Ngày hôm nay, Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) nói về cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0 thì giờ này năm ngoái tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khởi động dự án Vinfast với nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0. Điều này phần nào minh chứng cho tầm nhìn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Sự vận động của xã hội và tinh thần khởi nghiệp của ông luôn bắt kịp dòng chảy đó.
VinFast là dự án kinh doanh mới nhất của ông Phạm Nhật Vượng, một doanh nhân Việt Nam trong vòng 25 năm đã biến khoản vay gần 40.000 USD thành đế chế kinh doanh trị giá hơn 10 tỷ USD là minh chứng cho tinh thần khởi nghiệp “bất diệt” của vị tỷ phú này.
Phép thử Vinfast
Chỉ hơn 1 năm sau khi khởi công nhà máy VinFast, hình ảnh chi tiết ngoại nội thất về những chiếc xe hơi đầu tiên của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã được chia sẻ và bàn luận khắp các diễn đàn. Nếu không có gì thay đổi, hai mẫu SUV và Sedan đầu tiên sẽ được bán vào quý II.2019 tức là chỉ 2 năm sau khi nhà máy chính thức khởi công. Điều này thật sự đáng kinh ngạc bởi ngay cả những nhà sản xuất ôtô thành công cũng phải mất 4 – 6 năm để đi từ bước thiết kế mẫu mã đến sản xuất một dây chuyền mới.
Vinfast SUV (nguồn CNBC)
Giá cả chưa được công bố nhưng hình ảnh xe có nhiều nét giống với các mẫu xe của BMW. Về chất lượng, dù chưa được thử nghiệm và kiểm chứng, nhưng được kỳ vọng khá tốt nhờ vào những đối tác danh tiếng như: Bosch, Magna Steyr, ABB và Siemens.
Giấc mơ ô tô “Made in Vietnam” đang dần thành hiện thực và đây cũng là bước khởi đầu trong lĩnh vực sản xuất cũng như công nghệ của ông Phạm Nhật Vượng.
Kế hoạch ban đầu là những mẫu xe VinFast sẽ được phân phối tại thị trường Việt Nam. Với GDP tăng trưởng 6 – 7% hàng năm, doanh thu bán xe ôtô tại Việt Nam dự kiến tăng nhanh trong những năm tới. Dù vậy, với trung tâm sản xuất khổng lồ của VinFast, họ có thể đáp ứng gấp đôi kích thước thị trường nội địa hiện tại và tiến tới xuất khẩu, trước hết là tới các quốc gia Đông Nam Á.
Nhà máy Vinfast Hải Phòng
Nếu như ngày này năm ngoái, khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi công Dự án nhà máy Vinfast ở Hải Phòng, đâu đó còn có những ý kiến quan ngại thì ngày hôm nay, những gì ông đang làm đã phần nào có câu trả lời. Ngày hôm na, thế giới đang quy tụ ở Hà Nội để bàn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì ngày này năm ngoái, chủ tịch Vingroup đã khởi động dự án trên nền ứng dụng công nghiệp 4.0.
Giáo sư Klaus Schwab – người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và được xem là một cơ hội đặc biệt cho nhiều quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân. Đây là cuộc cách mạng chưa có tiền lệ và có thể làm thay đổi các quốc gia trên thế giới. Mỗi người có thể thành một Google trong tương lai, nó mang đến cơ hội đặc biệt độc đáo cho mọi người.
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng được cho là đang đứng trước một cơ hội đột phá. Quyết định dồn sức vào mảng công nghệ cho dù nền tảng kinh nghiệm gần như bằng 0 được xem là một lựa chọn đúng đắn khi mảng bất động sản không phải mãi sinh lời lớn và sẽ thực sự chậm chạm nếu nhìn vào những chuyển động mới chỉ ban đầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Dấn thân vào công nghệ là con đường ngắn nhất để tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phát triển đột phá. Không chỉ sản xuất ô tô, kế hoạch của Vingroup còn có sản xuất các sản phẩm điện thông minh – gia dụng như điện thoại thông minh, tivi thế hệ mới,… Bên cạnh đó là thung lũng Silicon và quỹ đầu tư mạo hiểm 300 triệu USD cho lĩnh vực công nghệ.
Giàu có nhưng vẫn không ngừng khởi nghiệp
Tính đến thời điểm hiện tại, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lên tới 182.788 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD), nếu quy đổi thì được 216 tấn vàng, bằng 1/7 số tiền 60 tỷ USD mà Chính phủ đang muốn huy động trong dân. Nếu để ý, thì tài sản của tỷ phú USD này bằng gần 1/25 GDP của cả nước. Nhìn ra thế giới, tài sản của ông Vượng cũng lớn hơn GDP của trên 50 nước trên thế giới.
Trong tháng 4 vừa qua, ông chủ Vingroup xếp vị trí thứ 238 trong danh sách tỷ phú USD thế giới, và là đại gia giàu có nhất Việt Nam, bỏ xa nữ tỷ phú xếp thứ 2 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, với 3,7 tỷ USD tài sản ròng. Tại Đông Nam Á, ông Phạm Nhật Vượng đã xếp thứ 12 trong tổng số 110 tỷ phú USD có tên trong danh sách cập nhật của Forbes.
Bảng xếp hạng Forbes
Ông Vượng chính là tỷ phú có tốc độ giá tăng tài sản ròng nhanh nhất trong số 110 tỷ phú USD Đông Nam Á tính từ đầu năm 2018, với đà tăng hơn 2,7 tỷ USD.
Với khối tài sản trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vượt qua nhiều nhiều doanh nhân tên tuổi thế giới như ông “vua kính mắt” châu Âu Guenther Fielmann, CEO Tập đoàn Cargill – Whitney MacMillan, tỷ phú Ấn Độ Kushal Pal Singh, Chủ tịch Tập đoàn SodexoPierre Bellon, tỷ phú ngành bán lẻ Mexico Ricardo Salinas Pliego…
Thống kê như vậy để thấy mức độ giàu có của một tỷ phú sinh ra và lớn lên trên đất Việt. Tiền là thứ khiến người ta khao khát, nhưng khi có quá nhiều cũng trở nên tầm thường, khi đó họ mục đích của họ không còn là tiền mà muốn khắc tên mình trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Như Steve Jobs, doanh nhân lỗi lạc từng nói rằng ông không muốn làm người giàu nhất ở nghĩa trang, điều quan trọng là trước khi ngủ biết mình làm được một điều tuyệt vời. Cuối cùng ông đã tạo dựng lên đế chế Apple – góp phần thay đổi thế giới.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chỉ là một đại gia, một doanh nhân lớn – một doanh nhân yêu nước. Ông không vui những thú vui tầm thường như siêu xe, máy bay, biệt phủ… mà dành tâm huyết, nhiệt huyết để thay đổi đất nước, như khát vọng mà tỷ phú này đã từng chia sẻ “Tôi mơ ước biến đường phố Hà Nội đẹp như Singapore, Hong Kong. Nếu có thể thực hiện, thì kể cả có mất tiền tỷ, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn để lại thứ gì đó cho thế hệ sau. Còn tiền thì dù sao cũng chẳng thể mang theo khi đã chết”.
Đầu năm 2018, vị tỷ phú kín tiếng này tiếp tục gây sóng gió khi nói: “Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”. Lý tưởng đó cùng với dòng máu Việt chảy trong người thôi thúc ông liên tục làm, làm và làm…
Tòa nhà Landmark 81 của Vingroup
Tạm quên đi những thành công để bước tiếp; biết gác lại niềm vui của một mùa vàng bội thu để lại “cuốc bẫm, cày sâu”, chuẩn bị cho những mùa vụ mới. Bằng cách ấy, vị tỷ phú giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay vẫn giữ được nhiệt huyết của tinh thần khởi nghiệp!
Trong một cuốn sách mang tên “Quốc gia khởi nghiệp – Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel”, Saul Singer và Dan Senor có viết một câu rất hay rằng: “Quốc gia khởi nghiệp luôn cần những doanh nghiệp, doanh nhân giữ mãi tinh thần khởi nghiệp”.
Xã hội luôn vận động và một doanh nghiệp, muốn phát triển và vững mạnh cần luôn vận động. Đó là lý do mà Vingroup luôn có tinh thần khởi nghiệp, bởi chỉ có vận động thì mới bắt kịp được dòng chảy của xã hội. Và có như vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới có thể giữ vững vị trí người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán.
Theo Dân việt