập tài khoản và cũng chỉ có lèo tèo vài ứng dụng do App Store giả truy cập vào kho ứng dụng của nhà sản xuất tự bào chế. Với số lượng ít, tốc độ download cực chậm, App Store giả chỉ dùng để làm cảnh hoặc lừa người thiếu hiểu biết.
Và với dòng lệnh *#364016#, người dùng iPhone nhái có thể bật được tùy chọn sử dụng App Store giả, tùy chọn sử dụng CH Play có icon App Store, hoặc có cả hai. Một số shop bán iPhone nhái do sợ bị cạnh tranh nên dấu nhẹm dòng lệnh này và quảng cáo mình bán hàng loại 1, có App Store giả, còn các shop khác bán hàng loại 2 không có App Store giả.
Trải nghiệm để phân biệt
iPhone nhái có thể đánh lừa được người thường qua vẻ bề ngoài có nét giống đến gần 99% nhưng không thể copy được linh hồn của iPhone thật. Khởi động chậm, mở ứng dụng chậm, phản hồi cử chỉ chậm, quay video xấu, chụp ảnh sai màu (cụ thể là màu tím chụp thành màu xanh) vì camera kép giả, chỉ có một camera.
Mặt lưng iPhone nhái (bên phải) không có đầy đủ thông tin như iPhone thật (bên trái) |
Độ sáng màn hình, độ phân giải màn hình kém là bằng chứng của iPhone nhái. Đơn giản vì màn hình của iPhone thật có giá trị rất cao nên hàng copy không thể nào bắt chước được. Thậm chí kể cả dòng smartphone cao cấp của Android hiện nay cũng chưa có được màn hình viền mỏng đặc biệt như của iPhone.
iPhone nhái đến từ đâu?
Hẳn qua những phân biệt này, người dùng sẽ đặt câu hỏi, những chiếc iPhone nhái này đến từ đâu? Đánh vào tâm lý muốn dùng hàng hiệu song không đủ tiền của một số người dùng, một số hãng sản xuất điện thoại từ Đài Loan, Hong Kong luôn ra mắt các sản phẩm copy hay còn gọi hàng nhái giống y như các dòng sản phẩm “hot” trên thị trường như iPhone của Apple hay Galaxy, Note của Samsung.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm hiện nay, iPhone Xr, Xs, Xs Max nhái xuất hiện nhiều nhất trên thị trường là sản phẩm có tên Goophone, hãng chuyên làm nhái, copy các dòng điện thoại nổi tiếng và được bán với giá từ 100 USD tùy theo số lượng. Theo lời giới thiệu của Goophone trên trang web của họ thì nhà máy Goophone ở Shenzhen (Thâm Quyến, Trung Quốc). Sang thị trường Việt, iPhone nhái của Goophone được một số cửa hàng phân phối gọi là iPhone Đài Loan.
Trong khi đó, một số cửa hàng khác còn “bê nguyên xi” thông tin cấu hình iPhone thật như chip A11, camera kép để làm thông tin cho sản phẩm iPhone nhái. Cộng với lời giới thiệu hoa mỹ và video clip review hoành tráng, người xem dễ ngộ nhận sản phẩm nhái này giống hàng thật đến mức không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Thật ra cái gì cũng có cái giá của nó. Nếu hàng nhái mà giống hệt hàng thật thì dại gì người dùng phải bỏ số tiền lớn để mua hàng thật?
Nguồn: vietnamnet