Sau khi lô bưởi da xanh đầu tiên tại Bến Tre được xuất sang thị trường Hoa Kỳ, nhiều nhà vườn tại miền Tây đã “quay lại” với cây bưởi sau một thời gian dài bỏ phế vì rớt giá.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhà vườn nên đầu tư bài bản, chăm sóc theo quy chuẩn để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Quay lại với cây bưởi
Những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Tư (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) không còn thời gian rảnh để ngồi uống trà như trước bởi luôn bận bịu với vườn bưởi da xanh 5 công của gia đình. Vườn bưởi da xanh này từng là nguồn sống của cả gia đình nhưng vì rớt giá trong một thời gian dài nên ông để cỏ mọc um tùm.
Chỉ đến khi dư luận xôn xao với thông tin lô bưởi đầu tiên được xuất đi Mỹ, ông đã quay lại chăm sóc vườn bưởi để gỡ gạc khoảng thời gian thất thu vừa qua.
Dù giá bưởi vẫn chỉ ở mức dưới 20.000 đồng/kg nhưng theo ông Tư, thương lái quen trước đây đã đến vườn bưởi của ông đặt hàng trước và hứa sẽ mua giá tốt nhất.
“Trước đây bưởi có giá trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí cũng tạm gọi là có ăn. Nhưng khoảng hơn một năm qua, giá chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, thậm chí có những lúc thương lái không mua, để rụng đầy vườn nên tôi cũng nản bỏ phế luôn cả vườn bưởi”, ông Tư nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu (58 tuổi, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng kỳ vọng giá bưởi da xanh sẽ tăng trong thời gian tới.
“Tôi nghĩ rằng khi trái bưởi được bán trên thị trường Mỹ, giá trị sẽ cao hơn, nhà vườn cũng sẽ được hưởng lợi. Trước mắt, tôi thấy thương lái đã kêu giá nhích từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg sau khi lô bưởi đầu tiên xuất đi Mỹ. Tôi nghĩ giá bưởi sẽ còn tăng nữa”, ông Hậu quả quyết.
Hơn 3 công vườn của gia đình ông Hậu chỉ trồng độc nhất bưởi da xanh. Do giá bưởi thời gian qua xuống thấp nên ông chỉ cầm cự cho cây sống chứ không đầu tư phân thuốc nên năng suất không cao. Tuy nhiên, đợt này ông đã vay vốn để đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn bưởi của mình vì ông tin tưởng rằng giá bưởi sẽ tăng cao trong những tháng tới.
Cần chú trọng chất lượng
Theo ông Võ Văn Men, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang (Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang), ngay khi các cơ quan chức năng đàm phán xuất khẩu bưởi sang các nước như Mỹ, Trung Quốc…, ngành nông nghiệp tỉnh đã có thông tin và hướng dẫn người dân địa phương.
Tuy nhiên, do giá bưởi có lúc xuống thấp còn khoảng 15.000 đồng/kg nên nhà vườn không còn mấy mặn mà.
Trước sự kiện lô bưởi đầu tiên chính thức được xuất qua thị trường Mỹ, nhà vườn quay lại với loại cây trồng này. Ông Men cho biết thêm hiện diện tích bưởi trên địa bàn tỉnh đã đạt khoảng 6.000ha, tăng khoảng 500ha so với năm trước.
Tuy trái bưởi đang đứng trước cơ hội lớn nhưng theo ông Men, nhà vườn cần tuân thủ các quy chuẩn để trái bưởi đạt chất lượng. “Theo đó, nhà vườn cần sản xuất sạch, đặc biệt cần thực hiện bao trái để đảm bảo trái bưởi không bị sâu đục, không bị nấm mốc”, ông Men khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Đức, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết bưởi da xanh lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ mở ra thị trường mới đầy tiềm năng trong tương lai.
“Tuy có nhiều cơ hội để nâng cao giá trị trái bưởi nhưng chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà vườn với nhau và giữa nhà vườn – doanh nghiệp – Nhà nước để ngày càng khẳng định sự chuyên nghiệp của người sản xuất, trong xuất khẩu trái bưởi”, ông Đức nói.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết toàn tỉnh đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ. Đối với thị trường Mỹ đã được cấp 11 mã số với diện tích 156,76ha, sản lượng 3.135 tấn/năm.
Nguồn: tuoitre.vn