Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh COVID-19 tự cách ly. Nhưng yêu cầu không quá cứng nhắc, có nơi đòi hỏi phải cách ly có căn cứ, có ý kiến bác sĩ.
Các trường hợp mắc COVID-19, xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được gọi là F0. Những người tiếp xúc với F0 gọi là F1.
Thường là 14 ngày
Để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, các nước có những cách xử lý khác nhau đối với những trường hợp F1.
Về tổng thể, các F1 sẽ được kêu gọi tự cách ly, với khung thời gian thường là trong 14 ngày.
Các nước đang áp dụng cách này có thể kể tới như: Albania, Belarus, Bosnia và Herzegovina, Cyprus, Estonia, Pháp, Hungary, Iceland, Israel, Ý, Latvia, Luxemburg, Malta, Moldova, Hà Lan, North Macedonia, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, San Marino, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh…
Quy định rõ ràng thế nào là “tiếp xúc”
Tuy nhiên, việc yêu cầu tự cách ly này không hẳn sẽ diễn ra theo cơ chế “tự động”, có nghĩa không phải ai có tiếp xúc với ca bệnh đều đương nhiên phải tự cách ly.
Tại Anh, định nghĩa “tiếp xúc” cũng được quy định rõ ràng thay vì “một con ngựa đau, cả tàu cách ly”.
Theo định nghĩa đó, F1 phải là những đối tượng như sống cùng nhà với ca dương tính; tiếp xúc mặt đối mặt ở khoảng cách 1m; nếu không trò chuyện hay tiếp xúc mặt đối mặt thì đứng gần 1m so với ca dương tính một phút hoặc lâu hơn; không trò chuyện mặt đối mặt nhưng đứng gần 2m so với bệnh nhân 15 phút hoặc lâu hơn…
Tương tự, tại Mỹ, các quan chức y tế sẽ quyết định cách “ứng xử” với các F1, cũng như đưa ra khuyến cáo cho từng trường hợp cụ thể để tiến hành xét nghiệm.
Các tiếp xúc này cũng được quy định rõ ràng: tiếp xúc với người dương tính virus trong khoảng cách 6 feet (gần 2m) trong vòng tổng cộng 15 phút.
Không phải “auto cách ly”
Ở Đan Mạch, Phần Lan và Cộng hòa Ireland, chính quyền sẽ yêu cầu cách ly đối với F1 căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, và quyết định cách ly phải dựa trên đánh giá của bác sĩ hoặc nếu có triệu chứng.
Tại Estonia và Hà Lan, các thành viên trong gia đình người nghi nhiễm nếu không ghi nhận triệu chứng gì đặc biệt sẽ được ra khỏi nhà trong một số tình huống nhất định (như mua đồ ở cửa hàng tạp hóa).
Tại Luxemburg, những ca tiếp xúc với người nghi nhiễm hay xác nhận đã nhiễm chỉ phải cách ly 7 ngày, kèm theo 7 ngày tự theo dõi. Trong 7 ngày “tự theo dõi” này, họ sẽ được quay lại các sinh hoạt bình thường.
Ở một số nước, vùng lãnh thổ khác, ca F1 có triệu chứng hay không cũng đều phải được kiểm tra, xét nghiệm.
Ví như ở Ý, F1 có triệu chứng nhẹ buộc phải xét nghiệm. Nếu dương tính, họ phải bị cách ly tới khi âm tính hoặc hết triệu chứng; còn người âm tính với xét nghiệm sẽ cách ly 14 ngày kể từ lúc tiếp xúc bệnh nhân.
Tại Nga, F1 phải được truy vết, xét nghiệm và nhập viện để giám sát; họ sẽ được xuất viện nếu không có triệu chứng, kèm theo hai lần xét nghiệm âm tính cách nhau 24 giờ.
Ở Đài Loan, những người cách ly tại nhà sẽ tự theo dõi. Những người tiếp xúc với các F1 đang tự cách ly này (tức F2) được khuyến nghị “không nên lo ngại… cứ đơn giản sống như bình thường”.
Nguồn: tuoitre.vn