Nhiều trường ĐH tiếp tục điều chỉnh phương án tuyển sinh, trong đó có xét học bạ nhưng không tính kết quả học kỳ II lớp 12 vì thời gian học sinh nghỉ do dịch Covid-19 kéo dài.
Trường ĐH Hoa Sen đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đại học năm 2020 bằng phương thức xét học bạ.
Với phương thức này, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển có nhiều sự lựa chọn. Thí sinh có thể chọn phương án không tính điểm học kỳ II năm lớp 12, mà chỉ cần có điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 từ 6 điểm trở lên.
Ngoài ra, thí sinh cũng có thể lựa chọn phương án điểm trung bình cộng các môn học trong cả năm lớp 10, lớp 11 và cả năm lớp 12 từ 6 điểm trở lên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường ĐH xét tuyển học bạ bỏ qua điểm học kỳ II năm 12 |
Hoặc điểm trung bình của các môn học trong tổ hợp của cả 3 năm học 10, 11 và 12 thoả mãn điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành bậc đại học của nhà trường.
Trong đó, các ngành Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất yêu cầu phải có thêm điểm trung bình cộng môn Toán hoặc môn Ngữ văn đạt từ 5,5 điểm trở lên.
Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng đưa ra nhiều hình thức xét học bạ trong đó không tính điểm học kỳ I năm lớp 12. Cụ thể thí sinh có thể lựa chọn nộp hồ sơ xét theo phương thức có điểm trung bình chung của học kỳ I lớp 11 + học kỳ II lớp 11 + học kỳ I lớp 12 ≥ 18 điểm; Hoặc thí sinh xét tuyển theo tổ hợp 3 môn của học bạ lớp 12 ≥ 18 điểm; Xét tuyển bằng điểm trung bình chung học bạ lớp 12 ≥ 6 điểm.
Bên cạnh đó nhà trường vẫn duy trì các phương thức khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển theo kỳ thi THPT quốc gia.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với các trường THPT đã ký kết hợp tác với nhà trường về hướng nghiệp, đào tạo và phát triển khoa học công nghệ trường quyết định chỉ xét học bạ sẽ theo kết quả 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ II năm 12).
Cụ thể đối với chương trình tiêu chuẩn, chất lượng cao và chương trình học 2 năm tại cơ sở, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 5 học kỳ của các môn trong tổ hợp xét tuyển.
Đối với chương trình đại học bằng tiếng Anh, xét tuyển 5 học kỳ theo điểm trung bình học kỳ.
Riêng các trường THPT không ký kết với trường học sinh vẫn phải xét 6 học kỳ. Các phương thức tuyển sinh khác vẫn duy trì.
Trước đó, nhiều ĐH cũng điều chỉnh phương án tuyển sinh, trong đó xét học bạ bỏ qua kết quả học kỳ II năm lớp 12.
Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển học bạ 3 học kỳ đó là tổng điểm trung bình 3 học kỳ (năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cũng bổ sung phương thức xét học bạ bằng tổng điểm trung bình 5 học kỳ (năm 10, 11 và học kỳ I lớp 12) nếu đạt từ 30 điểm trở lên.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng xét tuyển học bạ 5 học kỳ (năm 10, 11 và học kỳ I năm 12) đạt từ 18 điểm trở lên. Sau khi thí sinh kết thúc và có kết quả học tập học kỳ I năm lớp 12 có thể đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, điều kiện để trúng tuyển là sau khi hết năm học điểm trung bình lớp 12 đạt từ 6 trở lên.
Trường ĐH Văn Lang cũng xét tuyển học bạ, trong đó học sinh có thể lựa chọn một trong hai cách thức tính điểm để nộp hồ sơ xét tuyển. Cụ thể thí sinh có thể xét tuyển điểm trung bình năm học lớp 12 hoặc chỉ xét điểm trung bình năm học lớp 11 và I lớp 12.
Riêng ngành Dược học tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên, đồng thời xếp loại học lực lớp 12 đạt loại giỏi. Ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học tổng điểm tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên, đồng thời xếp loại học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên. Các ngành còn lại chỉ yêu cầu tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, điểm trung bình chung môn Tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên….
Nguồn: vietnamnet