Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ‘nhắn nhủ’ các nước giàu: đừng gom vắc xin COVID-19 để tiêm mũi tăng cường, trong khi nhiều nước chưa có vắc xin và cũng chưa có bằng chứng khoa học cho thấy cần tiêm liều bổ sung.

Các nước giàu đừng gom vắc xin nữa! - Ảnh 1.

Người dân rồng rắn chờ tiêm ngừa COVID-19 ở Jakarta, Indonesia, ngày 26-6 

Đến nay, các quan chức của WHO cho rằng chưa đủ bằng chứng cho thấy phải tiêm mũi tăng cường vắc xin COVID-19. Điều các nhà sản xuất lớn như Pfizer cần tập trung ngay lúc này, theo WHO, là làm sao giúp diện bao phủ vắc xin trên thế giới được rộng và nhanh hơn.

Chúng ta sẽ nhìn lại việc này trong giận dữ, trong xấu hổ.

Ông Mike Ryan (giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO nói về việc nếu các nước giàu quyết định tiêm liều bổ sung thay vì chia sẻ với các nước nghèo)

Bỏ rơi người yếu thế trong đại dịch

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết tình trạng bất bình đẳng sâu sắc trong chương trình tiêm ngừa vắc xin COVID-19 trên thế giới hiện nay là do “lòng tham”.

Ông thẳng thắn cho rằng thế giới nên tự nhìn lại và thấy xấu hổ khi cố tình chọn cách bỏ rơi những người yếu thế trong đại dịch. Ông chỉ trích chủ nghĩa dân tộc vắc xin đang kéo dài dịch bệnh dù thế giới đã có vắc xin để chấm dứt đại dịch.

“Chỉ một từ có thể giải thích chuyện này, đó là lòng tham” – ông Tedros nói với Hãng tin AFP.

Cũng trong tuyên bố, ông Tedros cảnh báo số người thiệt mạng do COVID-19 đang tăng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan khắp toàn cầu. Sau 10 tuần giảm, số ca tử vong vì COVID-19 đã lại tăng trên thế giới.

Ông Tedros nêu đích danh các hãng dược đang tìm cách bán vắc xin cho các nước để tiêm bổ sung thay vì đưa vắc xin đến các nước nghèo, nơi có rất nhiều những người dễ tổn thương còn chưa được tiêm liều nào.

“Thay vì Moderna và Pfizer ưu tiên cung cấp liều bổ sung cho những nước đã có tỉ lệ tiêm ngừa cao, họ nên dốc sức cung ứng cho COVAX” – nhà lãnh đạo WHO nói, nhắc đến cơ chế phân phối công bằng giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vắc xin COVID-19.

Trong diễn biến liên quan, sau khi thảo luận với Pfizer ngày

12-7, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng khẳng định những người đã tiêm vắc xin đủ liều hiện chưa cần tiêm bổ sung.

Trước đó ngày 8-7, sau khi Pfizer đề xuất yêu cầu cơ quan y tế Mỹ, châu Âu và các nước thông qua việc tiêm liều tăng cường, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã ra thông báo chung nói “chỉ nên tiêm bổ sung nếu và khi khoa học chứng minh cần phải tiêm”.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci cũng nói người Mỹ hiện chưa cần tiêm liều bổ sung, vì phần lớn các ca bệnh mới đều là những người chưa tiêm, dù ông không loại trừ khả năng một số người có thể phải tiêm liều thứ 3.

Chưa phải lúc này

Đề xuất của  Pfizer dựa trên dữ liệu ban đầu từ một thử nghiệm cho thấy liều thứ 3 có thể giúp tăng khả năng bảo vệ lên gấp nhiều lần trước SARS-CoV-2 và các biến thể như Beta, Delta.

Pfizer cũng dẫn nghiên cứu gần đây của Israel nói hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm mạnh làm cơ sở cho việc nên tiêm bổ sung. Tuy nhiên, các quan chức y tế Mỹ ngày 12-7 cho biết Pfizer cần đưa ra nhiều dữ liệu hơn để thuyết phục họ.

“Tại thời điểm này, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy cần tiêm liều bổ sung” – nhà khoa học trưởng của WHO, bà Soumya Swaminathan ngày 12-7 nhấn mạnh. Bà khẳng định việc này cần “dựa trên khoa học và dữ liệu chứ không phải tuyên bố đơn lẻ của các công ty”.

Trong giới chuyên gia, nhiều ý kiến cũng cho rằng dữ liệu của Pfizer chưa đủ thuyết phục và cần thêm nhiều thông tin.

“Tôi không thấy có bằng chứng lâm sàng nào từ Israel cho thấy nguy cơ bùng phát lây nhiễm cao hơn, chưa nói đến số ca bệnh nặng, trong khoảng thời gian từ sáu tháng trở lên sau khi tiêm vắc xin” – báo Japan Times dẫn lời nhà khoa học Ran Balicer của Công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe HMO Clalit và là chủ tịch ban cố vấn chuyên gia của Chính phủ Israel về COVID-19 nói.

Chuyên gia Paul Offit – giám đốc Viện giáo dục vắc xin ( Bệnh viện Nhi Philadelphia), cố vấn của FDA Mỹ – nói liều bổ sung chỉ cần khi tỉ lệ nhập viện và tử vong tăng cao ở những người đã tiêm vắc xin.

Israel quyết định tiêm bổ sung liều thứ 3

Israel, một trong những nước có tỉ lệ tiêm ngừa rất cao, ngày 12-7 đã tiêm liều thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch suy yếu như người bệnh ung thư hay ghép tạng. Theo Israel, nước này quyết định tiêm bổ sung vì dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng trở lại.

Theo Hãng tin AP, cơ chế COVAX chật vật tìm nguồn cung vắc xin trong những tháng gần đây. Gần 60 nước đang đình đốn chương trình tiêm chủng vì các đối tác cung cấp lớn của họ không thể cung ứng thêm bất cứ liều nào cho tới cuối năm nay.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh truyền nhiễmCOVID-19tiêm Vắc xinvắc xin

Các tin liên quan đến bài viết