Bệnh nhân Indonesia đã có 2 kết quả xét nghiệm ‘dương tính nhẹ’ với COVID-19 ngày 1-7, nhưng xét nghiệm lần 3 tại Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả âm tính. Vì sao như vậy? Bộ Y tế cho biết sẽ đánh giá lại ca bệnh này.
Sáng 2-7, Bộ Y tế thông tin về trường hợp người Indonesia nghi nhiễm virus corona, ông AJI, 31 tuổi.
Theo đó ngày 1-7, hai bệnh viện ở TP.HCM (đều được Bộ Y tế cho phép) đã xét nghiệm cho ông này và kết quả xét nghiệm là dương tính. Kết quả này gây lo lắng khi ông AJI đến Việt Nam từ tháng 3-2020 và sinh sống, làm việc ở Bình Dương cho đến nay, nên nguồn lây ở đâu, nhiễm bệnh từ lúc nào… là vấn đề đáng quan tâm.
Tuy nhiên sáng nay 2-7, Bộ Y tế đã chính thức thông báo xét nghiệm khẳng định tại Viện Pasteur TP.HCM với bệnh nhân này và toàn bộ 145 người có tiếp xúc đều cho kết quả âm tính.
Vì sao cùng phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép lại cho ra kết quả khác nhau? Sai số xét nghiệm đến mức nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, như thời gian lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu, trình tự thực hiện xét nghiệm…
Trường hợp sử dụng xét nghiệm bằng test nhanh, một số loại test có phản ứng dương tính chéo với một số bệnh khác, ví dụ như bệnh nhân bị sốt xuất huyết thì test cho dương tính cả với COVID-19 (tình trạng này từng xảy ra khi xét nghiệm lưu động tại Hà Nội).
Do ca bệnh người Indonesia khá phức tạp: xét nghiệm tại 3 phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận nhưng kết quả khác nhau, ông Tấn cho biết Bộ Y tế sẽ đánh giá lại toàn bộ để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm nếu có.
Với 145 người có tiếp xúc với ông AJI nhưng hiện đã có kết quả xét nghiệm âm tính, ông Tấn cho biết họ có thể được giải tỏa cách ly nhưng vẫn phải tiếp tục tự theo dõi.
Đây là lần thứ tư kể từ đầu mùa dịch có ca bệnh dương tính giả sau khi xét nghiệm tại Phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép.
Nguồn: tuoitre.vn