Dự án đưa trí thức trẻ về các xã nghèo dự kiến sẽ được tổng kết trong tháng 8-2017. Đây là chương trình đã thực hiện nhiều năm trên địa bàn các huyện nghèo của nước ta. Riêng tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 4-2017 đã đưa trên 200 trí thức trẻ tình nguyện về công tác ở vùng sâu, xa. Trong số này nhiều người đã trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là một trong những cán bộ nòng cốt của xã. Một số trường hợp được điều động lên làm cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh.
Trí thức trẻ tình nguyện là chương trình do Trung ương Đoàn cùng các tỉnh đoàn triển khai và tổ chức thực hiện từ những năm 2002, 2003 nhằm tạo nguồn cán bộ cơ sở cho những nơi đặc biệt khó khăn. Ngày 30-9-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1758/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020. Năm 2013 khởi động đề án, năm 2014 tuyển chọn và bố trí 300 trí thức trẻ xuống cơ sở. 200 trí thức trẻ còn lại được tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí trong năm 2015. Những thanh niên này sau khi tuyển chọn được tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Họ đảm nhiệm các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của địa phương để giúp cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, kể từ ngày đưa trí thức trẻ về các vùng khó khăn, đến nay hiệu quả mang lại khá rõ. Tỷ lệ hộ nghèo nơi các trí thức trẻ về công tác đã giảm, nhiều vùng nông thôn có sự đổi mới, người dân từ làm nông đơn thuần đã có nguồn sinh kế thu nhập ổn định. Các tỉnh thực hiện dự án có chung nhận định: hiệu quả bước đầu việc lựa chọn cán bộ giữ chức vụ quan trọng nếu thực hiện một cách nghiêm túc thì những người được tuyển chọn sẽ phát huy tốt. Từ thực tế và kinh nghiệm của tỉnh Bình Phước cho thấy, các xã nghèo, khó khăn vẫn đang rất cần những trí thức trẻ tình nguyện về công tác. Họ là những người có kiến thức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, nhiệt tình với công việc, là nguồn động lực cho cấp ủy, chính quyền xã thực thi và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn không ít phó chủ tịch xã chưa được bố trí vị trí việc làm. Nhiều trí thức trẻ làm việc trong trạng thái lo lắng, chưa biết mình sẽ về đâu khi kết thúc dự án. Một trong những nguyên nhân mà các địa phương nêu ra là không có biên chế để tiếp nhận các phó chủ tịch xã vào hệ thống công chức của địa phương. Vì theo dự án, đây là biên chế tăng thêm chứ không nằm trong biên chế cấp xã của các huyện này. Có người cho rằng, cấp xã trước 2005 cán bộ xã chưa được coi là công chức, sau này trở thành công chức thì con em thân thuộc của địa phương phải được ưu tiên sắp xếp, họ không muốn người nơi khác đến.
Theo Bộ Nội vụ, nếu chính quyền địa phương chủ động trong quy hoạch vẫn có thể giải quyết được vấn đề này. Bởi lẽ, tại Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì số đội viên dự án này thuộc biên chế nhà nước và nằm ngoài định biên công chức cấp xã theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Hơn nữa, mục tiêu của dự án là sau 5 năm phải tiếp tục bố trí cán bộ trẻ làm việc tại cơ sở. Hiện Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Thủ tướng về việc chuyển các phó chủ tịch xã về các địa phương theo hướng yêu cầu các tỉnh bổ sung quy hoạch đối với những trí thức trẻ có thành tích xuất sắc. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với những trí thức trẻ đã và đang công tác theo dự án tại các địa phương trên cả nước.
Thanh Hà