Từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, đến nay Bưu điện văn hóa xã đã hoạt động theo hướng đi mới, cung cấp đa dịch vụ.

Tính đến hết tháng 9/2018, toàn hệ thống Bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) đã đóng góp 14% trong tổng doanh thu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, tăng 152% so với cùng kỳ 2017. Mức doanh thu bình quân đạt 35 triệu đồng/điểm/tháng.

Đây là thông tin được ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đưa ra tại Hội nghị tổng kết 20 năm BĐ-VHX diễn ra chiều 26/10.

Bưu điện văn hóa xã: 20 năm nhìn lại
Toàn cảnh Hội nghị 20 năm Bưu điện văn hóa xã xây dựng và phát triển

Sau 20 năm, đến nay cả nước có hơn 8.000 BĐ-VHX tại các thôn, bản và hải đảo xa xôi. Với mục tiêu phát triển hệ thống BĐ-VHX thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời phát triển kinh doanh, tạo nền tảng bền vững để lồng ghép triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từ năm 2014, Bưu điện Việt Nam đã tập trung triển khai Chiến dịch đổi mới hoạt động tại BĐ-VHX trên phạm vi toàn quốc.

Bưu điện văn hóa xã: 20 năm nhìn lại
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định trong thời đại 4.0 BĐ-VHX phải được kết nối và quản trị phẳng hóa bằng CNTT

Từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, đến nay Bưu điện văn hóa xã đã hoạt động theo hướng đi mới, cung cấp đa dịch vụ tại điểm như: huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền, bảo hiểm bưu điện, phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp sản phẩm sách, vở, lịch, các thiết bị viễn thông- truyền hình kỹ thuật số phục vụ bà con nông thôn, góp phần hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ…

Đặc biệt, theo ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thời gian gần đây BĐ-VHX còn là nơi kết nối các dịch vụ hành chính công giữa người dân và chính quyền các cấp. Hiện Bưu điện Việt Nam đã thử nghiệm thành công mô hình BĐ-VHX cung cấp các dịch vụ hành chính công với hơn 1.500 điểm.

Bưu điện văn hóa xã: 20 năm nhìn lại
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi Lễ

Một số đơn vị đã triển khai dịch vụ hẹn giờ làm thủ tục cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân tại BĐ-VHX. Đáng chú ý, một số UBND xã đã đặt bộ phận “một cửa” tại BĐ-VHX, nhân viên BĐ-VHX tham gia hỗ trợ công chức tiếp nhận, kiểm đếm hồ sơ và thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thí điểm mô hình hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại BĐ-VHX.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, mạng lưới BĐ-VHX rộng khắp tới các thôn bản là lợi thế riêng của Bưu điện Việt Nam. Đây cũng là điểm tựa để Bưu điện Việt Nam tiếp tục mở rộng, phát triển kinh doanh dịch vụ, phục vụ, hoàn thành các chiến lược kinh doanh trong tương lai, sẵn sàng đón nhận, triển khai tốt các nhiệm vụ, trọng trách mới.

Bưu điện văn hóa xã: 20 năm nhìn lại
Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trao Giấy khen cho các Bưu điện tỉnh, thành phố có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển BĐ-VHX

Trong thời đại 4.0  bắt buộc BĐ-VHX phải được kết nối và quản trị phẳng hóa bằng công nghệ thông tin. BĐ-VHX sẽ dần được chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh, cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT để quản lý và tạo lập được một lượng khách hàng thân thiết đủ lớn và ổn định. Do đó, hệ thống BĐ-VHX cần nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hiện thực hóa một số mục tiêu đến năm 2030.

Bưu điện văn hóa xã: 20 năm nhìn lại
Người dân đến BĐ-VHX sử dụng các dịch vụ bưu chính

Cụ thể là tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu của BĐ-VHX trên tổng doanh thu toàn Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam từ 14% lên 25 – 30%, từ đó tăng thu nhập thực tế cho nhân viên BĐ-VHX; 100% BĐ-VHX online, trang bị đầy đủ máy tính, máy in…; 100% nhân viên BĐ-VHX được đào tạo, sử dụng nhuần nhuyễn các ứng dụng CNTT (báo cáo online, phần mềm, ứng dụng bán hàng). Bên cạnh đó, BĐ-VHX sẽ tham gia sâu và rộng hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời trở thành trung tâm hành chính công, đưa các dịch vụ công đến gần người dân hơn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bưu điện văn hóa xãdịch vụ

Các tin liên quan đến bài viết