Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời tất cả. Làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế – ĐB Nguyễn Thị Thủy nói trước Quốc hội.

Cắt rời tất cả

Mấy ngày cuối tuần qua, bà Phạm Thị Ngọc Thủy và các đồng sự ở Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) như ngồi trên lửa. Điện thoại liên tục rung bởi tin nhắn, điện thoại của các hiệp hội doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, tài xế – những người phải xếp hàng dài, kẹt cứng trên các tuyến quốc lộ huyết mạch ở phía Bắc.

Hiệp hội kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn cầu cứu với bà Thủy, nhóm xe hàng quá cảnh của họ không thể đi qua Hà Nội bởi những quy định rất mới trong áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ đô. Họ đã liên hệ với 2 đường dây nóng mà Sở GTVT Hà Nội cung cấp nhưng không thể liên lạc. Nhóm cố gắng, lên mạng đăng kí “luồng xanh” theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ thì mạng quay vòng vòng không thể vào được.

“Xe xếp hàng đoàn dài và các tài xế, doanh nghiệp rất bế tắc và lo âu. Tình trạng này diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố vì các chỉ đạo chống dịch rất khác nhau, không công nhận nhau. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là hiện hữu”, Thủy nói.

Thực tế này cũng được phản ánh trên diễn đàn Quốc hội hôm qua.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến quy định “nóng nhất” là của Hải Phòng về yêu cầu xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng phương pháp RT-PCR, cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi qua Hà Nội và nói việc này “dẫn đến toàn bộ hoạt động vận tải hàng hoá giữa Hà Nội – Hải Phòng bị đặt vào tình thế hết sức căng thẳng”.

“Đặc biệt trong thời gian gần đây, việc áp dụng các chính sách giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong khâu tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hoá”, ông nói.

'Cả nước như một cơ thể sống, không vì có chỗ bệnh mà cắt rời'
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh, có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định.

Bà nói tha thiết: “Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”.

Bà nói các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này, đặc biệt Công điện ngày 5/6 của Thủ tướng đã nêu rõ: “Một số nơi áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan, gây nguy cơ làm gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn”. Đồng thời, Thủ tướng đã giao trực tiếp cho từng bộ trưởng phải rà soát và xử lý ngay tình hình này.

Những câu chuyện về ách tắc hàng hóa chỉ là một phần của bức tranh chống dịch hiện nay. Kể từ khi Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ được ban hành năm ngoái, cách thức chống dịch đã được quy định khá chi tiết và đã đáp ứng đòi hỏi chống dịch ở một góc nào đó, làm cho nhân dân tin tưởng.

Song, không ít người vẫn băn khoăn. Vì sao tôi không được về nhà, vì sao quốc lộ lại chia cắt, vì sao tôi không được ra ngoài mua hàng hóa thiết yếu, vì sao tôi phải bắt buộc đi cách ly… Các câu hỏi, những nỗi băn khoăn, bao niềm trăn trở mà một chỉ thị không giải quyết được.

Thượng phương bảo kiếm

Đây là vấn đề được các đại biểu đặt ra tại diễn đàn Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhận xét, về nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh. “Tôi cho rằng, trong thời gian tới cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo quyền con người, quyền công dân”, ông nói.

Ông khẳng định, một số văn bản pháp luật cần quan tâm sửa đổi, như các quy định về chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, một số quy định không áp dụng được trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Trước thực tế đó, Chính phủ đã có tờ trình đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với đề nghị được trao quyền áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp.

'Cả nước như một cơ thể sống, không vì có chỗ bệnh mà cắt rời'
Gần 12 nghìn công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam “rồng rắn” đi xe máy trở về các tỉnh Tây Nguyên để tránh dịch

Theo tờ trình, Chính phủ, Thủ tướng cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và đời sống nhân dân…) và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch Covid vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch.

Nhiều đại biểu ủng hộ đề nghị này. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nói: “Tôi cho rằng, việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp mà pháp luật quy định về phòng, chống dịch bệnh quyết định việc áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành để kịp thời ứng phó với Covid-19, một đại dịch chưa từng có trên thế giới là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay tại kỳ họp này”.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bổ sung thêm ông ủng hộ Quốc hội “cho phép Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật”, song, cần phải xác định rõ giới hạn, phạm vi và thời gian.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói thêm, Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp này đề xuất của Chính phủ trao thêm quyền là như “thượng phương bảo kiếm” mà Quốc hội tin tưởng trao cho vị tướng ra trận.

“Quốc hội sẽ đồng tình tuyệt đối tin tưởng giao cho Chính phủ toàn quyền tướng ngoài biên ải cũng là vì quan điểm ưu tiên chống dịch và mong chờ sự mạnh mẽ, quyết đáp của Chính phủ”, đại biểu nói.

Hi vọng rằng, khi đã có thượng phương bảo kiếm, Chính phủ sẽ rộng tay hơn trong việc thống nhất các quy định hiện nay để không xảy ra tình trạng mỗi địa phương ra quy định một kiểu để làm khó doanh nghiệp, khó nền kinh tế.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch:
1. Không kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
2. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.
3. Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định tại điểm 1 và điểm 2 nêu trên; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh và kịp thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chống dịchCOVID-19

Các tin liên quan đến bài viết