Tách ra từ tỉnh Sông Bé (cũ), Bình Phước là tỉnh thuần nông với hơn 90% dân số sống bằng nông nghiệp. Tuy nhiên, với những chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư hấp dẫn, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bình Phước đã phát triển mạnh mẽ. Từ xuất phát điểm thấp của thời điểm chia tái lập tỉnh (1997), sau 20 năm, hiện Bình Phước có 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 5.244ha (đất sạch) dành cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp ở tỉnh Bình Phước đang có nhiều khởi sắc |
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Phước về quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp.
Xin ông cho biết, Bình Phước có những thế mạnh gì trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp?
– Ông Nguyễn Văn Dũng: Tỉnh Bình Phước nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đây là khu vực phát triển năng động nhất cả nước hiện nay. Vị trí địa lý của tỉnh nằm trong vùng đất chuyển tiếp giữa Tây Nguyên với đồng bằng, là nơi giao nhau giữa các trục đường giao thông quan trọng của cả nước như: QL13, QL14 (đường Hồ Chí Minh) hiện nay và đường sắt xuyên Á, đường sắt từ TP.HCM lên Tây Nguyên trong tương lai.
Bình Phước là tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai (bão lụt, động đất,…), có nguồn nguyên liệu cao su, gỗ, các loại nông sản (cao su, điều, cà phê, tiêu,…) phong phú, là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành sản xuất, chế biến và nguồn nhân công dồi dào, là sự lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày da,…
Có thể nói, thuận lợi cơ bản nhất của Bình Phước trong phát triển công nghiệp là phần lớn diện tích đất quy hoạch là đất công, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao lại nên chi phí đền bù thấp. Mặt khác, giá cho thuê đất (đã có hạ tầng) dao động từ 18 -22 USD/m2/50 năm thấp hơn nhiều so với các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của UBND tỉnh). Theo đó, UBND tỉnh cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh với mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Ngoài những quy định chính sách ưu đãi đầu tư chung, UBND tỉnh quy định các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh như: đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu (điện, nước, giao thông,…) đến bên ngoài hàng rào KCN, KKT; ưu đãi về giá thuê đất; ưu đãi về chi phí quảng cáo; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ tư vấn xúc tiến đầu tư; …
Một thuận lợi nữa, đó là công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian qua tại Ban thực hiện rất tốt, không để kéo dài, giảm bớt sự đi lại của các nhà đầu tư. Ban thường xuyên rà soát cải cách bộ thủ tục hành chính, hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang áp dụng với 59 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc Ban quản lý. Mặt khác, Ban quản lý Khu kinh tế cũng xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống một cửa điện tử, một cửa liên thông đối với 8 thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, PCCC,… Ban quản lý Khu kinh tế cũng đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008.
* Xin ông cho biết, những thành tựu nổi bật trong thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh đã đạt được từ khi tái lập tỉnh đến nay?
– Đối với KCN: Hiện nay trong các KCN đã thu hút được 167 dự án thứ cấp (60 dự án có vốn đầu tư trong nước và 107 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với vốn đầu tư đăng ký 3.344 tỷ đồng và 1,08 tỷ USD; 10 dự án hạ tầng (9 dự án có vốn đầu tư trong nước và 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với vốn đầu tư đăng ký 7.929 tỷ đồng và 12,8 triệu USD.
Tình hình thu hút đầu tư vào KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, số vốn đầu tư thu hút được tăng mạnh. Kết quả đáng khích lệ nói trên cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước, phản ánh môi trường đầu tư thuận lợi tại KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, phản ánh tích cực kết quả cải cách thủ tục hành chính và lòng tin của doanh nghiệp về môi trường đầu tư tại tỉnh nhà.
Trước đây, đa số các dự án thu hút được chủ yếu là các dự án quy mô vừa và nhỏ, tuy nhiên trong thời gian gần đây các KCN trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Dự án của Công ty Cổ phần MDF Vrg Dongwha với vốn đầu tư 226 triệu USD, Công ty TNHH Long Fa với vốn đầu tư 150 triệu USD tại KCN Minh Hưng III và Công ty TNHH Freewell Việt Nam với vốn đầu tư 125 triệu USD tại KCN Bắc Đồng Phú. Các dự án này đều được các nhà đầu tư nhập khẩu các dây chuyền máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, khép kín và giảm thiểu việc ô nhiễm ra môi trường. Đây là xu hướng thu hút đầu tư mà các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang hướng tới.
Từ kết quả đó, các doanh nghiệp KCN đã góp phần cho sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tạo môi trường cho chuyển giao công nghệ một cách nhanh chóng, sản xuất nhiều hàng hóa tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao, tạo điều kiện để thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Vốn đầu tư thu hút được trong các KCN đến nay đã hơn 1 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng đã cho thấy sự phát triển của công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nguồn thu ngân sách từ các dự án đầu tư trong KCN, khu kinh tế thời gian đầu chưa cao do doanh nghiệp còn trong thời gian miễn giảm thuế, trong thời gian tới sẽ là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, đã làm cơ bản thay đổi diện mạo của các huyện, thị nơi có KCN, mức sống người dân tăng lên đáng kể, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Điều này cho thấy sự đóng góp của các doanh nghiệp KCN vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung. Để phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy mời gọi đầu tư vào tỉnh.
* Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh còn những tồn tại, hạn chế gì, thưa ông?
– Mặc dù tình hình thu hút đầu tư vào KCN đã có kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, chưa thu hút được các dư án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại. Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa chủ động phối hợp với Ban trong công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư. Việc đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các KCN và khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí được bố trí hàng năm rất hạn chế, do đó phải ứng vốn của doanh nghiệp để thực hiện bồi thường, giải phòng mặt bằng, nhưng tiến độ ứng vốn của doanh nghiệp còn chậm. Đối với KCN Tân Thành (Đồng Xoài I) do Trung tâm khai thác hạ tầng KCN trực thuộc Ban làm chủ đầu tư, khó khăn hiện nay là không có vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, hệ thống thoát nước mưa, nước thải. Đối với KCN Chơn Thành hiện nay hệ thống chiếu sáng và đường trục chính vào KCN đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa tìm được nguồn kinh phí để sửa chữa.
* Bình Phước hiện có 13 KCN với tổng diện tích 5.244ha (đất sạch). Tuy nhiên, tính đến nay tỉ lệ lấp đầy trong các KCN mới chỉ đạt hơn 20% trong tổng diện tích là rất thấp. Xin ông cho biết nguyên nhân của thực trạng này?
– Tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 8 KCN với tổng diện tích 5.244 ha. Bao gồm các KCN: Chơn Thành 682 ha, Minh Hưng 700 ha, Tân Khai 670 ha, Đồng Xoài 470 ha, Nam Đồng Phú 72 ha, Bắc Đồng Phú 200 ha, Sài Gòn-Bình Phước 450 ha và Becamex-Bình Phước 2.000 ha.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch để phù hợp với tình hình thực tế, Ban Quản lý Khu kinh tế đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (tại Công văn số 2162/TTg – KTN ngày 26/11/2015) thì hiện nay tỉnh Bình Phước có 13 KCN với diện tích 4.686 ha.
Trong số các KCN đang hoạt động có những KCN đã có tỷ lệ lấp đầy 100% (KCN Minh Hưng – Hàn Quốc, KCN Chơn Thành II), trên 70% (KCN Minh Hưng III, KCN Đồng Xoài I). Tỷ lệ lấp đầy trung bình so với tổng diện tích các KCN khoảng 25%, tương đối thấp do một số khó khăn ảnh hưởng đến đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư trong các KCN như: công tác hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng ngoài hàng rào KCN còn khó khăn do ngân sách bố trí đầu tư hạ tầng còn hạn chế, mặt khác do khoảng cách xa các sân bay, cảng biển nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư.
* Để thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, tỉnh Bình Phước có chính sách ưu đãi gì, thưa ông. Và, vấn đề cam kết về môi trường có được đặt ra như mối quan tâm hàng đầu của tỉnh không?
– Nhằm tăng cường thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định (số 01/2016/QĐ-UBND ngày 07/01/2016) quy định về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ngoài những quy định chính sách ưu đãi đầu tư chung, UBND tỉnh có các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng bên ngoài hàng rào KCN; ưu đãi về giá thuê đất.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chấp thuận cho Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại & Du lịch tỉnh tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước trong năm 2016. Mặt khác, còn thường xuyên thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các các hoạt động gặp gỡ các đại sứ quán, hiệp hội, nhà đầu tư đến làm việc với tỉnh. Hàng năm tổ chức các buổi đối thoại, hội nghị nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Song song đó, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về thu hút, khuyến khích đầu tư. Tăng cường hợp tác đầu tư với các tỉnh bạn, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư. Có chính sách đưa khoa học và công nghệ mới vào sản xuất công nghiệp. Việc tiếp nhận các dự án đầu tư trong các KCN đều phải có sự thẩm định của các tổ chức khoa học về giải pháp công nghệ và về những tác động của nó đến môi trường và xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch. Phối hợp, ngǎn ngừa xử lý nghiêm các trường hợp nhập và sử dụng các công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Tất cả các dự án đầu tư trong khu công nghiệp đều phải thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!