Hiện số ca mắc đã lên đến con số trên 10.000, hệ thống y tế địa phương lại thiếu thốn về hồi sức cấp cứu. Chỉ cần 5% bệnh nhân Covid-19 nặng cũng trở thành vấn đề cho công tác điều trị.

Hiện số ca mắc ở các tỉnh phía Nam đang ngày càng tăng. Tính đến 6h sáng 8/7, theo Bộ Y tế thì các tỉnh phía Nam vẫn có số ca mắc cao nhất cả nước. TP HCM là địa phương có số ca nhiễm cao lên tới 9.416 ca, Bình Dương 1.053 ca, Đồng Tháp 438 ca, Long An 274 ca, Tiền Giang 197 ca, Đồng Nai 105 ca, An Giang 62 ca, Vĩnh Long 57 ca… Đây là thời điểm khó khăn trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 kể cả người không có triệu chứng.

GS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức Chống độc Việt Nam đã có những chia sẻ với Infonet về vấn đề điều trị bệnh nhân Covid-19 khi số ca mắc đã lên tới chục nghìn ca.

Trống ICU ở địa phương

Dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam khá phức tạp, không chỉ hệ thống truy vết, xét nghiệm quá tải mà ngay cả khối điều trị cũng quá tải. Theo GS Nguyễn Gia Bình, khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác điều trị là sau hơn 1 năm chống dịch Covid-19 và làn sóng thứ 4 là làn sóng nặng nhất, hơn 20 nghìn ca mắc, kéo dài suốt hơn 2 tháng qua.

‘Nhân viên y tế của chúng tôi tâm sự họ cũng “oải” lắm. Cố gắng trong thời gian ngắn còn cố được chứ kéo dài quá cũng không thể cố mãi’, ông nói.

Trong khi đó, hệ thống y tế địa phương lại thiếu thốn về hồi sức cấp cứu. Chỉ cần 5% bệnh nhân Covid-19 nặng cũng trở thành vấn đề cho công tác điều trị.

Ví dụ tại TP.HCM có 10.000 ca nhiễm, 50 bệnh nhân nặng phải thở máy, ECMO cũng là một vấn đề về công tác điều trị. Chúng ta không chỉ có bệnh nhân Covid-19 mà còn nhiều bệnh nhân khác nữa.

'Các tỉnh trống ICU, bệnh nhân Covid-19 nặng mất cơ hội cứu chữa'
Xét nghiệm tại TP.HCM. 

‘Còn nếu ở địa phương thì hầu như “trống” phòng ICU (hồi sức đặc biệt-PV). Từ hơn 10 năm nay tôi đã nói vấn đề này rất nhiều.

Bác sĩ trẻ ra trường rất ngại lĩnh vực hồi sức cấp cứu vì vất vả, trách nhiệm, áp lực lớn. Các tỉnh cũng không chú trọng vào khâu phát triển hồi sức cấp cứu.

Mấy tháng trước dịch xảy ra ở Hải Dương, Bắc Giang thì các BV trung ương về hỗ trợ xây dựng hệ thống hồi sức tích cực lại từ đầu. Để xây dựng các trung tâm ICU, cần rất nhiều nhân lực và nhân lực phải có chuyên môn mới vận hành được

Nếu dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều tỉnh, mỗi tỉnh có vài trăm ca mắc, bài toán chuyên gia để chúng ta đi xây dựng lại từ đầu ICU cho các địa phương đó cũng khó.

Nếu không có ICU đồng nghĩa với việc bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ mất cơ hội cứu chữa. Đây là vấn đề mà tôi nghĩ rất đáng quan tâm’, GS Nguyễn Gia Bình .

Hiện tại số ca tử vong ở Việt Nam đến nay là 105 người, tỷ lệ khoảng 0,5 %. So với thể giới tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều, có phải con số này nói lên công tác điều trị của chúng ta tốt?

Theo GS Nguyễn Gia Bình, không hẳn như vậy. Số ca tử vong ở nước ta thấp là vì chúng ta ít ca mắc. Khi số ca mắc ít chúng ta tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa ca nặng. Ví dụ như bệnh nhân số 91 là điển hình hay ở làn sóng Đà Nẵng chúng ta cũng cứu được rất nhiều bệnh nhân nặng, ở Hải Dương hay Bắc Giang cũng tương tự. Những ca tử vong hầu như đều có bệnh nền suy thận mãn tính, ung thư, tim mạch…

Tuy nhiên, nếu số ca mắc quá tải thì chúng ta không thể dành được nguồn lực điều trị như vậy nữa. 10.000 ca mắc tại riêng TP.HCM cũng trở thành áp lực cho khối điều trị. Số ca mắc càng cao thì trong  tuần tới việc điều trị càng áp lực.

Trước đây, các tỉnh ở miền Bắc có ca bệnh cần Hồi sức tích cực sẽ chuyển lên Hà Nội, miền Nam chuyển lên TP.HCM … nhưng khi các địa phương này quá tải thì không thể chuyển đi đâu được vì vậy nguy cơ tử vong sẽ tăng lên rất nhiều. Ví dụ như Đồng Tháp sau 12 ngày đã có 10 bệnh nhân tử vong vì Covid-19.

Hình ảnh ở Châu Âu, Mỹ, hay Ấn Độ, Indonesia sẽ không quá xa vời nếu chúng ta chủ quan.

Không triệu chứng nhưng có ca 6 – 10 ngày sau diễn biến nặng

Có nhiều ý kiến cho rằng để giảm áp lực cho các bệnh viện chúng ta có thể cho F0 không có triệu chứng theo dõi tại nhà, song GS Nguyễn Gia Bình cho rằng, hiện tại, các cơ sở thu dung ca Covid-19 vẫn chưa quá tải nên chưa cần điều trị F0 tại nhà.

Theo đó, chúng ta đã nhanh chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến. F0 dù không có triệu chứng điều trị tại nhà hay khu cách ly hoặc bệnh viện chúng ta vẫn cần theo dõi họ. Bệnh Covid-19 này không thể nói trước điều gì, không phải không có triệu chứng là khoẻ tới lúc âm tính mà có trường hợp 6 – 10 ngày sau diễn biến rất nặng.

Với những ca không có triệu chứng hàng ngày theo dõi bằng nhiệt độ ,đo huyết áp, kiểm tra tim mạch, nhịp thở, đo độ bão hòa oxy bằng thiết bị cầm tay.

Điều trị Covid-19 hoàn toàn theo cá thể từng người chứ không phải ai cũng giống ai. Chúng ta không nên chủ quan nghĩ rằng người không có triệu chứng chỉ cần cách ly ở nhà hay sống chung như bình thường. Không thể bỏ qua bất cứ trường hợp F0 nào.

Ví dụ ở các nước phát triển hệ thống y tế gia đình của họ sẽ làm công tác theo dõi điều trị bệnh nhân Covid-19 ở nhà. Một ngày họ gọi điện kiểm tra sức khoẻ. Cho người bệnh tự đo nhiệt độ, độ bão hòa oxy trong máu, hoặc đơn giản là yêu cầu đếm từ 1 đến 100 qua đó sơ bộ theo dõi được tình trạng hô hấp thế nào. Nếu thấy bất thường họ đưa người bệnh vào viện.

Nhưng ở nước ta hệ thống này quá mỏng, nên cần theo dõi F0 ở các khu bệnh viện dã chiến có nhân viên y tế. Theo dõi tại nhà có thể được nếu đủ điều kiện

‘Tôi chỉ muốn nhấn mạnh về bức tranh điều trị bệnh nhân Covid-19 để cộng đồng không chủ quan nghĩ rằng mình trẻ khoẻ, mắc Covid-19 cũng không có vấn đề gì mà chủ quan không tuân thủ phòng bệnh cá nhân cũng như chiến lược 5K + vacxin của Chính phủ’ – Chủ tịch Hội hồi sức Chống độc Việt Nam nói.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : covidGS Nguyễn Gia Bình

Các tin liên quan đến bài viết