Trong năm qua, các tập đoàn đầu tư và công nghệ của Trung Quốc, bao gồm Tencent và ByteDance, đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các công ty phát triển những “người có ảnh hưởng kỹ thuật số”.
Chạy đua kiếm nhà “sản xuất” thần tượng
ByteDance năm 2022 đã mua 20% cổ phần của Hangzhou Li Weike Technology, công ty khởi nghiệp thực tế ảo nổi tiếng ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Tháng 11-2021, Alibaba dẫn đầu vòng tài trợ Series A trị giá 20 triệu USD cho DGene, một nhà phát triển thực tế ảo có văn phòng tại Thượng Hải và thung lũng Silicon.
Một tháng sau, tháng 12-2021, Tencent đầu tư vào Facegood, một công ty phát triển phần mềm có trụ sở tại Thâm Quyến tập trung vào hoạt hình 3D trên khuôn mặt.
Vào tháng 4, Xmov, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải sở hữu nhiều IP có ảnh hưởng kỹ thuật số và nhằm mục đích xây dựng “cơ sở hạ tầng thế giới ảo”, thông báo họ đã huy động được tổng cộng 130 triệu USD trong các vòng tài trợ từ các nhà đầu tư bao gồm Sequoia China và SoftBank.
Thần tượng ảo kiếm tiền thật
Những người có ảnh hưởng ảo đã chứng minh khả năng kiếm tiền từ các kết nối với người hâm mộ.
Vox Akuma, một Youtuber ảo thuộc sở hữu của công ty thần tượng ảo AnyColor của Nhật Bản, ra mắt tại Trung Quốc trên trang phát trực tuyến video Bilibili vào tháng 5.
Trong buổi phát sóng trực tiếp kéo dài 100 phút, Vox Akuma nhận được tiền boa trị giá 140.000 USD từ gần 40.000 người hâm mộ.
Các thương hiệu thời trang toàn cầu cũng đang đổ xô vào thuê các thần tượng ảo làm đại sứ tại Trung Quốc.
Công ty trang sức Đan Mạch Pandora chấm dứt hợp tác với nam diễn viên Trung Quốc Zhang Zihan vào tháng 8-2021, sau khi truyền thông nhà nước tố cáo anh “làm tổn hại tình cảm của quốc gia” bằng cách chụp ảnh trước đền Yasukuni ở Tokyo. Đây là địa điểm nhạy cảm khiến Nhật căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc.
Vào tháng 3, Pandora đăng ảnh SAM, một thần tượng ảo thuộc sở hữu của tạp chí phong cách sống Elle, đeo vòng tay và vòng cổ theo chủ đề Marvel.
Bulgari đã mời Ling, một người có ảnh hưởng ảo được Xmov phát triển, để giới thiệu một loạt túi xách mới vào tháng 11-2021.
Thần tượng ảo vẫn tha hóa, vì do con người tạo ra
“Thần tượng ảo không già đi, IP tồn tại mãi mãi, họ không bị ốm hay mệt mỏi”, Tom Nonlist, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Trivium China, cho biết các nhân vật hư cấu không có nguy cơ xảy ra hành vi cá nhân thái quá và việc sản xuất chúng có thể sẽ ít tốn kém hơn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ảo này cũng không có khả năng hoàn toàn chống lại các vụ bê bối.
Các cáo buộc bóc lột sức lao động đã xuất hiện đối với ByteDance sau khi thành viên chính của nhóm nhạc nữ ảo A-Soul bị đình chỉ.
Vào tháng 5, A-Soul tuyên bố hủy bỏ một thành viên ảo tên Carol trong một tuyên bố trên mạng xã hội, lập luận vì “lý do sức khỏe”.
Người hâm mộ đã tìm kiếm nữ diễn viên đằng sau nhân vật và tìm thấy các bài đăng cá nhân của cô trên blog. Và, họ tin rằng đó là bằng chứng về việc trả lương thấp và bắt nạt tại nơi làm việc.
Các nhà chức trách lao động địa phương ở Hàng Châu đã điều tra vụ việc và cho biết không tìm thấy bằng chứng về việc bị trả lương thấp hoặc bị ép buộc lao động. Nhóm cũng phủ nhận các cáo buộc trong một văn bản trả lời báo Financial Times.
Bắc Kinh cũng đang theo dõi sự phát triển của lĩnh vực thần tượng ảo, cảnh báo về văn hóa người nổi tiếng và “người hâm mộ” quá mức.
Tờ Nhân Dân nhật báo đưa ra nhận định: “So với các biểu tượng thực truyền thống, thần tượng ảo có những ưu điểm như tính cách ổn định và dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, xét cho cùng, chúng là những nhân vật nghệ thuật do con người tạo ra và có nguy cơ bị tha hóa”.
Nguồn: tuoitre.vn