Nước Mỹ cuối cùng cũng đã tăng lãi suất sau nhiều năm liên tục giảm xuống mức thấp kỷ lục và duy trì ở mức 0%-0,25% kể từ tháng 3/2020 tới nay. 

Mỹ lần đầu tăng lãi suất sau 3 năm

Sau 2 ngày họp 15-16/3 (kết thúc vào rạng sáng 17/3 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên mức 0,25-0,5%.

Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 12/2018 và là một bước ngoặt trong việc thay đổi chính sách tiền tệ của nước Mỹ, từ nới lỏng sang thắt chặt, nhằm kiểm soát lạm phát, vốn tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua, với mức mất giá lên tới 7,9% ghi nhận trong tháng 2/2022.

Fed dự báo sẽ nâng lãi suất trong 6 cuộc họp còn lại của năm 2022, với mục tiêu lãi suất chạm mức 1,9% vào cuối năm. Có tới 7 quan chức dự báo sẽ có 1 đợt nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong 6 lần nâng lãi suất còn lại trong năm nay. Fed cũng dự báo sẽ có thêm 3 đợt nâng lãi suất trong năm 2023 và không đợt nào trong năm 2024.

Việc thay đổi chính sách trên thực tế đã được tính toán và đề cập đến trong nhiều tháng qua và đã được thị trường đón nhận khá đầy đủ. Tuy nhiên, đó cũng là một quyết định khó khăn bởi nền kinh tế số 1 thế giới đang đối mặt với khả năng suy giảm tăng trưởng, thậm chí suy thoái khi cuộc chiến Nga-Ukraine khiến giá nguyên vật liệu quan trọng tăng vọt. Giá dầu có lúc đã lên tới 140 USD/thùng.

Nhiệm vụ tăng lãi suất gần như là bắt buộc khi mà nước Mỹ của chính quyền ông Joe Biden chứng kiến lạm phát ở mức cao hiếm có trong lịch sử. Mức 7,9% vượt quá xa so với lạm phát mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương nước này nhắm tới.

Hồi đầu tháng 3, khi mà cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra được khoảng hơn một tuần, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất một cách “cẩn trọng” trong cuộc họp tháng này, nhưng cũng không ngại ngần khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng điều chỉnh lãi suất mạnh tay hơn nếu lạm phát không hạ nhiệt nhanh như mong đợi.

Bước ngoặt thay đổi của Mỹ, cả thế giới chuẩn bị hành động
Nước Mỹ tăng lãi suất lần đầu sau 3 năm.

Ở vào thời điểm như hiện tại, rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ khá lớn khi lạm phát vốn đã ở mức cao nhất trong 4 thấp kỷ nhưng khả năng còn tăng cao hơn nữa bởi mức 7,9% của tháng 2 chưa phải là cao điểm hàng hóa thế giới tăng mạnh vì cuộc chiến Nga-Ukraine.

Cuộc họp ngày 15-16/3 của Fed tưởng chừng đã rất căng thẳng bởi lo ngại tình trạng đình lạm nhưng nước Mỹ may mắn khi giá hàng hóa trong vài ngày qua hạ nhiệt khá nhanh do giới đầu tư bớt lo ngại về cuộc chiến Nga-Ukraine. Giá dầu đã từ mức 140 USD về quanh ngưỡng 100 USD/thùng. Giá vàng hạ nhiệt trong khi chứng khoán tăng trở lại.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ vừa được công bố hôm 15/3 tiếp tục tăng nhưng tăng chậm hơn tháng trước. Chỉ số này cho thấy, lạm phát Mỹ chưa lên đỉnh nhưng bắt đầu có tín hiệu chậm lại và có thể sớm hạ nhiệt.

Những quyết sách của Fed trở nên bớt khó khăn hơn. Fed sẽ nhanh chóng tạo ra dư địa chính sách cho một cuộc khủng hoảng sắp tới.

Thế giới chuyển mình

Nước Nhật cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự khi mà lạm phát chạm ngưỡng không mong muốn. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) gặp khó trong việc đưa ra lý do duy trì các biện pháp kích thích cho kinh tế Nhật Bản nếu lạm phát được công bố tới đây vượt mức mục tiêu 2%.

Theo những tín hiệu đưa ra gần đây, BoJ sẽ giữ nguyên chính sách tại cuộc họp tuần này.

Theo Nikko Securities, giá các mặt hàng chủ chốt của Nhật có khả năng đạt mức tăng 2,4% trong tháng 4/2022. Đây sẽ là mức cao chưa từng thấy kể từ 2008. Theo Barclays, lạm phát của Nhật có thể lên tới 2,8% nếu giá dầu lên mức đỉnh cao 150 USD/thùng trong năm nay.

Áp lực với BoJ ngày càng cao khi mà ngân hàng trung ương các nước khác tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá cả hàng hóa, đặc biệt năng lượng tăng cao trong khi đồng Yen yếu đi có thể khiến chính phủ Nhật gây sức ép buộc BoJ phải thay đổi chính sách.

Bước ngoặt thay đổi của Mỹ, cả thế giới chuẩn bị hành động
Lãi suất của Mỹ từ 1980 tới 2020.

Trong cuộc họp gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bất ngờ tuyên bố sẽ thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến, bất chấp chiến tranh ở Ukraine khiến nguy cơ suy thoái kinh tế trở nên rõ rệt.

Theo khảo sát mới nhất của CNBC, xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới lên tới 33%. Trong khi đó, xác suất suy thoái ở châu Âu là 50%.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong tuần này cũng có một cuộc họp và có khả năng sẽ tăng lãi suất lần thứ ba kể từ khi đại dịch bắt đầu. BoE đẩy nhanh quá trình bình thường hóa lãi suất khi mà lạm phát tháng 1 vừa qua lên mức 5,5%, cao nhất 30 năm qua.

Tại Nga, NHTW nước này đã buộc phải nâng lãi suất từ 9,5% lên 20% nhằm chống lại tình trạng lao dốc của đồng rúp và giá cổ phiếu cũng như tình trạng lạm phát phi mã khi nước này bị phương Tây trừng phạt vì cuộc chiến tại Ukraine.

Tại Việt Nam, theo SSI Research, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy. Gần đây, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước đó.

Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, các chuyên gia cho rằng tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát.

Theo MBS, là một nền kinh tế có độ mở lớn (xuất nhập khẩu bằng 200% GDP), do đó Việt Nam không tránh khỏi tác động liên quan đến áp lực lạm phát.

Thực tế cho thấy, giá xăng dầu gần đây tăng rất mạnh và lên mức cao kỷ lục mọi thời đại. Giá xăng đã lên gần 30.000 đồng/lít, kéo theo hệ lụy tăng giá các mặt hàng khác và cuối cùng là tác động lạm phát. Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng lớn tới các ngành sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ.

Tuy nhiên, Việt Nam chịu áp lực lạm phát bởi Covid-19 muộn hơn so với các quốc gia khác. Cho nên, tới thời điểm hiện tại, lạm phát vẫn ở mức khá thấp và được dự báo sẽ ở mức 3-4% trong năm 2022, chưa tính đến yếu tố khó lường về cuộc chiến Nga-Ukraine.

Hầu hết các dự báo gần đây đều cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, 5,5-6,8% trong năm 2022 nhưng chưa tính đến hậu quả khó lường của cuộc chiến Nga-Ukraine. Giá cả leo thang có thể kéo lạm phát lên cao và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : lãi suấtlạm phát

Các tin liên quan đến bài viết