Trước ông Donald Trump, chưa có ứng viên tổng thống nào trong lịch sử Mỹ hiện đại, kể cả các lãnh đạo Nhà Trắng một nhiệm kỳ từ chối thừa nhận thất bại sau khi đối thủ được công bố là người thắng cử.
Khi ông Trump ngày 7/11 tuyên bố sẽ không chấp nhận chiến thắng của đối thủ Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và sẽ nhờ tòa án phân xử, trên mạng xã hội lập tức lan truyền ảnh chụp bức thư viết tay của Tổng thống sắp mãn nhiệm George H.W. Bush (Bush cha) gửi Tổng thống mới đắc cử Bill Clinton vào ngày 20/1/1993.
|
Bức thư tay George H.W. Bush (Bush cha) gửi người kế nhiệm Bill Clinton ngày 20/1/1993. |
Bức thư xúc động Bush cha gửi Bill Clinton
Ông Bush, đương kim lãnh đạo Nhà Trắng vào thời điểm năm 1992 rốt cuộc đã thua vị thống đốc Dân chủ của bang Arkansas trong nỗ lực giành thêm nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Sau cuộc ganh đua quyết liệt, ông Bush đã gửi một bức thư chân thành tới ông Clinton trong ngày tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm. Vị chính khách Cộng hòa này không chỉ đưa ra lời khuyên mà còn bày tỏ sự ủng hộ khi đối thủ chuyển vào Nhà Trắng.
“Bill thân mến, khi tôi bước vào văn phòng này ngay lúc này, tôi đã cảm thấy vẹn nguyên cảm giác kinh ngạc và kính trọng như từng có cách đây 4 năm. Tôi biết anh cũng sẽ cảm thấy điều đó. Tôi chúc anh có được hạnh phúc tuyệt vời ở đây. Tôi chưa bao giờ cảm thấy sự cô đơn như một số tổng thống từng mô tả”, trích đoạn đầu bức thư.
“Sẽ có những thời điểm rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn vì những lời chỉ trích mà anh có thể nghĩ là không công bằng. Tôi không phải là người giỏi đưa ra lời khuyên nhưng đừng để những người chỉ trích khiến anh nản lòng hoặc đẩy anh đi chệch hướng. Thành công của anh hiện giờ là thành công của đất nước chúng ta. Tôi sẽ tận tình giúp đỡ anh. Chúc may mắn – George”, ông Bush viết.
Tổng thống sắp mãn nhiệm George H.W. Bush (Bush cha) bắt tay Tổng thống mới đắc cử Bill Clinton khi cả hai cùng dạo quanh Nhà Trắng hậu bầu cử vào ngày 1/11/1992. |
Ông Bush và ông Clinton sau đó trở thành những người bạn lớn của nhau. Vài tuần trước khi người tiền nhiệm qua đời vào ngày 30/11/2018, ông Clinton đã đọc bức thư nói trên cho Mark Updegrove, sử gia về các tổng thống nghe.
“Tôi yêu thích bức thư đó. Tôi từng nghĩ George Bush hoài cổ nhưng tôi cũng cho rằng ông ấy đang cố gắng là một công dân ở nghĩa cao cả nhất của từ nay. Việc đó khiến cá nhân tôi cảm thấy xúc động sâu sắc”, ông Clinton chia sẻ với hãng thông tấn ABC.
Bức thư được gửi đi sau khi ông Bush có một bài phát biểu công nhận thất bại, bày tỏ sự hòa giải và hy vọng vào ngày 4/11/1992, một ngày sau khi các báo đài lớn tuyên bố ông Clinton là người thắng cử.
“Đây là cách chúng ta nhìn thấy và đất nước này nên chứng kiến, rằng người dân đã lên tiếng và chúng tôi tôn trọng sự uy nghiêm của hệ thống dân chủ”, ông Bush mở đầu phát biểu, cam kết sẽ bắt tay với chính quyền sắp nhậm chức vì một “quá trình chuyển giao suôn sẻ” và kêu gọi những người ủng hộ ông “hậu thuẫn cho tổng thống mới của chúng ta”.
Nguy cơ phá vỡ thông lệ
Ông Trump dự kiến sẽ gia nhập một nhóm nhỏ các tổng thống Mỹ đương nhiệm bị thua trong nỗ lực tái tranh cử, bao gồm cả Bush cha. Ngoại trừ các tổng thống chỉ tranh cử một nhiệm kỳ hoặc ra tranh cử sau khi được bổ nhiệm vào ghế lãnh đạo chính phủ thay cho vị tổng thống không thể tiếp tục trọng trách vì bệnh tật, qua đời hoặc bị ám sát, lịch sử Mỹ mới chỉ ghi nhận 9 tổng thống một nhiệm kỳ thất bại trong nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng lần 2.
Theo sử gia Leah Wright Rigueur, giáo sư thuộc Trường Quản lý Kennedy, Đại học Havard, đối với những tổng thống có thể nhanh chóng chấp nhận việc chiến thắng của đối thủ mà không hằn thù hoặc đả kích, “điều quan trọng là khẳng định quan điểm về nền dân chủ và những gì các quốc gia dân chủ đang làm”.
Ông Rigueur lưu ý, mặc dù việc tổng thống phát biểu công nhận thất cử không phải là truyền thống bắt buộc ở Mỹ và rất nhiều cuộc bầu cử diễn ra kịch tính đến phút chót, nhưng “hoàn toàn không có gì” trong quá khứ có thể so sánh với phản ứng của ông Trump sau ngày bỏ phiếu quốc gia.
Ứng viên Al Gore phát biểu thừa nhận thất bại ngày 13/12/2000. |
Học giả này nêu ví dụ, ngay cả sau cuộc cạnh tranh đầy cay đắng giữa George W. Bush (Bush con) và Al Gore năm 2000, sự kiện buộc Tòa án tối cao phải vào cuộc, ra lệnh kiểm phiếu lại tại bang Florida do tình trạng hỗn loạn hậu bầu cử kéo dài suốt 36 ngày, ông Gore cuối cùng đã công khai nhận thua “vì sự đoàn kết dân tộc và sức mạnh của nền dân chủ” sau khi đối thủ Cộng hòa thắng ở Florida, thâu tóm toàn bộ 29 phiếu đại cử tri của bang chiến địa này.
Adlai Stevenson, Thống đốc Dân chủ của bang Illinois là ứng viên tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ có bài phát biểu công nhận thất bại trên sóng truyền hình quốc gia sau khi thua đối thủ Cộng hòa Dwight D. Eisenhower năm 1952.
Trước khi truyền hình ra đời, Thống đốc Dân chủ Al Smith của bang New York đã có bài phát biểu đầu tiên kiểu này trên sóng phát thanh năm 1928 sau khi để mất chiến thắng về tay ứng viên tổng thống Cộng hòa Herbert Hoover.
Cựu Tổng thống Herbert Hoover (trái) bắt tay người kế nhiệm Franklin D. Roosevelt tại lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Roosevelt ở Washington ngày 4/3/1933. |
Và khi Hoover thua Franklin Delano Roosevelt trong nỗ lực tái tranh cử năm 1932, ông đã gửi một bức điện tín chúc mừng đối thủ, cầu chúc Roosevelt sẽ có “một chính quyền thành công nhất” và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ người kế nhiệm.
Kể từ sau ông Hoover, chỉ có 3 tổng thống đương nhiệm nữa thua khi tái tranh cử là Jimmy Carter (thất bại trước Ronald Reagan năm 1980), Bush cha thua Clinton năm 1992 và ông Trump thua ông Biden năm nay.
Trong bài phát biểu công nhận thất bại đẫm nước mắt ngày 5/11/1980, ông Carter nói, thất cử “gây đau đớn” nhưng ông “đánh giá cao hệ thống cho phép người dân tự do lựa chọn ai sẽ lãnh đạo họ trong 4 năm tiếp theo”.
Ông Trump ngày 7/11 cáo buộc đối thủ Biden đã “vội vã giả vờ là người chiến thắng” và cuộc đua “còn lâu mới kết thúc”. |
Với tính cách của ông Trump, giáo sư Rigueur hoài nghi khả năng chính khách này sẽ công nhận chiến thắng của đối thủ Biden. Bà vô cùng lo lắng về kịch bản tồi tệ này, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng vì bầu cử và có tới hơn 70 triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Bà hy vọng ông Trump sẽ nhanh chóng có hành động hòa giải để tránh cho đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị hậu tổng tuyển cử.
Nguồn: vietnamnet