Nền tảng bán hàng cộng tác viên Cuccu.vn hiện đã tiêu thụ được 21 tấn thanh long cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ùn ứ tại Lạng Sơn. Các sàn Vỏ Sò, Postmart cũng đang khởi động hỗ trợ vận chuyển nông sản cho tỉnh này.
Hơn 40.000 tấn nông sản đang ùn ứ tại Lạng Sơn
Theo đại diện Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng ngày 30/12, tổng số xe container chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 3.136 xe, trong đó có 1.962 xe chở hoa quả xuất khẩu, tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh.
Với khối lượng hàng của mỗi container từ 20 – 25 tấn, ước tính tổng sản lượng hoa quả đang chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn khoảng hơn 40.000 tấn.
“Hàng hóa nông sản xuất khẩu bị ùn tắc đang có nguy cơ bị hư hỏng với số lượng lớn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và nông dân sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã đề nghị Sở TT&TT hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhanh trên nền tảng công nghệ số, cửa hàng số”, đại diện Sở TT&TT cho hay.
Tính đến sáng ngày 30/12, tổng số xe container chở nông sản xuất khẩu còn tồn ở khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 1.962 xe, với 2 loại quả chủ yếu là thanh long và mít |
Trước tình hình đó, ngày 30/12, Sở TT&TT Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) và Công ty cổ phần Công nghệ cuccu.vn hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Cụ thể, Sở TT&TT Lạng Sơn đề nghị 3 doanh nghiệp này chỉ đạo chi nhánh, đơn vị trực thuộc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đưa mặt hàng nông sản lên cửa hàng số của các sàn thương mại điện tử langson.voso.vn, langson.postmart.vn, cuccu.vn để tiêu thụ phân phối sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khu vực Hà Nội.
Đồng thời, xây dựng phương án truyền thông với nhiều hình thức, thiết lập đường link mua hàng riêng, tổ chức mạng lưới cộng tác viên vận chuyển để tiêu thụ hàng nông sản nhanh nhất với chất lượng tốt nhất đến người mua trên các sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang ùn tắc tại tỉnh Lạng Sơn để phối hợp tiêu thụ hàng nông sản và thống nhất giá mua, giá bán trên sàn thương mại điện tử, chỉ tính chi phí tối thiểu cho việc vận chuyển tiêu thụ hàng nông sản.
Các sàn khởi động hỗ trợ tiêu thụ nông sản chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn
Trao đổi với VietNamNet vào chiều ngày 30/12, ông Đỗ Xuân Thắng, CEO Cuccu.vn cho biết khi truyền thông đưa tin hàng nghìn container nông sản bị ùn tắc, trong khi đây đều là các loại quả đặc sản, đội ngũ Cuccu.vn đã thực hiện ngay 1 chương trình nhằm hỗ trợ những người nông dân, để nông sản ngon của Việt Nam không bị bỏ phí.
Cuccu.vn dự kiến sẽ hỗ trợ tiêu thụ khoảng 300 tấn hàng nông sản trong đợt này. |
Ngày 29/12, Cuccu.vn đã trực tiếp lên Lạng Sơn để khảo sát. Với sự hỗ trợ của Sở TT&TT Lạng Sơn, đội ngũ đã tiếp xúc, kết nối với các chủ xe và ngay lập tức, chuyến hàng đầu tiên, gồm hơn 30 tấn thanh long đã được đưa về Hà Nội trong ngày 29/12 để tiêu thụ.
Theo ông Thắng, đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản lần này có nhiều khác biệt so với các chiến dịch khác bởi sản lượng nông sản đang ùn tắc tương đối lớn. Trong khi đó, chiến dịch này cần phải triển khai nhanh để chất lượng hàng hóa giao đến tay khách hàng được đảm bảo.
“Với những áp lực này, nếu tiêu thụ theo cách truyền thống thì rất khó. Cuccu.vn với hệ thống công nghệ và đội ngũ hàng trăm nghìn cộng tác viên tham gia bán hàng trên sàn có thể đẩy sản lượng hàng tiêu thụ nhiều hơn. Sau khi các cộng tác viên chốt đơn hàng, hệ thống công nghệ sẽ xử lý kết hợp với đơn vị vận tải để giao sản phẩm trực tiếp đến tay người mua”, ông Thắng cho hay.
Theo thống kê, chỉ trong một thời gian ngắn, đến sáng 30/12, sản lượng thanh long tiêu thụ qua sàn này đã được hơn 12 tấn. Cuccu.vn dự kiến sẽ hỗ trợ tiêu thụ khoảng 300 tấn hàng nông sản trong đợt này.
Với 2 doanh nghiệp bưu chính lớn Vietnam Post và Viettel Post, mặc dù mới nhận được đề nghị của Sở TT&TT Lạng Sơn, tuy nhiên 2 đơn vị đều đang xúc tiến các hoạt động để tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ùn ứ các cửa khẩu ở địa phương này.
Dự kiến, việc hỗ trợ sẽ được Vietnam Post và Viettel Post, 2 đơn vị chủ quản các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart triển khai theo 2 phương án. Với nông sản đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, 2 đơn vị sẽ hỗ trợ đưa lên sàn để bán tới người tiêu dùng toàn quốc. Bên cạnh đó, Vietnam Post và Viettel Post cũng sẽ hỗ trợ vận chuyển với chi phí ưu đãi. Ngoài ra, với thế mạnh về mạng lưới rộng, 2 doanh nghiệp có thể mở các điểm bán trực tiếp nông sản tại các địa phương để hỗ trợ khâu tiêu thụ tại địa bàn.
Thông tin từ Sở TT&TT Lạng Sơn, ngay trong ngày 30/12, đã có 2 container với tổng sản lượng hơn 40 tấn được Viettel Post vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Với Vietnam Post, đơn vị này đang tiếp xúc với các chủ hàng để khảo sát và có phương án chi tiết hơn.
Cần thúc đẩy mạnh kênh tiêu thụ nông sản trong nước qua các sàn điện tử
Từ câu chuyện ùn ứ nông sản tại Lạng Sơn do khó khăn trong xuất khẩu, ông Dương Tôn Bảo, đại diện Tổ công tác triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử , thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” của Bộ TT&TT (gọi tắt là Tổ công tác 1034) nhấn mạnh: Thị trường nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới phát triển bền vững. Trước tiên, cần có dự báo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để có thể chủ động trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, cũng phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử để tiếp cận được đông đảo người dùng trong nước.
Thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thực hiện Kế hoạch 1034, dưới sự điều phối chung của Bộ TT&TT, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn Vietnam Post và Viettel Post đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ đưa hơn 3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên trên các sàn Vỏ Sò và Postmart.
Đến hết tháng 12/2021, đã có gần 51.000 sản phẩm nông sản được đưa lên 2 sàn, với tổng số giao dịch được thực hiện là gần 73.000 giao dịch. Đặc biệt, các hộ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương đều đã được hướng dẫn để đảm bảo các sản phẩm khi đưa lên các sàn thương mại điện tử đều đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nguồn: vietnamnet