Pháp đã giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày và Đức đang xem xét rút ngắn thời gian này còn 5 ngày.

Trong Hướng dẫn tạm thời về Quản lý lâm sàng Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định về thời gian cách ly áp dụng cho bệnh nhân như sau:

– Các ca có triệu chứng: 10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, cộng thêm ít nhất 3 ngày nữa không có triệu chứng.

– Các ca không có triệu chứng: 10 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với nCoV.

Tuy nhiên, hiện nay, các nước áp dụng những quy định riêng tùy thuộc vào tình hình của mình. Mới đây, đã nảy sinh ra tranh cãi liệu có cần cách ly thời gian dài tới như vậy không.

Theo một phân tích, những người bị Covid-19 dễ lây nhiễm nhất khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu và trong 5 ngày sau đó.

Một số bệnh nhân bị nặng hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch có thể đào thải virus trong 20 ngày. Các ca bệnh nhẹ đào thải virus trong khoảng 1 tuần.

Các nước tranh cãi cách ly người nhiễm Covid-19 nên 14 hay 5 ngày

Một lái xe được xét nghiệm virus nCoV ở bang California, Mỹ

Dữ liệu trên đưa ra một vấn đề nan giải: Liệu các quan chức y tế có nên rút ngắn thời gian cách ly được khuyến nghị hay chọn thời gian dài hơn để ngăn chặn sự lây truyền triệt để, ngay cả khi làm như vậy gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế?

Mỹ khuyến cáo những người bệnh nên cách ly tối thiểu 10 ngày kể từ khi bắt đầu nhiễm virus. Tuy nhiên, ngành y tế nước này đang xem xét rút ngắn thời gian cách ly và có thể ban hành hướng dẫn mới trong tháng 12.

Vào tháng 9, Pháp đã giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 7 ngày và Đức đang xem xét rút ngắn thời gian này còn 5 ngày. Quy định áp dụng cho người bị bệnh, người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Tiến sĩ Muge Cevik, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học St Andrews ở Scotland, người đứng đầu phân tích mới, cho biết: “Đặt thời gian cách ly là 5 ngày có thể khuyến khích nhiều người nhiễm bệnh tuân thủ hơn”.

Một cuộc khảo sát gần đây ở Vương quốc Anh cho thấy chỉ 1/5 số người có khả năng cách ly trong 10 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Ở Mỹ, nhiều người không đi xét nghiệm cho tới khi có dấu hiệu ốm mệt 1-2 ngày. Với sự chậm trễ hiện tại, nhiều người nhận được kết quả sau 2-3 ngày, vào cuối giai đoạn mà họ lây nhiễm.

Tiến sĩ Cevik và các đồng nghiệp đã tiến hành so sánh virus nCoV với các virus có quan hệ gần gây ra SARS và MERS. Họ xem xét gần 1.500 nghiên cứu được công bố từ năm 2003 đến tháng 6/2020 về thời gian lây nhiễm ở hàng nghìn người, đa số bị nặng tới mức phải nhập viện.

Họ phát hiện ra rằng những người không bao giờ phát triển các triệu chứng dường như mang cùng một lượng virus như những bệnh nhân có triệu chứng. Nhưng những người không có triệu chứng dường như loại bỏ virus khỏi cơ thể nhanh hơn.

Những người bị Covid-19 thường dễ lây nhiễm nhất 1-2 ngày trước khi bắt đầu các triệu chứng cho đến khoảng 5 ngày sau. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể mang các mã gene của virus trong mũi và cổ họng với thời gian trung bình 17 ngày và trong một số trường hợp, kéo dài đến 3 tháng.

Tiến sĩ Megan Ranney, Đại học Brown, cho biết, một số bệnh nhân có thể mang virus truyền nhiễm trong phổi 8 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu. Đối với những bệnh nhân này, thời gian cách ly có thể nên kéo dài hơn 5 ngày.

“Vấn đề là ai bị Covid-19 và ai không bị chỉ phát hiện được dựa trên khám sức khỏe. Họ không tự nhận thấy được”, vị tiến sĩ này cho hay.

Người lớn tuổi có xu hướng lây nhiễm lâu hơn người trẻ, nhưng không có nghiên cứu nào phát hiện virus sống tồn tại sau 9 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Kết quả cho thấy các xét nghiệm dương tính sau thời điểm đó chỉ tìm thấy các đoạn gen chứ không phải toàn bộ virus sống.

Bởi vì giai đoạn lây nhiễm dường như đạt đến đỉnh điểm tương đối nhanh, nhân viên y tế tại các phòng khám cộng đồng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn những người làm việc tại Khu chăm sóc Tích cực.

Vào tháng 7, dựa trên bằng chứng tương tự, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ đã giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.

Dù vậy, thời gian cách ly có thể vẫn quá dài đối với nhiều người. Một số bệnh nhân không đủ khả năng tài chính để cách ly trong thời gian dài hoặc cảm thấy bệnh không quá nặng để làm như vậy.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ nói rằng họ không thấy thuyết phục với phân tích 5 ngày cách ly sẽ ngăn chặn sự lây truyền từ đa số bệnh nhân.

Tiến sĩ Cevik và các chuyên gia khác gợi ý rằng mọi người có thể cách ly ngay khi họ gặp các triệu chứng rất nhẹ như đau họng, nhức đầu và cơ thể.

Các chuyên gia khác tán thành việc sử dụng các xét nghiệm nhanh tại nhà. Tiến sĩ Ranney nói: “Nếu bạn có các triệu chứng và bạn có một xét nghiệm đáng tin cậy mà bạn có thể thực hiện tại nhà, hãy ở nhà, kiểm tra và cách ly trong 5 ngày”.

Mức độ lây lan của virus MERS đạt cao nhất vào 7 đến 10 ngày kể từ khi có triệu chứng, và của virus SARS đạt đỉnh vào ngày 10 đến 14.

Ngược lại, virus nCoV “di chuyển nhanh chóng và rất khó kiểm soát, so với SARS”, Tiến sĩ Stefan Baral, Đại học Johns Hopkins, thông tin. Ông nói thêm, cách ly tại nhà là an toàn cho hầu hết những người mới nhiễm.

Một số quốc gia đã áp dụng các chính sách giúp mọi người cách ly thuận lợi hơn. Cho đến tháng 5, Nhật Bản cho phép các bệnh nhân trẻ và có các triệu chứng nhẹ ở nhà trong 4 ngày trước khi xét nghiệm.

Hướng dẫn của Nhật Bản hiện yêu cầu bệnh nhân tham khảo ý kiến ​​qua điện thoại với bác sĩ và chỉ kiểm tra nếu họ có vẻ có khả năng bị nhiễm bệnh. Bất cứ ai xét nghiệm dương tính đều được đưa vào bệnh viện hoặc khách sạn để cách ly. Tại Mỹ, thành phố New York và Vermont cung cấp chỗ ở cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

“Ngay cả khi các nơi khác ở Mỹ không thực hiện các chính sách như vậy, việc để bệnh nhân cách ly tại nhà – trong khi đeo khẩu trang, mở cửa sổ, lau sạch các bề mặt tiếp xúc nhiều và tránh xa các thành viên khác – khả thi hơn trong 5 ngày so với 10 ngày”, Tiến sĩ Baral nói.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cách lyPhápvirus Corona

Các tin liên quan đến bài viết