Tại các khu công nghiệp tập trung nên có trung tâm y tế khu công nghiệp để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động, cung ứng các dịch vụ y tế lao động cơ bản.
- Công nhân bị bệnh được điều trị tại bệnh xá ở một công ty trong Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM
TS.BS Nguyễn Đình Trung – trưởng khoa bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) – đã chia sẻ như vậy với Tuổi Trẻ về nhu cầu thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho 7 triệu người lao động đang làm việc tại 385 khu công nghiệp ở 61 tỉnh thành.
Ông Trung cho hay chăm sóc sức khỏe người lao động đã được quy định rất cụ thể tại Luật an toàn vệ sinh lao động.
Cụ thể, hằng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất sáu tháng một lần.
Hiện cũng có các văn bản hướng dẫn cụ thể để người sử dụng lao động thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động nhưng cần được tổ chức một cách cụ thể hơn theo đặc thù công việc.
* Ông thấy nhu cầu thực tế và việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe công nhân hiện nay như thế nào?
– Nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe người lao động là rất lớn để phát hiện sớm các bất thường sức khỏe phát sinh trong quá trình lao động. Người lao động tại các khu công nghiệp đa số là người trẻ, làm việc theo ca kíp, không thuận tiện cho việc đi khám sức khỏe, thậm chí là không thông thuộc địa bàn để đi khám bệnh do từ nơi khác đến. Vì thế, khi có biểu hiện vấn đề sức khỏe, người lao động đa số tự điều trị theo thói quen, theo truyền miệng từ đồng nghiệp, chỉ khi bệnh nặng lên mới đến khám tại các cơ sở y tế.
Hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất dù tập trung đông công nhân nhưng hệ thống tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện rất ít, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của công nhân lao động.
Ngoài ra, các cơ sở khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thường là từ các địa phương khác đến cung cấp dịch vụ và thay đổi theo hằng năm, người lao động sẽ khó được theo dõi liên tục vấn đề sức khỏe của mình.
* Với tình hình như vậy, ông thấy có mô hình nào khả thi, phù hợp với chăm sóc sức khỏe cho người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp?
– Việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân lao động vừa đáp ứng điều kiện làm việc (có ít thời gian, đi làm sớm, về muộn) của công nhân lao động, đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa (dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, cháy nổ…), chúng tôi thấy rằng cần có một loại hình cơ sở y tế chuyên khoa về y tế lao động có chuyên môn sâu về các bệnh tật có thể phát sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giám sát yếu tố có hại trong môi trường lao động.
Qua tham khảo các mô hình y tế tại các khu công nghiệp trên thế giới cũng như trước đây ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng tại các khu công nghiệp tập trung nên có trung tâm y tế khu công nghiệp với mục đích chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động, cung ứng các dịch vụ y tế lao động cơ bản.
Mô hình này sẽ có sự chủ động để triển khai ngay các biện pháp xử trí khi có ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người lao động, dự phòng và phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp, bên cạnh đó là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho công nhân.
* Thưa ông, việc chăm sóc sức khỏe cho người làm việc tại khu công nghiệp hiện nay có điểm nào mà ông thấy đang còn bất cập và là “khoảng trống”?
– Theo báo cáo tại tháng an toàn lao động gần nhất là năm 2021, có gần 1,46 triệu người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được khám sức khỏe định kỳ (giảm 17% so với năm 2020). Số người lao động đạt sức khỏe tốt (loại 1 và 2) chiếm 65,7%. Tỉ lệ đạt sức khỏe loại 3 là 20,8%. Người lao động có sức khỏe yếu (loại 4, 5) chiếm khoảng 13,5%, tăng 4,6% so với năm trước.
Đáng chú ý, tổng số trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 205.755 trường hợp (giảm khoảng 40% so với năm 2020).
Như vậy, số lao động được khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp hiện nay còn rất thấp với số lượng người lao động trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố có hại trong quá trình làm việc.
* Về chủ trương thì chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho công nhân đã được đặt ra nhiều, nhưng ông thấy đã thực hiện được nhiều chưa? Trong chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho công nhân, theo ông nên chú trọng điểm nào trước?
– Hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động đã được chú ý của tổ chức công đoàn và một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác này thường phụ thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo của các cơ sở sử dụng lao động và chưa bố trí nguồn lực cụ thể vào lĩnh vực này.
Để chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho người lao động, cần có một chiến lược cụ thể và quy định chung đối với người lao động và người sử dụng lao động. Đặc biệt mỗi một ngành nghề, đặc thù công việc cần giải quyết những vấn đề đặc thù.
Trước tiên cần phát huy hiệu quả các câu lạc bộ, khu thể thao hiện đang có tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình tư vấn tâm lý cho người lao động qua các diễn đàn và đường dây nóng.
* Theo ông, trong các quy định thì cần bổ sung gì để việc chăm sóc sức khỏe công nhân được tốt hơn?
– Cần có những hướng dẫn và yêu cầu cụ thể về bộ phận y tế để chăm sóc sức khỏe trước mắt tại các khu công nghiệp tập trung, sau đó phát triển rộng ra đối với các khu công nghiệp không tập trung, làng nghề…
Cần khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế lao động (trung tâm y tế khu công nghiệp) và phải xác định như một đơn vị công ích chứ không chỉ riêng là đơn vị dịch vụ thuần túy. Khi sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh cần phải có bổ sung quy định mô hình đơn vị y tế lao động phù hợp và những điều kiện về giấy phép.
* Như con số qua khảo sát đã cho thấy tỉ lệ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp không nhỏ. Theo ông, nếu chú ý quản lý thì có giảm thiểu được không?
– Từ năm 2020 – 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp từ cấp trung ương đến địa phương gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết các tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực y tế lao động, nhiều tỉnh chưa thành lập được phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp (15 tỉnh chưa có phòng khám bệnh nghề nghiệp).
Hiện nay, Việt Nam đang phát triển công nghiệp, đồng nghĩa với việc người lao động phải tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp gia tăng, kết hợp với việc lao động di cư đi các nơi làm việc nên điều kiện ăn ở sinh hoạt không được đảm bảo, dẫn tới nguy cơ bệnh tật tăng cao. Để giảm thiểu được bệnh nghề nghiệp trong công nhân, tôi cho rằng cần triển khai các nội dung:
– Giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống bệnh nghề nghiệp đối với người lao động.
– Tuyên truyền và phổ biến các yếu tố có hại có khả năng gây bệnh nghề nghiệp để người lao động chủ động phòng chống.
– Cần giám sát yếu tố có hại và dịch tễ học bệnh nghề nghiệp để chủ động có những biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp đối với các khu công nghiệp, nhà máy.
– Cần xây dựng các cơ sở y tế dễ tiếp cận để người lao động được khám chữa bệnh và phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp.
Tốt nhất là được thăm khám đúng, đủ
PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM – cho rằng không cần có một mô hình y tế để quản lý sức khỏe cho công nhân khu công nghiệp mà chỉ cần ban hành quy định và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế hoạt động là đủ.
“Tôi nghĩ khám sức khỏe công nhân định kỳ và chăm sóc y tế cho công nhân là cần thiết nhưng không thích “mô hình”. Vấn đề khám sức khỏe thì cứ việc ban hành các quy định và các đơn vị, tổ chức sẽ nghĩ ra cách tốt nhất để triển khai”, ông Dũng nêu ý kiến.
Tương tự, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam – chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, ý tưởng mô hình y tế để quản lý sức khỏe cho công nhân rất hay nhưng lại là “bài toán phức tạp”. Nếu mô hình này thực hiện chăm sóc sức khỏe cho công nhân thì cần đầu tư mức kinh phí rất lớn, bên cạnh cần phải có năng lực và nhiều yêu cầu khác.
“Mô hình này cần thiết nhưng giai đoạn hiện nay thì chưa thích hợp. Khi triển khai một mô hình mà không đáp ứng đủ lương cho bác sĩ hay gặp khó khăn đầu tư máy móc thiết bị… thì không khả thi. Công nhân ngoài được khám sức khỏe định kỳ, nếu có vấn đề gì thì nên khám tại các cơ sở y tế, tốt nhất là liên kết các trạm y tế, trung tâm y tế”, bác sĩ Nam chia sẻ. (XUÂN MAI)
Công nhân mong có bệnh viện thu nhỏ trong lòng khu công nghiệp
Nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp hiện vẫn phải đến bệnh viện để khám bệnh. Trong ảnh: bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)
Làm việc tại một công ty chuyên về linh kiện điện tử ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP.HCM), anh T.T. (30 tuổi) cho hay tại công ty của anh có một phòng y tế và luôn có nhân viên y tế trực để tiếp nhận thăm khám ban đầu, sơ cấp cứu, phát thuốc cho người lao động khi gặp các vấn đề sức khỏe.
Tuy vậy, anh T. mong muốn có một mô hình kiểu như trung tâm/bệnh viện thu nhỏ có tại khu công nghiệp. Ngoài ra, chi phí khám chữa bệnh tại nơi này sẽ phù hợp với thu nhập của người lao động, hỗ trợ khám chữa bệnh bằng BHYT với chất lượng tốt, điều trị được những bệnh cơ bản, phổ biến trong môi trường lao động ở xí nghiệp, nhà máy.
Chị La Thị Oi (35 tuổi, quận Bình Tân) cho hay hiện công ty chị đang làm việc tổ chức khám sức khỏe hai lần/năm. “Tôi thấy hiện tại rất tốt nhưng nếu có một mô hình khám chữa bệnh nằm trong khu công nghiệp thì rất tiện khi chúng tôi rút ngắn thời gian di chuyển và cũng được chăm sóc chuyên sâu hơn mà không cần chờ đến đợt khám sức khỏe định kỳ hay phải tự đến bệnh viện trong nội thành”, chị Oi nói.
Bà Lê Thị Bích Loan – phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM – cho rằng mô hình y tế khu công nghiệp chăm sóc sức khỏe công nhân theo đề xuất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) là rất cần thiết, mong muốn sớm được phê duyệt và nhanh triển khai trong thời gian tới, đặc biệt để chăm sóc sức khỏe chuyên sâu và tốt nhất là có nơi khám chữa bệnh gần nơi làm việc.
Cũng theo bà Loan, mô hình này nên có chức năng như một bệnh viện hay phòng khám đa khoa và có những hạng mục được BHYT thanh toán chi trả. Với những bệnh cảm, sốt, ho thông thường thì nên khám miễn phí cho người lao động.
Đặt vấn đề làm sao để có đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại để điều trị bệnh nhân, nhất là mắc các bệnh nghề nghiệp, bà Loan cho rằng có thể tiến hành xã hội hóa, kêu gọi các chủ doanh nghiệp đầu tư với những chính sách ưu đãi nhưng mang tính chất công cộng.
“Chúng tôi cũng từng gặp nhiều người lao động gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tai nạn lao động, cần cấp cứu gấp nhưng cũng phải mất khá nhiều thời gian để chuyển đến bệnh viện tuyến cuối”, bà Loan chia sẻ.
Mong khám bệnh gần và khám ngoài giờ
Chị Nguyễn Thị Hạnh, 32 tuổi, công nhân may tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), cho hay có đợt khám sức khỏe tổng quát thì được công ty ghi phiếu đến khám BHYT ở một bệnh viện quận 6 mà chị không nhớ tên, chỉ nhớ là đi xa lắm, đi khám là mất cả ngày.
Công nhân không có tiền cũng đâu dám khám phòng khám tư nên phải đến bệnh viện khám BHYT vào giờ hành chính để giảm tiền. Đi xa tốn thời gian nhưng ngán nhất là đi khám BHYT là phải chờ lâu và phải xin nghỉ trọn một ngày.
Chị Nguyễn Thị Kim Xuân, 46 tuổi, công nhân may (quận 12), cho hay gần đây cũng có phòng khám ngoài giờ, khám bệnh chi phí cũng rẻ nhưng chỉ mấy bệnh nhẹ.
“Công nhân công ty tôi hay đi khám, điều trị ở Bệnh viện quận Tân Phú, muốn đi khám là cũng phải đi xa, nghỉ làm rồi đi. Nếu mà có bệnh viện lớn cho công nhân gần ngay khu công nghiệp, rồi cho công nhân xung quanh đến khám, chữa bệnh bằng BHYT ngoài giờ thì công nhân sẽ đỡ vất vả”, chị Xuân nói.
Nguồn: tuoitre.vn