Ngày 29-6, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết vẫn đang chờ kết quả xác thực về bằng lái của 27 phi công Pakistan từng làm việc ở Việt Nam.
Theo ông Đinh Việt Thắng, đến nay có 11 phi công Pakistan đang làm việc cho Vietjet, 1 phi công làm việc cho Jetstar Pacific. Còn 15 phi công khác đã hết hạn hợp đồng hoặc do dịch bệnh đã về nước.
Các hãng hàng không có trung thực?
Về việc Vietnam Airlines nói “không sử dụng phi công Pakistan” trong nhóm hàng không của mình nhưng sau đó cục nói có, ông Thắng khẳng định có 12 phi công Pakistan còn hợp đồng với Vietjet và Jetstar Pacific. Tuy nhiên, hiện họ không xếp lịch bay cho những phi công này.
Ông Thắng cho biết Cục Hàng không cấp bằng lái máy bay có thời hạn 5 năm và năng định có thời hạn 12 tháng cho phi công nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên cơ sở bằng gốc của họ đã được nhà chức trách hàng không nước khác cấp. Quy trình cấp bằng mang tính quốc tế.
Theo ông Thắng, thực ra bằng do nhà chức trách hàng không Pakistan cấp cho phi công là bằng thật, nhưng theo thông tin từ nhà chức trách hàng không nước này, quy trình cấp có thể có vi phạm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cựu thanh tra bay của Cục Hàng không Việt Nam cho biết mỗi phi công cần đạt được 17 chứng chỉ như năng định, an toàn, an ninh, y tế… trong 1 năm để đủ điều kiện duy trì bằng lái. Trượt chứng chỉ nào cũng dẫn tới mất bằng lái.
Do phi công thường căng thẳng việc này nên có thể tìm cách làm giả, khai man chứng chỉ hay chọn thầy dễ tính đánh giá năng lực bay, thi hộ như thông tin trên báo về việc cấp bằng lái máy bay ở Pakistan.
“Hiện nay VN thực hiện tuyển dụng, kiểm soát phi công tương đối nghiêm, không có chuyện không đi học mà đạt chứng chỉ” – vị này cho biết.
Không biết gì không thể có bằng lái
Về quy trình tuyển dụng phi công ở Việt Nam, vị cựu thanh tra bay này cho biết khi tuyển, hãng hàng không kiểm tra, đánh giá năng lực phi công rồi trình hồ sơ lên Cục Hàng không.
Cục sẽ kiểm tra lý thuyết, phỏng vấn rồi kiểm tra trình độ bay bằng thiết bị, sau đó cho thanh tra bay kèm để kiểm tra trình độ thực tế trước khi cấp bằng lái. Tuy nhiên cả thế giới không có mẫu bằng lái máy bay chung.
“Do vậy dù thực hiện quy trình trên vẫn có xác suất gặp phi công dùng bằng giả do nước ngoài cấp. Năm 2011 Vietnam Airlines từng phát hiện phi công người Hàn Quốc dùng chứng chỉ xác nhận đủ 500 giờ bay trên máy bay A320 của một hãng hàng không Indonesia cấp trước đó là giả sau khi người này gặp khó khăn lúc hạ cánh xuống sân bay Busan (Hàn Quốc)” – vị này cho biết.
Hiện tại ngoài việc đánh giá năng lực của các tổ chức cung ứng phi công hằng năm, theo một số chuyên gia, Cục Hàng không Việt Nam khi cấp bằng lái cho phi công nước ngoài cần xác minh thông tin về phi công từ nhà chức trách hàng không của nước đã cấp bằng lái gốc cho phi công.
“Trong tình huống bình thường phi công đó vẫn lái được nhưng gặp tình huống khó khăn, bất ngờ, thời tiết xấu, sân bay có địa hình khó hạ cánh lại bộc lộ sự yếu kém trong giây phút rất nguy hiểm giữa sự sống và cái chết” – vị cựu thanh tra bay cảnh báo.
Rà soát bằng lái toàn bộ phi công nước ngoài
Cục Hàng không khẳng định trong thời gian chờ nhà chức trách hàng không Pakistan xác thực về bằng lái của 27 phi công Pakistan, cục đang rà soát bằng lái toàn bộ phi công nước ngoài làm việc tại VN, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 31-7.
Cục Hàng không cho hay qua rà soát, có 27 phi công người Pakistan đã được cục cấp giấy phép và năng định (chứng nhận về năng lực chuyên môn đáp ứng đủ điều kiện làm nhiệm vụ theo chức danh ghi trong giấy phép nhân viên hàng không) làm việc cho các hãng hàng không VN thời gian qua.
Nguồn: tuoitre.vn