Với mục tiêu giành hết lại các vùng lãnh thổ do phía Nga kiểm soát từ năm 2014, Ukraine đã có những tuyên bố đanh thép về đợt phản công lớn trong năm 2023.

Các bài toán phản công đầy khó khăn của Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine tại chiến trường Bakhmut hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters).

Với chiến tuyến trải dài hơn 1.000km kéo từ Biển Đen đến vùng Donbass, Ukraine từng tổ chức phản công thành công trong nửa cuối năm 2022 tại Kherson và Kharkov. Vậy hướng phản công và mục tiêu chính phản công trong năm 2023 của Ukraine sẽ là gì?

Kherson – mục tiêu khó khăn

Trong các hướng Ukraine có thể phản công, việc tập kích nhằm vào tỉnh Kherson hướng tới kiểm soát eo đất trên bộ nối với bán đảo Crimea tưởng chừng sẽ là mục tiêu dễ dàng nhất khi khoảng cách từ chiến trường tới eo đất Perekov chỉ có hơn 50km.

Với các mũi đột kích mạnh mẽ, Ukraine có khả năng nhanh chóng giành lại đầu cầu quan trọng này. Tuy nhiên, trước khi đạt được viễn cảnh đó, lực lượng tấn công Ukraine cần phải vượt qua sông Dniper rộng lớn.

Trong năm 2022, dưới quyền chỉ huy của tướng Sergey Surovikin, quân đội Nga đã có lựa chọn khó khăn là chủ động bỏ hữu ngạn sông Dniper, trong đó có một phần thành phố Kherson để lùi về giữ tả ngạn dòng sông.

Sau hơn 10 tháng, quân đội Nga đã hoàn thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp dựa trên sông Dniper để phòng ngừa khả năng Ukraine tấn công.

Hiệu quả của tuyến phòng thủ kết hợp giữa tự nhiên và nhân tạo này đã phát huy hiệu quả đáng kể. Tất các mũi tấn công thăm dò của Ukraine nhằm vào tuyến phòng thủ đều bị bẻ gẫy với thiệt hại đáng kể.

Điều quan trọng hơn nữa là để phản công, Ukraine cần các phương tiện vượt sông nhưng họ đang thiếu trầm trọng. Ngoài ra, việc chuẩn bị vượt sông thường mất nhiều thời gian và khó có thể che giấu trước các phương tiện trinh sát của quân đội Nga.

Giới chỉ huy Ukraine chắc cũng không dám mạo hiểm đẩy các cánh quân vượt sông rơi vào tầm hỏa lực pháo binh và không quân vượt trội của Nga. Chính vì thế, khả năng Ukraine tổ chức phản công quy mô lớn theo hướng Kherson là rất nhỏ, trừ khi có những đột biến mạnh mẽ trên chiến trường

Donbass – nguy cơ sa lầy?

Tưởng như hướng phản công Donbass sẽ có nhiều thuận lợi cho Ukraine khi đây là khu vực tập trung binh lực lớn với hệ thống công sự kiên cố vốn được Kiev chuẩn bị từ năm 2014.

Tuy nhiên, điều đó là đối với nhiệm vụ phòng thủ. Khi tấn công, các lực lượng sẽ phải rời công sự và tấn công vị trí của đối phương. Khi đó, những bình nguyên trống trải của Donetsk và Lugansk sẽ luôn là ác mộng đối với bên tấn công.

Thực tế cuộc chiến tại Donbass đã chứng minh, để kiểm soát lãnh thổ tại khu vực này, việc quan trọng nhất chính là giành kiểm soát các khu định cư. Đây chính là cơ sở để xây dựng tuyến phòng ngự, hầm hào để hạn chế hỏa lực của đối phương thay vì phơi mình trên đồng trống.

Để kiểm soát một đô thị tại khu vực này liệu có phải là điều dễ dàng. Những cứ điểm như Soledar, Artemovsk (tên Ukraine là Bakhmut) và hàng loạt khu định cư vệ tinh xung quanh đều đã được Nga xây dựng thành các cứ điểm phòng thủ kiên cố trong suốt thời gian dài.

Hơn nửa năm qua, thế giới đều đã thấy sự ác liệt của các cuộc chiến tranh giành giật đô thị tại Donbass, auân đội Nga với ưu thế tuyệt đối về hỏa lực cũng mất nhiều tháng cho mỗi điểm dân cư quan trọng ở khu vực này.

Vậy nếu phản công, Ukraine sẽ làm gì để giành được chiến thắng hay lại sa lầy vào những cuộc chiến đô thị trong bối cảnh nguồn lực hạn chế hơn Nga rất nhiều lần. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ cơn ác mộng thật sự với Kiev.

Zaporizhzhia – mục tiêu chiến lược?

Trong tất cả các hướng dự kiến phản công của Ukraine, không nơi nào nhận được sự quan tâm lớn như vùng Zaporizhzhia.

Đây là khu vực có vị trí rất quan trọng để giành con đường ra biển Azov, cũng như có khả năng cắt đôi các vùng lãnh thổ Moscow mới sáp nhập trong năm 2022 và cầu nối Bán đảo Crimea với đất liền của Nga.

Cùng với đó, địa hình tại khu vực này rất phù hợp để tấn công với ít khu định cư, chiều sâu phòng ngự lãnh thổ của Nga chỉ khoảng hơn 100km.

Không ít lần các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá hướng phản công tại Zaporizhzhia là tiềm năng nhất, có thể giúp Ukraine giành được những kết quả tích cực, tạo đủ tiếng vang để tiếp tục nhận các nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây.

Thực tế, Lực lượng vũ trang Ukraine cũng triển khai trên hướng này những đơn vị tinh nhuệ, trong đó có Trung đoàn cực hữu Azov thiện chiến. Tuy nhiên, không chỉ Ukraine, bản thân Nga cũng hiểu rõ sự quan trọng cùng vùng lãnh thổ này.

Trong hơn 10 tháng qua, ít nhất 3 vành đai phòng thủ cứng đã được Nga thiết lập tại Zaporizhzhia xung quanh các đô thị quan trọng với hạt nhân là thành phố Melitopol.

Ngoài ra, khu vực này cũng rất gần các căn cứ quân sự của Nga tại tỉnh Rostov và Bán đảo Crimea, để khi cần, họ luôn có sự chi viện kịp thời từ không quân.

Một vấn đề quan trọng khác chính là sự “biến mất” của các đơn vị cơ động Nga trong khu vực. Họ đang ém quân ở đâu là câu hỏi mà giới chỉ huy quân đội Ukraine đau đầu giải mã.

Nếu tổ chức phản công, điều quan trọng với Ukraine không chỉ là dồn sức xuyên thủng tuyến phòng thủ, mà còn phải luôn cảnh giác với các đơn vị cơ giới Nga bất ngờ tấn công thọc sườn và những trận không kích ồ ạt của Không quân – Vũ trụ Nga.

Chính những “bài toán khó” chưa có lời giải như trên đã khiến Kiev chưa thể tổ chức phản công, bất chấp những tuyên bố đanh thép trên truyền thông.

Rõ ràng, Ukraine đang chịu sức ép lớn từ Mỹ và phương Tây với những chiến thắng trên thực địa để thuyết phục giới tinh hoa các nước tiếp tục viện trợ. Tuy nhiên, với diễn biến chiến trường hiện tại, phần lớn các kịch bản phản công sẽ khó khăn cho Ukraine.

Theo Dân Trí

Từ khóa : Ukraine

Các tin liên quan đến bài viết