Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia; phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi… là những sự kiện tiêu biểu lọt top 10 sự kiện khoa học công nghệ năm 2020, công bố chiều 23-12.
Chiều 23-12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2020 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế, tôn vinh nhà khoa học.
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định số 749 phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″. Chương trình nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu với một số chỉ số cơ bản cụ thể đến năm 2025 và 2030.
2. Những nghiên cứu thành công về virus SARS-CoV-2
* Nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm
Ngày 7-2-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) công bố việc nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Thành công này tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.
* Nghiên cứu, chế tạo bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2
Ngày 5-3-2020, công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) realtime RT PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, do Học viện Quân y chủ trì phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện. Vào thời điểm đó, Việt Nam là một số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
3. Xây dựng thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu
Đề tài “Nghiên cứu tiếp cận công nghệ sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu tích hợp công nghệ trạm thu phát thông tin để giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển” do PGS.TS Phạm Hồng Quang – Trung tâm tin học và tính toán thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì.
4. Bàn giao bản thảo bộ Quốc sử Việt Nam
Ngày 12-11-2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức lễ tiếp nhận bản thảo Bộ lịch sử Việt Nam. Đây là sản phẩm của đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” (còn gọi là Quốc sử) được thực hiện từ năm 2015.
Đề án được thực hiện bởi gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước.
5. Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị tự sản xuất
Ngày 17-1-2020, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông và bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.
6. Ứng dụng Bluezone được triển khai rộng rãi
Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Khi các điện thoại thông minh cùng cài ứng dụng Bluezone thì chúng tự phát hiện nhau trong khoảng cách 2m và tự ghi nhớ.
Đến giữa tháng 11-2020 đã có hơn 23 triệu người Việt Nam cài đặt và sử dụng Bluezone.
7. Hoàn thành kè bảo vệ hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ bêtông cốt phi kim thành mỏng, khối rỗng liên kết module của tác giả Hoàng Đức Thảo, tổng giám đốc Busadco
Tháng 8-2020, tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Công ty Busadco, đơn vị thi công kè hồ Hoàn Kiếm đã chính thức hợp long toàn tuyến, hoàn thành công trình kè hồ với tổng chiều dài gần 1.500m sau 65 ngày đêm thi công trước thời hạn hai tháng.
8. Các nhà khoa học Việt Nam tham gia một thí nghiệm được công bố trên Nature
Đó là thí nghiệm quốc tế T2K với bài báo khoa học “Ràng buộc tham số pha vi phạm đối xứng vật chất – phản vật chất trong dao động neutrino” đăng trên Nature ngày 16-4-2020. Nature là tạp chí có chất lượng học thuật hàng đầu thế giới.
Thí nghiệm này được thực hiện tại Nhật Bản với sự hợp tác quốc tế của khoảng 600 nhà vật lý và kỹ sư với hơn 60 tổ chức nghiên cứu đến từ 12 quốc gia trên thế giới.
9. Phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu
Ngày 15-7-2020, sau 12 giờ phẫu thuật, gần 100 bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu tại TP.HCM đã phối hợp phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.
Đây là ca mổ phức tạp thứ 2 mà ngành y tế TP.HCM thực hiện sau ca mổ Việt – Đức 32 năm trước.
10. PGS.TS Đỗ Văn Mạnh nhận giải thưởng Sáng tạo châu Á 2020
Ngày 30-10-2020, Quỹ Toàn cầu Hitatchi trao chứng nhận đoạt giải nhất Sáng tạo châu Á 2020 cho PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam).
PGS.TS Đỗ Văn Mạnh được Quỹ Toàn cầu Hitachi đánh giá cao về các công trình nghiên cứu phát triển ứng dụng khí sinh học tiên tiến để tận dụng bùn thải từ các nhà máy bia và nhà máy mía đường để sản xuất điện và phân bón hữu cơ.
Nguồn: tuoitre.vn