Ngày 28 và 29-9, Trung tâm đào tạo khu vực SEAMEO RETRAC (Việt Nam) tổ chức diễn đàn trực tuyến với chủ đề ‘Các chính sách và giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục trong đại dịch COVID-19’.
Diễn đàn thu hút gần 300 người tham dự đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Minh – phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam, từ tháng 5-2021, có 55/63 tỉnh thành đóng cửa trường học. Đến tháng 9-2021, có 25 tỉnh thành triển khai giảng dạy trực tiếp, 14 tỉnh thành vừa dạy trực tiếp, trực tuyến và dạy qua truyền hình, và 24 tỉnh dạy trực tuyến và dạy qua truyền hình.
Để đảm bảo duy trì việc học và sức khỏe của giáo viên, học sinh trong thời gian giãn cách, bộ đã xây dựng kế hoạch, lộ trình năm học linh hoạt, hình thức dạy và chương trình học được sắp xếp lại, tập huấn cho giáo viên, hướng dẫn xây dựng kế hoạch giảng dạy.
Trong khi đó, TS John Arnold S. Siena (Bộ Giáo dục Philippines) cho biết nước này quyết định không cho học sinh học trực tiếp cho đến khi được chích vắc xin.
Để hoạt động giáo dục không bị gián đoạn, nước này đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, khung năng lực của chương trình học từ mẫu giáo đến lớp 12 được giảm xuống thành khung năng lực học tập thiết yếu nhất. Những mô hình học từ xa như trực tuyến, truyền hình, đài phát thanh hoặc kết hợp nhiều hình thức.
“Các học phần tự học được xây dựng và giao về cho các trường ứng dụng mô hình tự học theo học phần từ xa bằng tài liệu in giấy. Mô hình này chiếm khoảng 90%, tương đương với 46.000 trường. Việc kiểm tra đánh giá được điều chỉnh tập trung vào sự phát triển toàn diện của học sinh và đa dạng kỹ năng” – TS John Arnold S. Siena cho biết.
Các quốc gia khác như Malaysia, Singapore hay Brunei cũng chuyển đổi hình thức dạy học sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp. Bà Masdiah Binti Tuah – giám đốc Ban quản lý cán bộ, Vụ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục Brunei Darussalam – cho biết Bộ Giáo dục Brunei đã điều chỉnh phương pháp dạy học trực tuyến, tăng cường tập huấn giáo viên.
Theo Bộ Giáo dục Philippines, nước này gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn tài liệu giấy in sẵn hiện có dành cho hình thức học tập từ xa theo học phần. Khâu giám sát người học và sự toàn vẹn của lượng kiến thức được học là thử thách không nhỏ.
“Trong năm học mới, chúng tôi sẽ sử dụng định dạng bài học điện tử kết hợp với hình thức dạy học qua truyền hình và đài, để từng bước giảm lệ thuộc vào tài liệu in giấy, dự kiến thử nghiệm một số lớp dạy trực tiếp tuân thủ theo các tiêu chí y tế quy định khắt khe và từng bước thận trọng khi thực hiện” – TS John Arnold S. Siena cho biết.
Để tránh bất bình đẳng giáo dục, đảm bảo chất lượng trong điều kiện dạy học trực tuyến, Brunei đã tiến hành bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên. Các nguồn công nghệ được xây dựng theo hướng mở để phục vụ cho dạy và học trực tuyến.
Bà Masdiah Binti Tuah cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận phương tiện dạy học”.
Trong khi đó, ông Teoh Tiong San – Viện Đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục Singapore – chỉ ra những thách thức khi nước này dạy học trực tuyến. Đó là tính liên tục trong dạy và học, các phương pháp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn khi mở cửa lại trường học, cảm xúc sức khỏe tinh thần, sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Vấn đề tổ chức các kỳ thi quốc gia và sự lo lắng của cộng đồng trong việc đánh giá, chấm điểm khi học sinh không thể thi trực tiếp cũng là một quan ngại.
Ông Teoh Tiong San đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Đó là hỗ trợ học sinh thiếu điều kiện, cung cấp các thiết bị kỹ thuật số; sức khỏe tinh thần học sinh cần được kiểm tra hằng ngày; giáo viên cần được đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để thích ứng với tình hình mới;
Giáo viên cần tích hợp nhiều hoạt động học tập bảo đảm tính liên kết và mạch lạc để trải nghiệm học tập của học sinh không bị rời rạc, phát triển chuyên môn và hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất cho giáo viên cũng quan trọng như việc nâng cao kỹ năng và năng lực…
3 thông điệp từ Bộ Giáo dục Singapore:
– Học sinh cần trường học như một không gian cộng đồng để phát triển về mặt xã hội thông qua việc kết nối với các bạn bè, giáo viên và các nhà giáo dục.
– “Giáo viên rất quan trọng”. Học sinh vẫn phải dựa vào giáo viên để được hướng dẫn và hỗ trợ việc học, ngay cả khi điều đó thực hiện qua màn hình máy tính hoặc các hình thức khác.
Giáo viên cũng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe về mặt tinh thần và tình cảm của học sinh. Trong đại dịch, các bậc cha mẹ giờ đây đánh giá cao hơn tầm quan trọng của giáo viên và hy vọng rằng phụ huynh sẽ tiếp tục sự đánh giá đó.
– Hình thức học tập tại nhà và học tập kết hợp, phụ huynh đã trở thành những đối tác quan trọng hơn của nhà trường trong việc giáo dục con cái của họ.
Nguồn: tuoitre.vn